"Thuốc" nào "đặc trị" xe hợp đồng trá hình?
Sau 3 năm thực hiện Nghị định số 10/2020/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, các quy định liên quan tới xe du lịch, xe hợp đồng bộc lộ không ít bất cập, khó khăn trong xử lý vi phạm.
Điều này khiến nhiều xe hợp đồng hoạt động trá hình như xe khách tuyến cố định, tình trạng xe “dù”, bến “cóc” ngày càng khó kiểm soát. Thực tế này cho thấy, cơ quan chức năng cần tìm những "phương thuốc đặc trị" hiệu quả hơn để từng bước chấm dứt tình trạng này.
Diễn biến phức tạp
Không khó để bắt gặp các loại xe du lịch, xe hợp đồng trá hình hoạt động như xe khách tuyến cố định trên nhiều tuyến đường ở Thủ đô. Những xe này thường thuộc về các doanh nghiệp vận tải có văn phòng ở khắp nơi trong nội đô. Văn phòng là điểm bán vé, cũng là nơi nhà xe đón khách. Điển hình như nhà xe Trần Anh có văn phòng tại số 12 đường Phạm Văn Đồng (quận Cầu Giấy), nhận hành khách và chuyển phát hàng hóa từ Hà Nội đi Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh bằng xe giường nằm; nhà xe Dũng Minh có văn phòng tại số 92 đường Trần Vỹ (quận Cầu Giấy) chuyên tuyến Hà Nội - Hà Tĩnh. Cũng trên đường Trần Vỹ còn có văn phòng của các nhà xe Phú Quý, Mạnh Chiến… Song nhiều văn phòng nhất có lẽ phải kể tới Công ty TNHH X.E Việt Nam: Số 71 phố Trần Nhân Tông, số 74 phố Vọng (quận Hai Bà Trưng); số 4 phố Thọ Tháp, số 43 phố Nguyễn Quốc Trị (quận Cầu Giấy)...
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam (VATA) Nguyễn Văn Quyền cho biết, trong khi xe khách tuyến cố định phải nộp thuế, phí đầy đủ, thì xe hợp đồng chỉ chịu thuế khoán theo diện hộ kinh doanh, không phải thực hiện kê khai giá cước, không mất chi phí ra vào bến xe... Tình trạng này dẫn tới cạnh tranh không lành mạnh với xe khách tuyến cố định, ảnh hưởng trật tự an toàn giao thông. Để cạnh tranh với xe hợp đồng, nhiều xe khách tuyến cố định đã bỏ bến chạy hợp đồng, lập văn phòng đại diện, bến “cóc” đón, trả khách. Ngoài ra, việc cấp phép cho các nhà xe lập văn phòng đại diện nhưng thiếu quản lý nên bị biến thành điểm đón, trả khách trong phố, hoạt động như bến “cóc”.
Theo Phó Chánh Thanh tra Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội Cao Văn Hiệp, vấn nạn xe “dù”, bến “cóc” và xe hợp đồng trá hình vẫn diễn biến phức tạp. Theo quy định tại Nghị định số 10/2020/NĐ-CP, xe hợp đồng chỉ cần có hợp đồng, danh sách hành khách là có thể hoạt động trên đường. Khi thấy lực lượng chức năng kiểm tra, nhà xe vẫn có đầy đủ giấy tờ. Dù lực lượng chức năng biết đó có thể là hợp đồng được lập sau khi xe chạy, hợp đồng gom khách nhưng không thể xử lý được. Về hành trình, xe khách tuyến cố định phải tuân thủ theo lộ trình bến xe đi và bến xe đến, còn xe hợp đồng chỉ quy định điểm đầu, điểm cuối là tuyến phố (tuyến đường), ngõ (hẻm) trong đô thị… nên các nhà xe lách luật bằng cách thay đổi hành trình. Vì vậy, cơ quan chức năng hầu như không thể kiểm soát. Trong khi đó, theo tổ chức giao thông của thành phố, xe du lịch, xe hợp đồng không bị hạn chế đi vào phố nên thường lợi dụng để dừng đỗ đón trả khách.
Siết chặt hoạt động
Từ những bất cập trên, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội Nguyễn Phi Thường thông tin, cùng với chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm, Sở đã kiến nghị Chính phủ và Bộ Giao thông - Vận tải rà soát, hoàn thiện các quy định của pháp luật, từ đó hạn chế việc các doanh nghiệp lợi dụng kẽ hở của pháp luật để chạy xe “dù”, bến “cóc”. Bên cạnh đó, Sở cũng nghiên cứu đề xuất các vị trí lắp đặt camera giám sát giao thông tại các tuyến đường trọng điểm, khu vực bến xe; xây dựng cơ chế phối hợp quản lý qua hệ thống camera giám sát để lực lượng chức năng kiểm tra, theo dõi, kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm, đặc biệt là hành vi xe hợp đồng đón, trả khách trái quy định.
Bộ Giao thông - Vận tải cũng đang tổ chức lấy ý kiến sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 10/2020/NĐ-CP; trọng tâm nhất là quy định về xe khách hợp đồng và xe du lịch. Đáng chú ý, Bộ đề xuất xe hợp đồng mỗi chuyến đi chỉ được đón, trả khách tại một địa điểm đi, đến theo đúng hợp đồng. Xe hợp đồng không được đón, trả khách từ 3 ngày liên tiếp trở lên, hoặc trong 1 tháng có tổng trên 10 ngày đón, trả khách tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng hoặc một địa điểm cố định khác. Trong 1 tháng nếu xuất phát hoặc kết thúc hợp đồng trùng lặp từ 10% số chuyến trở lên cùng 1 điểm được xem là chạy tuyến cố định, sẽ bị xem xét xử lý.
“Các cơ quan quản lý, trực tiếp là Bộ Giao thông - Vận tải cần quy định rõ loại hình xe hợp đồng cho phù hợp thực tế; bổ sung trách nhiệm của chính quyền cấp phường, xã trong quản lý xe “dù”, bến “cóc”, văn phòng đại diện. Đặc biệt, Cục Đường bộ Việt Nam cần sớm cải tiến phần mềm dữ liệu giám sát hành trình, camera gắn trên xe khách để tăng hiệu quả sử dụng dữ liệu, phục vụ quản lý, xử lý vi phạm”, Chủ tịch VATA Nguyễn Văn Quyền kiến nghị.