Nông nghiệp

"Mở lối" tiếp cận vốn cho hợp tác xã

Bạch Thanh 16/11/2023 - 06:41

Do nhiều nguyên nhân, thời gian qua, các hợp tác xã của Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn. Do đó, thời gian tới, các ngành, cơ quan liên quan sẽ triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ các hợp tác xã tăng khả năng tiếp cận vốn, đặc biệt là nguồn vốn từ hệ thống ngân hàng.

so-che-rau-tai-hop-tac-xa-d.jpg
Sơ chế rau tại Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Đặng Xá (huyện Gia Lâm). Ảnh:­ Minh Phúc

Mới có 0,5% số hợp tác xã được vay vốn ngân hàng

Theo Giám đốc Hợp tác xã Rau an toàn Đặng Xá (huyện Gia Lâm) Nguyễn Văn Mạnh, mặc dù mỗi tháng hợp tác xã cung ứng hàng chục tấn rau an toàn ra thị trường, nhưng việc tiếp cận nguồn vốn vay của đơn vị đang rất khó khăn. Nguyên nhân là do hợp tác xã chưa được cấp đất, chưa có tài sản bảo đảm nên ngân hàng từ chối cho vay vốn.

Còn Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp, kinh doanh thương mại tổng hợp Dương Liễu (huyện Hoài Đức) Nguyễn Phi Đức thông tin, hạn chế lớn nhất của hợp tác xã khi tiếp cận nguồn vốn của ngân hàng là không có tài sản bảo đảm. Hiện tại, hợp tác xã chủ yếu vay vốn từ Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã, nhưng chỉ được vay tối đa vài chục triệu đồng, chưa đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh.

Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã thành phố Hà Nội Nguyễn Tiến Phong cho biết, hiện các hợp tác xã chủ yếu tiếp cận được nguồn vốn từ Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã. Mỗi năm, Liên minh Hợp tác xã thành phố Hà Nội hỗ trợ cho hơn 200 dự án, với số vốn khoảng 100 tỷ đồng. Một con số quá nhỏ so với nhu cầu của hàng nghìn hợp tác xã trên địa bàn Thủ đô. Trong khi đó, có rất ít hợp tác xã tiếp cận được nguồn vốn từ hệ thống ngân hàng, do không có tài sản bảo đảm. Qua rà soát, đánh giá của cơ quan chuyên môn, trong số hơn 1.000 hợp tác xã đang hoạt động, số hợp tác xã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không nhiều.

Đáng chú ý, theo Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, hiện có khoảng 10% số hợp tác xã được vay vốn của Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã và chỉ có 0,5% số hợp tác xã tiếp cận được vốn vay của các tổ chức tín dụng. Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam (Agribank) Lê Hồng Phúc cho hay, mặc dù đơn vị đã có nhiều phương án cấp tín dụng, song việc cho vay đối với các hợp tác xã vẫn gặp nhiều khó khăn. Do hệ thống báo cáo tài chính của hợp tác xã chưa bài bản, minh bạch, hoàn thiện..., ảnh hưởng không nhỏ tới việc cấp tín dụng.

Gỡ khó để tăng khả năng hấp thụ vốn

Nhằm tăng khả năng tiếp cận vốn của các hợp tác xã, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã thành phố Hà Nội Nguyễn Tiến Phong cho biết, thời gian tới, Liên minh Hợp tác xã thành phố sẽ tổ chức các khóa tập huấn, đào tạo cho cán bộ quản lý, thành viên làm công tác chuyên môn, kỹ thuật của hợp tác xã các chuyên đề: Tìm hiểu về cách thức và quy trình vay vốn ngân hàng; các kiến thức cơ bản trong vay vốn ngân hàng cho hợp tác xã...

Còn theo Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Đặng Xá (huyện Gia Lâm) Nguyễn Tuấn Khanh, để các hợp tác xã tiếp cận được nguồn vốn, mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, các ngân hàng thương mại có thể cho tín chấp bằng các dự án hoặc tài sản sẵn có, thay vì phải tín chấp bằng tài sản cá nhân. Ngoài ra, các sở, ban, ngành, địa phương cần vào cuộc quyết liệt, tích cực đồng hành, tháo gỡ khó khăn, có giải pháp hỗ trợ hợp tác xã về thủ tục hồ sơ; định hướng, tư vấn phương án sản xuất, kinh doanh, đường hướng hoạt động; hỗ trợ hạ tầng, công nghệ, xúc tiến thương mại sản phẩm. Đồng thời, tăng cường phối hợp với các ngân hàng trong hoạt động thông tin, tuyên truyền về cơ chế, chính sách liên quan đến khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã; công tác xử lý tài sản bảo đảm, nợ xấu...

Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Bùi Thị Thơm cho rằng, muốn tiếp cận vốn ngân hàng, các hợp tác xã phải tự nâng cao “chỉ số năng lực” bằng cách vươn lên đổi mới, sáng tạo trong quản trị điều hành. Cùng với đó, các thành viên cần chủ động góp vốn, xây dựng và triển khai phương án sản xuất, kinh doanh phù hợp với thực tiễn, chuẩn hóa sản phẩm gắn với xúc tiến thương mại, mở rộng quy mô, gia tăng nguồn thu. Các hợp tác xã cũng cần chủ động tìm hiểu, nắm bắt thông tin về các cơ chế, chính sách có liên quan, chủ động trong quan hệ giao dịch với các ngân hàng...

Liên quan đến vấn đề này, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) Hà Thu Giang thông tin, nhằm tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn cho hợp tác xã, từ nay đến cuối năm, Ngân hàng Nhà nước sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp, nhằm tăng khả năng hấp thụ tín dụng của nền kinh tế, trong đó có kinh tế tập thể, đặc biệt là các hợp tác xã.

“Ngân hàng Nhà nước sẽ có giải pháp tháo gỡ khó khăn, đồng thời bản thân các hợp tác xã cũng phải chủ động khắc phục các hạn chế như quy mô, năng lực cạnh tranh, công tác quản trị..., qua đó tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng tăng doanh số cho vay", bà Hà Thu Giang nhấn mạnh.