An toàn thực phẩm

Hơn 42.000 cơ sở chế biến thực phẩm có quy mô vừa và nhỏ

Lam Giang 15/11/2023 16:28

Trong 500.000 cơ sở chế biến thực phẩm, 85% (tương đương 42.500 cơ sở) có quy mô vừa và nhỏ, sản xuất theo mùa vụ nên việc đầu tư trang thiết bị, nhà xưởng còn hạn chế.

Thông tin được đưa ra tại hội nghị “Phát triển hệ thống kinh doanh thực phẩm an toàn” do Bộ Công Thương tổ chức tại Hà Nội ngày 15-11.

15.11-mua-tp(1).jpg
Người dân có thể mua thực phẩm an toàn tại nhiều siêu thị, chuỗi cửa hàng.

Theo thống kê, cả nước có 8.517 chợ, trên 1.167 siêu thị, 254 trung tâm thương mại và hàng nghìn cửa hàng chuyên doanh, cửa hàng tiện lợi. Tuy chợ vẫn là kênh cung ứng thực phẩm chính nhưng ngày càng có nhiều hệ thống phân phối hiện đại, phát triển theo chuỗi, có quy mô rộng khắp trên cả nước. Hệ thống này góp phần bảo đảm truy xuất nguồn gốc hàng hóa, bảo đảm an toàn thực phẩm.

Tuy nhiên, theo Tiến sĩ, bác sĩ Cao Văn Trung, Phó trưởng phòng Giám sát ngộ độc thực phẩm và thông tin truyền thông (Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế), tình trạng ngộ độc thực phẩm hiện còn diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người sử dụng và niềm tin tiêu dùng. Ngộ độc thực phẩm và các bệnh qua thực phẩm vẫn xảy ra tại các khu công nghiệp, bếp ăn tập thể.

Nguyên nhân là do còn thực phẩm nhập lậu, thực phẩm không bảo đảm an toàn lưu thông trên thị trường; các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm nhỏ lẻ, sản xuất theo mùa vụ… chiếm số lượng lớn, không bảo đảm các điều kiện vệ sinh.

“Trong 500.000 cơ sở chế biến thực phẩm, 85% có quy mô vừa và nhỏ, sản xuất theo mùa vụ nên việc đầu tư trang thiết bị, nhà xưởng còn hạn chế”, ông Cao Văn Trung nêu.

15.11-thuc-pham-at1.jpg
Các diễn giả tham gia hội nghị.

Do đó cần đẩy mạnh và mở rộng các vùng sản xuất an toàn, khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư các cơ sở chế biến; quản lý các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, khuyến khích giết mổ tập trung... Đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử phạt vi phạm ở tuyến cơ sở, công khai tên, địa chỉ, sản phẩm, cơ sở vi phạm để tăng tính răn đe.

Còn theo ông Nguyễn Mạnh Thắng, Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương), Bộ Công Thương sẽ tập trung hoàn thiện chính sách và bộ máy; rà soát, hoàn thiện các quy định về thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm theo hướng phù hợp với Luật Thanh tra.

Bộ sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội về an toàn thực phẩm; hỗ trợ, khuyến khích hộ gia đình, hợp tác xã, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao và kết nối chuỗi giá trị cung ứng thực phẩm an toàn…