EU nhất trí hạn chế lượng khí thải metan trong nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch
Reuters cho biết, Liên minh châu Âu (EU) đã đạt được thỏa thuận vào sáng 15-11 (giờ địa phương) về luật đặt giới hạn phát thải khí metan và giảm rò rỉ trong lĩnh vực năng lượng ở EU - một trong những nỗ lực đi đến con đường trung hòa carbon vào năm 2050.
Sau cuộc đàm phán kéo dài suốt đêm, các nhà đàm phán thuộc 27 nước thành viên EU và Nghị viện châu Âu đã đồng ý thông qua đạo luật từ năm 2030 sẽ yêu cầu các nhà nhập khẩu dầu thô, khí đốt và than đá vào châu Âu phải chứng minh những nhiên liệu đó đáp ứng giới hạn cường độ khí metan. Đạo luật sẽ được đưa lên Nghị viện châu Âu và các nước EU để phê duyệt lần cuối.
Thỏa thuận bắt buộc các nhà sản xuất dầu khí ở châu Âu phải có nghĩa vụ giám sát, báo cáo và xác minh việc phát thải khí metan, đồng thời, hạn chế hầu hết các trường hợp thải khí metan không mong muốn vào khí quyển.
Các quy định nhập khẩu có thể sẽ ảnh hưởng đến các nhà cung cấp khí đốt lớn bao gồm Mỹ, Algeria và Nga. Mátxcơva đã cắt giảm nguồn cung khí đốt cho châu Âu vào năm ngoái và Na Uy đã thay thế vị trí của Nga trở thành nhà cung cấp khí đốt qua đường ống lớn nhất châu Âu. Đây là quốc gia khai thác nhiên liệu hóa thạch với cường độ phát thải khí metan thấp nhất thế giới.
Khí metan là nguyên nhân lớn thứ hai gây ra biến đổi khí hậu sau carbon dioxide và trong ngắn hạn có tác động làm trái đất nóng lên nhanh hơn. Việc cắt giảm nhanh chóng lượng khí thải metan trong thập kỷ này mang yếu tố quyết định nếu thế giới muốn tránh biến đổi khí hậu nghiêm trọng.
Mỹ và EU cho biết: "Việc giảm nhanh phát thải khí metan là sự bổ sung cho hành động đối với CO2 và các loại khí nhà kính khác, và được coi là chiến lược hiệu quả nhất để giảm sự nóng lên toàn cầu trong thời gian tới và đạt được mục tiêu hạn chế sự nóng lên 1,5 độ C".