Hàn Quốc đặt mục tiêu mở rộng quy mô công nghiệp phim ảnh tới 30 tỷ USD
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Yu In-chon đã công bố kế hoạch mới như một phần trong nỗ lực nâng cao khả năng cạnh tranh toàn cầu của ngành công nghiệp phim ảnh, nhằm biến Hàn Quốc thành một cường quốc về lĩnh vực này từ năm 2027.
Theo hãng thông tấn Yonhap, kế hoạch đầy tham vọng nói trên nhắm tới mở rộng quy mô ngành công nghiệp phim ảnh của Hàn Quốc lên 40 nghìn tỷ won (tương đương 30,24 tỷ USD) vào năm 2027. Cùng kỳ, xuất khẩu của ngành sẽ tăng lên 1,8 tỷ USD. Đây sẽ là mức tăng trưởng trung bình hằng năm tương ứng 6,1% và 11,9% so với số liệu năm 2021.
Hàn Quốc cũng có kế hoạch tạo ra một quỹ trị giá 1 nghìn tỷ won vào năm 2028 để giúp ngành công nghiệp này sản xuất những nội dung độc quyền có khả năng cạnh tranh toàn cầu, như loạt phim ăn khách "Squid Game" phát qua Netflix.
Quỹ này sẽ bổ sung cho quỹ đầu tư mạo hiểm hiện có của Hàn Quốc dành cho những người sáng tạo nội dung vừa và nhỏ, vốn tồn tại một số hạn chế trong việc tài trợ cho các bộ phim cần kinh phí lớn.
Seoul cũng sẽ xem xét cung cấp các khoản khấu trừ thuế thu nhập cho phí thuê bao đối với các dịch vụ phát trực tuyến, nhằm khuyến khích sử dụng rộng rãi các dịch vụ trong nước.
Trong lĩnh vực âm nhạc, Hàn Quốc cũng đặt mục tiêu tạo ra ít nhất năm bản hit âm nhạc toàn cầu được công nhận bởi các giải thưởng công nghiệp quốc tế lớn, như Emmy và Oscar, trong vòng 5 năm tới.
Bước đi mới của Hàn Quốc được đưa ra trong bối cảnh sự phát triển nhanh chóng của các dịch vụ phát trực tuyến (streaming) toàn cầu do Netflix dẫn đầu trong những năm gần đây.
Tuy sự tăng trưởng này trong những năm gần đây đã góp phần đưa các nội dung do Hàn Quốc sản xuất, như "Squid Game", trở thành tâm điểm chú ý quốc tế, nhưng giới chuyên môn cũng cảnh báo về một số hậu quả khôn lường có thể phát sinh từ xu thế mới.
Trong đó, một rủi ro nằm ở tính độc quyền của các dịch vụ phát nội dung toàn cầu đối với nội dung chương trình mà họ đầu tư, cũng như những căng thẳng tài chính giữa họ đối với các nền tảng phát trực tuyến trong nước và các đài truyền hình, ngành công nghiệp điện ảnh địa phương... của Hàn Quốc.
Để giải quyết vấn đề này, Seoul có kế hoạch đưa ra các biện pháp khuyến khích các nhà sản xuất nội dung trong nước giữ lại và khai thác quyền sở hữu trí tuệ để thu lợi nhuận trong dài hạn, thay vì đưa ra lựa chọn an toàn là chuyển giao toàn bộ quyền này cho các dịch vụ phát trực tuyến toàn cầu để đổi lấy chi phí sản xuất.
Hàn Quốc sẽ thành lập một quỹ đặc biệt chỉ hỗ trợ những dự án sản xuất phim ảnh mà trong đó công ty sản xuất giữ lại quyền sở hữu trí tuệ đối với nội dung tạo ra.
Ngoài ra, để tăng cường bảo vệ bản quyền, chính phủ Hàn Quốc sẽ hợp tác với các cơ quan điều tra nước ngoài trong việc ngăn chặn các nhà phân phối trực tuyến có hành vi phát tán bất hợp pháp nội dung do Hàn Quốc sản xuất, kết hợp áp dụng những hình phạt nghiêm khắc hơn đối với người vi phạm.