Nông nghiệp - Nông thôn

Ba Vì tập trung nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững

Ánh Dương 15/11/2023 - 06:31

Xác định thủy sản là một trong những ngành mũi nhọn trong lĩnh vực nông nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, huyện Ba Vì đã và đang từng bước khai thác hiệu quả tiềm năng mặt nước để tập trung chăn nuôi thủy sản theo hướng an toàn, bền vững. Đây cũng là cách làm để phát huy thế mạnh sẵn có của địa phương.

ba-vi.jpg
Mô hình nuôi thủy sản tại xã Vạn Thắng (huyện Ba Vì) giúp nâng cao thu nhập cho người dân.

Theo thống kê của Phòng Kinh tế huyện Ba Vì, toàn huyện có 2.600ha diện tích mặt nước phục vụ nuôi trồng thủy sản, tập trung tại các xã: Cổ Đô, Vạn Thắng, Phú Đông, Cẩm Lĩnh, Đồng Thái, Phú Châu… Ngoài ra, nhiều hộ dân đã tận dụng 10.000m3 mặt nước trên sông Hồng, sông Đà để nuôi cá lồng bè.

Nhờ tích cực đổi mới, đa dạng hình thức và đối tượng nuôi, nên các hộ chăn nuôi thủy sản trên địa bàn huyện đã gia tăng sản lượng, nâng hiệu quả sản xuất trên đơn vị diện tích. Nhiều hộ đã nuôi trồng thủy sản theo mô hình khép kín, đầu tư công nghệ cao, không sử dụng kháng sinh… tạo ra sản phẩm chất lượng, giá trị kinh tế cao hơn so với nuôi theo phương pháp truyền thống.

Ông Đỗ Văn Sim, ở thôn Mai Trai (xã Vạn Thắng) đang nuôi các loại cá trắm, chép, trôi, lăng… trên diện tích 30ha, thuộc các khu đồng: Gò Bụt, Gò Vạc, Gò Ngà, Gò Mây.

"Gia đình tôi nuôi cá theo tiêu chuẩn VietGAP và đang hoàn thiện các thủ tục để được cơ quan chức năng cấp chứng nhận. Doanh thu từ trang trại nuôi cá đạt hơn 6 tỷ đồng/năm", ông Sim nói. Theo Phó Chủ tịch UBND xã Vạn Thắng Hoàng Văn Thành, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản tập trung của xã là hơn 90ha, nằm trong vùng quy hoạch 300ha. Số diện tích còn lại là 1 vụ lúa, 1 vụ cá. Doanh thu từ nuôi trồng thủy sản đã và đang góp phần tăng nguồn thu cho xã, giúp nâng cao thu nhập bình quân chung toàn xã lên 74 triệu đồng/người/năm.

Cũng quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản rộng 120ha của cả 5 thôn, xã Cổ Đô hiện có 145 hộ nuôi thả cá ở vùng đồng và hơn chục hộ làm mô hình lồng bè trên sông Hồng. Cán bộ thú y xã Cổ Đô Nguyễn Thị Thanh Thủy thông tin, đa số các hộ đầu tư khoa học, kỹ thuật, chăn nuôi cá theo hướng vi sinh, an toàn, VietGAP. Điển hình như gia đình bà Nguyễn Thị Tuyết ở thôn Vu Chu, nuôi thả cá trên diện tích 7.000m2, đang thí điểm thực hiện mô hình chăn nuôi tiêu chuẩn VietGAP, với sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông Hà Nội. Tương tự, gia đình ông Nguyễn Viết Liêm, cũng ở thôn Vu Chu có trang trại chăn nuôi cá, trồng cây ăn quả trên diện tích 1ha; từ đầu tháng 7-2023 được Trung tâm Khuyến nông Hà Nội hỗ trợ giống và 9 tấn thức ăn vi sinh để nuôi cá trong 3 tháng, gia đình đối ứng 50%; dự kiến đến tháng 2-2024, sẽ xuất bán cá thương phẩm. “Doanh thu từ trang trại của gia đình đạt bình quân hơn 400 triệu đồng/năm. Việc chăn nuôi theo hướng vi sinh, VietGAP, giúp cá thương phẩm chất lượng hơn, năng suất cao hơn. Chúng tôi mong được chính quyền và cơ quan chức năng huyện, thành phố hỗ trợ thêm về kỹ thuật chăm sóc, giúp kết nối tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm, để các hộ yên tâm đầu tư phát triển chăn nuôi thủy sản”, ông Liêm chia sẻ thêm.

Với lợi thế nằm ven sông Hồng, xã Phú Châu hiện có 12 hộ đầu tư chăn nuôi cá lồng bè trên sông, với tổng diện tích 7ha và gần chục hộ nuôi thả cá trong vùng đồng, diện tích 6ha. Còn xã Đồng Thái có 30 hộ đầu tư nuôi trồng thủy sản trên tổng diện tích 60ha, trong đó 6 hộ có diện tích nuôi trồng từ 1ha trở lên, đã được cơ quan chức năng cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, cho doanh thu hàng trăm triệu đồng/hộ/năm.

Trao đổi về việc chăn nuôi thủy sản trong thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Quang Trung cho biết, huyện khuyến khích các địa phương phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng hàng hóa, mô hình khép kín. Đồng thời, động viên, khuyến khích và hỗ trợ các hộ chăn nuôi tích cực đầu tư khoa học, công nghệ, thực hiện chăn nuôi an toàn, theo tiêu chuẩn VietGAP, không sử dụng kháng sinh, giúp bảo đảm chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh và đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Đây cũng là xu thế tất yếu, giúp ngành nuôi trồng thủy sản của huyện phát triển bền vững.