Nông nghiệp

Hà Nội phát triển nông nghiệp: Chuyển tư duy để gia tăng giá trị

Ngọc Quỳnh 15/11/2023 - 06:30

Đoàn công tác của Vụ Thống kê nông, lâm nghiệp và thủy sản (Tổng cục Thống kê) và Cục Thống kê thành phố Hà Nội vừa tiến hành khảo sát một số cơ sở sản xuất nông nghiệp trên địa bàn Thủ đô. Qua khảo sát cho thấy, để tiếp tục trở thành trụ đỡ cho phát triển kinh tế, làm giàu cho nông dân, nông nghiệp Hà Nội cần chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, gia tăng giá trị, bảo vệ môi trường sinh thái...

trung-ga.jpg
Đoàn công tác tham quan mô hình sản xuất trứng gia cầm công nghệ cao của Công ty cổ phần Ba Huân Hà Nội (huyện Phúc Thọ). Ảnh: Thu Phượng

Tăng trưởng ổn định

Tại Nhà máy Xử lý, chế biến trứng gia cầm công nghệ cao của Công ty cổ phần Ba Huân Hà Nội ở huyện Phúc Thọ, tất cả các khâu trong quá trình xử lý, chế biến trứng gà được vận hành trên dây chuyền công nghệ hiện đại. Với hệ thống dây chuyền tự động, trứng gia cầm được xử lý qua 8 công đoạn; quan trọng nhất là công đoạn chiếu tia UV diệt khuẩn từ bên trong trứng và công đoạn làm se khít các lỗ thông khí, giúp ngăn ngừa sự xâm nhập của vi khuẩn vào bên trong. Trứng gia cầm của Ba Huân sau khi diệt khuẩn đạt 99,9%, theo đúng tiêu chuẩn quốc tế.

Khảo sát tại Hợp tác xã Nông nghiệp Tiền Lệ, xã Tiền Yên (huyện Hoài Đức) cho thấy, đây là đơn vị tiêu biểu trong liên kết các thành viên tổ chức sản xuất rau an toàn và là đầu mối ký kết với doanh nghiệp thu mua sản phẩm cho thành viên hợp tác xã. Theo Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Tiền Lệ Nguyễn Văn Hòa, hiện đơn vị có hơn 500 hộ tham gia trồng rau VietGAP trên tổng diện tích 33,5ha. Mỗi ngày, hợp tác xã cung ứng cho thị trường từ 12 đến 14 tấn rau các loại và có từ 5 đến 10 doanh nghiệp trực tiếp ký hợp đồng bao tiêu với sản lượng đạt gần 50% tổng sản lượng rau an toàn. “Trong quá trình liên kết với các doanh nghiệp, hợp tác xã đã chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất, diện tích canh tác, giám sát từ khi gieo trồng, chăm sóc đến thu hoạch. Việc liên kết với doanh nghiệp trong khâu tiêu thụ đã tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm nông nghiệp của hợp tác xã, giúp thu nhập của các xã viên được tăng lên”, ông Nguyễn Văn Hòa cho hay.

Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết, Hà Nội là một trong những địa phương có diện tích đất nông nghiệp lớn, với hơn 197.000ha; trong đó, đất sản xuất nông nghiệp gần 160.000ha. Thời gian qua, Sở NN&PTNT Hà Nội đã phối hợp với các địa phương tăng cường ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, thực hiện mã số vùng trồng, bảo đảm truy xuất nguồn gốc, chất lượng và an toàn thực phẩm. Cùng với đó, Hà Nội thực hiện tích tụ, tập trung đất đai để phát triển quy mô lớn, công nghệ cao, tạo điều kiện để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp; tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và hộ dân để tổ chức sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ và các mô hình kết hợp nông nghiệp du lịch… Nhờ đó, giá trị sản xuất nông nghiệp của Hà Nội đạt mức tăng trưởng cao và chủ động được một phần nông sản thực phẩm sạch, an toàn cung cấp cho người tiêu dùng Thủ đô.

Chú trọng liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm

Hiện tại, sản xuất nông nghiệp của Hà Nội phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp còn chậm, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của Thủ đô. Sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa hình thành được các vùng sản xuất tập trung thực sự mang tính chất sản xuất hàng hóa mũi nhọn. Việc thu hút đầu tư vào nông nghiệp còn thấp, các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm mới phát triển; đời sống và thu nhập của một bộ phận nông dân nhiều nơi còn khó khăn…

Để giữ vững nhịp độ tăng trưởng, ngành Nông nghiệp Hà Nội đang triển khai nhiều giải pháp, chú trọng tổ chức sản xuất, liên kết tiêu thụ sản phẩm. Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại, Hà Nội đang phát triển các vùng nông nghiệp chuyên canh gắn với việc xây dựng thương hiệu, phát triển du lịch, nhằm nâng giá trị sản xuất. Hà Nội cũng lựa chọn đầu tư bài bản các mô hình nông nghiệp theo hướng chuyên sâu, phù hợp với khả năng tích tụ đất đai của địa phương. Ngoài ra, Hà Nội còn hình thành những vùng cây giống chất lượng cao (cây ăn quả, hoa cây cảnh, cây đô thị...), đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị xanh của Thủ đô và các tỉnh, thành phố lân cận. Các vùng sản xuất nông nghiệp được đầu tư về công nghệ và tài chính sẽ trở thành những trung tâm nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái phát triển vững chắc.

Qua khảo sát thực tế một số mô hình sản xuất, chế biến nông sản tại huyện Phúc Thọ và huyện Hoài Đức, Vụ trưởng Vụ Thống kê nông lâm nghiệp và thủy sản Đỗ Thị Thu Hà cho rằng, những mô hình này cho giá trị kinh tế rất cao. Hà Nội cần đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng gia tăng giá trị; cần nhân rộng các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, mô hình kết hợp du lịch, trải nghiệm, tiếp tục phát triển các cơ sở sản xuất giống cây trồng, vật nuôi chất lượng cao cung cấp cho các tỉnh, thành phố bạn; đẩy mạnh các mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm… bảo đảm nguồn cung sản phẩm nông, lâm, thủy sản cho Thủ đô.