Thủ tướng Phạm Minh Chính: Người đứng đầu phải trực tiếp chỉ đạo công tác cải cách hành chính
Chiều 14-11, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ chủ trì Phiên họp thứ 6 của Ban Chỉ đạo. Phiên họp được tổ chức theo hình thức trực tuyến giữa trụ sở Chính phủ với UBND 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Dự phiên họp còn có: Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang; các Phó Trưởng ban và thành viên Ban Chỉ đạo; lãnh đạo các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương; lãnh đạo các tổ chức chính trị xã hội, doanh nghiệp; lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Cắt giảm, đơn giản hóa hàng nghìn quy định, thủ tục
Tại Phiên họp, các đại biểu đã thảo luận, phân tích những khó khăn, rào cản và đề xuất các phương hướng, giải pháp cụ thể, thiết thực để đạt được mục tiêu cải cách hành chính năm 2023. Trong đó, các đại biểu nêu rõ những vấn đề cần phối hợp giữa các bộ, ngành và địa phương trong quá trình triển khai thực hiện các nhiệm vụ nhằm đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện tốt nhất, thông thoáng nhất cho người dân, doanh nghiệp.
Các đại biểu thừa nhận: Thủ tục hành chính vẫn còn rườm rà. Môi trường kinh doanh chưa thực sự thông thoáng. Người dân, doanh nghiệp vẫn còn gặp những vướng mắc khi giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính ở một số lĩnh vực. Kỷ luật, kỷ cương hành chính nhiều nơi còn chưa nghiêm. Tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm chưa được giải quyết triệt để…
Lãnh đạo một số bộ, ngành đề xuất một số nhiệm vụ, giải pháp thực hiện cải cách hành chính trong một số lĩnh vực trọng yếu như: Xây dựng và phát triển chính phủ điện tử, chính phủ số; việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến; cải cách hành chính trong giải ngân vốn đầu tư công, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi nhanh và phát triển bền vững; sáng kiến trong nâng cao chất lượng, hiệu quả cải cách hành chính phục vụ người dân, doanh nghiệp...
Kết luận Phiên họp, Thủ tướng Chính phủ khẳng định, công tác chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính đã tập trung vào những vấn đề trọng tâm, nhất là những vấn đề có nhiều vướng mắc. Nhờ đó, công tác cải cách hành chính có nhiều chuyển biến tích cực.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nghị quyết, chỉ thị, công điện đôn đốc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, trái phiếu doanh nghiệp, đất đai, cấp mỏ khoáng sản, cải cách tổ chức bộ máy hành chính, cải cách thủ tục hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương; thành lập 5 Tổ công tác, 26 đoàn công tác của Chính phủ đi kiểm tra, đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công. Vai trò người đứng đầu được phát huy; 63/63 địa phương đã kiện toàn Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính.
Công tác cải cách thể chế, xây dựng pháp luật được đặc biệt quan tâm, có nhiều đổi mới. Nhiều vướng mắc về sản xuất, kinh doanh, tài khóa, tiền tệ, đất đai, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp… được tháo gỡ. Từ đầu năm đến nay, Chính phủ trình Quốc hội nhiều đạo luật; đã tổ chức 8 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật, ban hành 79 Nghị định; Thủ tướng Chính phủ ban hành 27 Quyết định…
Cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh được đẩy mạnh. Từ năm 2021 đến nay, đã cắt giảm, đơn giản hóa gần 2.500 quy định kinh doanh. Các bộ đã cắt giảm, đơn giản hóa 437 thủ tục hành chính liên quan đến giấy tờ công dân; 21/22 bộ và 61/63 địa phương đã công bố danh mục thủ tục hành chính nội bộ...
Cải cách tổ chức bộ máy được triển khai quyết liệt, có nhiều chuyển biến tích cực. Theo đó, đa số các bộ đã hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ của các tổ chức bên trong; 63/63 địa phương cơ bản hoàn thành rà soát, sắp xếp tổ chức bên trong các sở, ngành; bộ máy tổ chức đã được tinh gọn đáng kể. Quy định về thành lập, tổ chức và hoạt động của tổ chức phối hợp liên ngành được sửa đổi, bổ sung phù hợp với thực tiễn.
Cùng với đó, một số thể chế, chính sách quan trọng về công vụ, công chức được ban hành như Nghị định 73/2023 về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài; đã bãi bỏ 10 Thông tư về tuyển dụng, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức…
Chuyển đổi số quốc gia, xây dựng Chính phủ số được triển khai quyết liệt, thực chất, nhất là việc ban hành văn bản triển khai thi hành Luật Giao dịch điện tử; tăng cường chất lượng dịch vụ công, với tỷ lệ hồ sơ trực tuyến của các bộ, ngành đạt khoảng 80,7% (tăng 1,5 lần so với năm 2022), của địa phương khoảng 63,5% (tăng 1,8 lần so với năm 2022) trên tổng số hồ sơ tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính.
Triển khai Đề án 06 đạt hiệu quả, trong đó, đã tích hợp, cung cấp 35/53 dịch vụ công thiết yếu. 63/63 địa phương đã hoàn thành kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính; cấp trên 84,7 triệu căn cước công dân gắn chíp; kích hoạt trên 45 triệu tài khoản VneID; chuẩn hóa, xử lý hơn 17 triệu SIM thuê bao; xác thực hơn 91,2 triệu thông tin nhân khẩu trong cơ sở dữ liệu bảo hiểm xã hội; làm sạch 42 triệu dữ liệu tài khoản ngân hàng...
Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng và kết quả đạt được của các bộ, ngành, địa phương; sự chỉ đạo quyết liệt của thành viên Ban Chỉ đạo; có nhiều đóng góp tích cực, quan trọng vào thành công chung của cả nước.
Không được đùn đẩy, né tránh trách nhiệm
Thủ tướng Chính phủ thẳng thắn chỉ rõ một số hạn chế; cho rằng, còn những hạn chế một phần nguyên nhân khách quan, song nguyên nhân chủ quan là chính. Trong đó, ý thức, trách nhiệm, nhất là của người đứng đầu có lúc, có nơi chưa cao, còn tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”. Công tác chỉ đạo, điều hành tại một số bộ, ngành, địa phương còn chưa quyết liệt. Cơ chế, chính sách còn mâu thuẫn, chồng chéo. Chất lượng đội ngũ công chức, viên chức một số nơi chưa đáp ứng yêu cầu. Kỷ luật, kỷ cương chưa cao; tâm lý sợ, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm. Công tác phối hợp của các cơ quan, đơn vị chưa kịp thời, chặt chẽ, hiệu quả…
“Ngay tại Phiên họp thứ 6 này, có tới 22 đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố vắng mặt; đề nghị các đồng chí thực sự nghiêm túc rút kinh nghiệm, nâng cao ý thức trách nhiệm trong công tác cải cách hành chính, vì người dân, doanh nghiệp. Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố nào chưa trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng thể chế, cải cách hành chính thì phải phân công ngay”, Thủ tướng nhắc nhở.
Phân tích bài học kinh nghiệm, Thủ tướng nhấn mạnh, phải nâng cao tinh thần trách nhiệm; tính chủ động, tích cực của cán bộ phải được phát huy; linh hoạt, tích cực, chủ động trong việc triển khai các nhiệm vụ cải cách hành chính; bám sát tình hình thực tiễn, phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đi đôi với phân bổ nguồn lực gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực, đề cao trách nhiệm người đứng đầu; thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính; khuyến khích cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; sử dụng có hiệu quả các công cụ theo dõi, đánh giá trong hoạt động chỉ đạo, điều hành; tiếp tục thực hiện tốt công tác truyền thông chính sách đồng thuận đối với người dân, doanh nghiệp…
Về nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, các thành viên của Ban Chỉ đạo phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, hoàn thành các nhiệm vụ cải cách hành chính năm 2023, tập trung vào 6 nội dung chính gồm: Cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính, cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, cải cách chế độ công vụ, cải cách tài chính công và xây dựng, phát triển chính phủ điện tử, chính phủ số.
“Các đồng chí phải tăng cường cho cơ sở, hướng tới cơ sở, vì chúng ta xác định người dân, doanh nghiệp là trung tâm, chủ thể, nguồn lực, động lực của sự phát triển, mà người dân, doanh nghiệp thì ở cơ sở; nhưng tuyệt đối không đùn đẩy, né tránh trách nhiệm; phải đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp, không gây lãng phí nguồn lực”, Thủ tướng lưu ý.
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục rà soát, đổi mới phương thức, cách làm và phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu để tổ chức thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ cải cách hành chính được giao. Lãnh đạo bộ, ngành, địa phương tăng cường đối thoại để trực tiếp nắm bắt thực tiễn và chỉ đạo xử lý tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp.
Các bộ, ngành khẩn trương hoàn thiện, trình cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh, nghị quyết đã có hiệu lực pháp luật. Trong đó, khẩn trương triển khai hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính trong cấp phiếu lý lịch tư pháp; đẩy mạnh các giải pháp cải cách và nâng cao hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công phục vụ người dân, doanh nghiệp; rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định kinh doanh, xử lý các vướng mắc, bất cập về thủ tục hành chính để báo cáo Quốc hội.
Thủ tướng chỉ đạo phải tiếp tục rà soát, sắp xếp, kiện toàn chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của các cơ quan, đơn vị trực thuộc đáp ứng các tiêu chí thành lập tổ chức do Chính phủ quy định; thực hiện có hiệu quả Nghị định số 29/2023/NĐ-CP về tinh giản biên chế; cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức theo vị trí việc làm…
Các bộ, ngành tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong cơ quan hành chính nhà nước, triển khai kịp thời, đầy đủ các chỉ đạo của Thủ tướng tại Công điện số 968/CĐ-TTg ngày 16-10-2023; khẩn trương ban hành hướng dẫn vị trí việc làm của công chức, viên chức; tập trung rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật để triển khai có hiệu quả Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi); khẩn trương rà soát, hoàn thiện việc sửa đổi, bổ sung các quy định để phục vụ triển khai có hiệu quả Đề án 06, xây dựng cơ sở dữ liệu của mình; tiếp tục ban hành, triển khai có hiệu quả các chính sách giảm phí, lệ phí, nhất là giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính để khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến.
Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo giao các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể cho các bộ, ngành; đồng thời, yêu cầu các thành viên Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện ngay các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, để góp phần thúc đẩy thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội năm 2023 và những năm tiếp theo.