Bạn đọc

Hoài Đức: Thực hư việc trường THCS An Khánh ép học sinh tham gia hoạt động trải nghiệm

Thiện Mỹ 14/11/2023 - 16:28

Những ngày qua, Trường THCS An Khánh (huyện Hoài Đức) ồn ã bởi một số phụ huynh cho rằng, nhà trường tổ chức cho học sinh đi trải nghiệm với chi phí cao và mang tính ép buộc. Vậy thực hư vấn đề này thế nào?

Phóng viên Báo Hànộimới đã trao đổi với một số phụ huynh có con học khối 8, Trường THCS An Khánh. Họ cho rằng, khi giáo viên chủ nhiệm thông báo chương trình trải nghiệm, ban đầu rất ít học sinh tham gia. Sau khi giáo viên chủ nhiệm nói, nếu học sinh không tham gia sẽ bị hạ hạnh kiểm, còn giáo viên sẽ bị đổi lớp chủ nhiệm... hầu hết học sinh khối 8, 9 đã xin bố mẹ cho tham gia vì sợ...

Nội dung chương trình tham quan được đưa cho từng học sinh bằng văn bản, trong đó có đầy đủ thông tin về hoạt động, mức đóng góp cụ thể từng hoạt động, với tổng chi phí 330.000 đồng/học sinh (chưa gồm tiền ăn trưa).

“Điều bất hợp lý nhất khiến các con không hào hứng tham gia, đó là điểm đến trải nghiệm nhiều con đã từng đi từ những năm học trước khi ở cấp tiểu học... Chuyến đi không có hoạt động đặc biệt, lặp đi lặp lại, khiến nhiều con thấy khiên cưỡng...” - một phụ huynh đề nghị giấu tên cho biết.

Trong khi đó, trên một số nhóm Zalo của phụ huynh trường THCS An Khánh cũng có nhiều luồng ý kiến khác nhau. Nhiều người phản đối dù không dám thể hiện công khai trước nhà trường...

truong-thcs-an-khanh.jpg
Trường THCS An Khánh (huyện Hoài Đức).

Trước những thông tin trên, Hiệu trưởng Trường THCS An Khánh Nguyễn Thị Huyền cho biết: Chuyến đi trải nghiệm là hoạt động nằm trong kế hoạch năm học 2023-2024 đã được triển khai từ đầu năm học và đã được thông qua tại cuộc họp phụ huynh, gồm trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh của 48 lớp, ngày 10-9-2023.

Địa điểm tham quan là Hoàng thành Thăng Long (quận Ba Đình) và Khu trải nghiệm Cánh buồm xanh (huyện Gia Lâm), do Công ty cổ phần du lịch Hà Nội Viettourist KGC phối hợp thực hiện. Thời gian tổ chức trong ngày 12-11, thành phần gồm: Ban giám hiệu, giáo viên chủ nhiệm, Ban đại diện cha mẹ học sinh, nhân viên y tế, phụ huynh các lớp và học sinh... Chương trình nhằm định hướng cho các con những kiến thức về lịch sử, trang bị thêm kỹ năng sống thông qua một số trò chơi tập thể... Vì là hoạt động giáo dục nên sau chuyến đi, các con sẽ viết bài thu hoạch.

“Việc tham gia của học sinh là hoàn toàn tự nguyện, nhà trường không ép buộc. Điều đó đồng nghĩa với việc, học sinh không tham gia sẽ không bị hạ hạnh kiểm và giáo viên chủ nhiệm cũng không bị hạ thi đua. Giá vé xe, vé vào cổng khu trải nghiệm và mọi chi phí đều được công khai gửi đến từng học sinh... Với mong muốn học sinh tham gia ở mức tối đa, 51 học sinh có hoàn cảnh khó khăn đã được công ty du lịch và hiệu trưởng hỗ trợ toàn bộ chi phí” - bà Nguyễn Thị Huyền khẳng định.

Về vấn đề trên, Trưởng phòng Giáo dục đào tạo huyện Hoài Đức Vương Văn Lâm cho rằng, chương trình trải nghiệm là một hoạt động giáo dục trong nhà trường và đã nằm trong kế hoạch năm học thì bắt buộc phải thực hiện. Tuy nhiên, hoạt động trải nghiệm phải có sự đồng thuận của phụ huynh và học sinh, tuyệt đối không ép buộc học sinh tham gia. Hiệu trưởng Trường THCS An Khánh đã báo cáo sự việc với Phòng; khẳng định, không có chuyện nhà trường ép học sinh tham gia và đây là hoạt động cần thiết, mang tính giáo dục.

Tính đến ngày 12-11, số học sinh tham gia cơ bản đầy đủ như con số đăng ký tính đến ngày 9-11 là 1.997/2.158 em.

Có lẽ, đây không phải là câu chuyện riêng của Trường THCS An Khánh bởi vấn đề này cũng đã được đề cập ở một số trường học khác.

Cần nhìn nhận khách quan rằng, hoạt động trải nghiệm là điều cần thiết, song cách thức tổ chức, tuyên truyền để phụ huynh và học sinh hiểu đây là hoạt động giáo dục chứ không phải lồng ghép mục tiêu “thương mại” là điều cần thiết. Thêm nữa, chương trình, địa điểm dành cho hoạt động tham quan cũng cần đa dạng, phong phú, phù hợp với lứa tuổi và mang tính thực chất, tránh nhàm chán.

Chỉ khi đó, chương trình trải nghiệm của các nhà trường mới không gặp phải nhiều ý kiến trái chiều, thậm chí bức xúc.