Nông nghiệp

Phát huy giá trị công trình thủy lợi: Gỡ vướng về cơ chế, chính sách

Kim Nhuệ 14/11/2023 - 06:29

Vướng mắc về cơ chế, chính sách đã khiến nhiều doanh nghiệp thủy lợi chật vật giải bài toán quản lý, khai thác, phát huy giá trị công trình thủy lợi, nâng cao thu nhập cho người lao động...

Từ thực tiễn này, Bộ NN&PTNT đang tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan tháo gỡ nút thắt, từng bước phát huy giá trị công trình thủy lợi.

tram-bom.jpg
Bảo dưỡng thiết bị tại Trạm bơm Phù Lưu Tế (huyện Mỹ Đức).

Nhiều vướng mắc

Có hơn 10 năm làm việc tại Xí nghiệp Thủy lợi Phúc Thọ (Công ty TNHH một thành viên Thủy lợi sông Tích), chị Vũ Thị Vinh thường xuyên phải “giật gấu, vá vai” để chăm lo cho gia đình. “Làm việc tại doanh nghiệp nhà nước xếp hạng A của thành phố Hà Nội nhưng tổng lương của vợ chồng tôi hiện chưa tới 10 triệu đồng, không đủ trang trải cuộc sống”, chị Vinh chia sẻ.

Không riêng vợ chồng chị Vinh, hơn 3.300 công nhân thuộc 4 doanh nghiệp thủy lợi thành phố Hà Nội đang chật vật kiếm sống, khi tổng thu nhập trung bình hằng tháng chỉ ở mức 5-5,2 triệu đồng/người.

Theo Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Thủy lợi sông Tích Nguyễn Chí Hải, nguyên nhân do nguồn thu chủ yếu của đơn vị là kinh phí đặt hàng cung ứng sản phẩm, dịch vụ thủy lợi. Tuy nhiên, căn cứ pháp lý quan trọng để xây dựng và phê duyệt kinh phí đặt hàng là Nghị định số 96/2018/NĐ-CP ngày 30-6-2018 của Chính phủ quy định chi tiết về giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi và hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi đang tồn tại nhiều bất cập như chưa tính đúng, tính đủ các loại chi phí vào phương án giá...

“Mặc dù đã được UBND thành phố Hà Nội quan tâm hỗ trợ đối với người lao động có lương thấp hơn mức lương tối thiểu vùng nhưng thu nhập của công nhân Công ty vẫn thấp so với mặt bằng chung”, ông Nguyễn Chí Hải thông tin thêm.

Để nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, phát huy giá trị công trình thủy lợi, các doanh nghiệp thủy lợi thành phố Hà Nội và nhiều địa phương khác đề nghị Bộ NN&PTNT báo cáo, đề xuất Chính phủ sớm ban hành nghị định mới thay thế Nghị định số 96/2018/ NĐ-CP. Trong đó, điều chỉnh nội dung xây dựng giá sản phẩm dịch vụ công ích thủy lợi theo thành phần công việc thay cho theo đơn vị sản phẩm như đang quy định; điều chỉnh quy định về chi phí khấu hao tài sản cố định trong giá sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi...

Sẽ chuyển từ phục vụ sang dịch vụ

Tại hội nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy khai thác đa mục tiêu, phát huy tối đa tiềm năng, giá trị công trình thủy lợi do Bộ NN&PTNT tổ chức ngày 2-11 vừa qua, PGS.TS Đoàn Thế Lợi - chuyên gia kinh tế thủy lợi cho rằng, mặc dù công trình thủy lợi tham gia phục vụ đa ngành nghề, nhưng đến nay chưa có văn bản hướng dẫn về cơ chế tài chính tự chủ, tạo động lực cho việc sử dụng nguồn tiền thu được từ cung cấp sản phẩm, dịch vụ thủy lợi khác khiến các tổ chức, cá nhân e dè trong quá trình thực hiện.

"Cần phát huy vai trò tự chủ của doanh nghiệp bằng cách chuyển sang cơ chế đặt hàng. Khi đặt hàng thì quyền quyết định là của doanh nghiệp, chứ không phải như hiện nay là chỉ lo trả lương cho số lượng cán bộ, nhân viên", PGS.TS Đoàn Thế Lợi nhấn mạnh.

Liên quan ý kiến trên, Phó Cục trưởng Cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Hồng Khanh cho biết, Bộ Tài chính cũng đã khuyến nghị Bộ NN&PTNT triển khai đặt hàng doanh nghiệp thủy lợi. Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế cho thấy, cần tháo gỡ vướng mắc trong quy định về giá, phí thủy lợi trước khi thực hiện đặt hàng doanh nghiệp.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp, Luật Thủy lợi cùng Luật Giá khi ban hành với kỳ vọng đẩy mạnh hoạt động tự chủ, xã hội hóa tại các công ty khai thác công trình thủy lợi. Tuy nhiên, do quy định pháp luật chưa đáp ứng yêu cầu dẫn đến còn nhiều vướng mắc trong thực thi. Đơn cử như để thu được dịch vụ khác như du lịch, điện mặt trời, cấp nước sinh hoạt, hay thoát nước thải… thì cần tính đúng, tính đủ giá dịch vụ.

“Khi Nghị định số 96/2018/NĐ-CP được sửa đổi, UBND cấp tỉnh có quyền tự ra quyết định thì các công ty có thể thu phí từ các loại hình dịch vụ thủy lợi khác; qua đó, thúc đẩy khai thác đa mục tiêu, phát huy tối đa tiềm năng, giá trị công trình thủy lợi. Thủy lợi sẽ chuyển từ phục vụ sang dịch vụ. Khi đó, các doanh nghiệp thủy lợi sẽ giải được bài toán nâng cao đời sống cho người lao động”, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nói.

Theo đại diện Bộ Tài chính, đơn vị đang chủ trì, phối hợp với Bộ NN&PTNT và các đơn vị liên quan rà soát, hoàn thiện dự thảo nghị định thay thế Nghị định số 96/2018/NĐ-CP để đồng bộ với hệ thống pháp luật về giá mới và thực tiễn ngành thủy lợi. Theo dự thảo nghị định, Bộ Tài chính chỉ định giá tối đa sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi và khung giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi đối với sản phẩm, dịch vụ thủy lợi thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ NN&PTNT; không định giá tối đa, khung giá đối với sản phẩm, dịch vụ thủy lợi thuộc thẩm quyền quản lý của địa phương.

Đối với sản phẩm, dịch vụ thủy lợi thuộc thẩm quyền quản lý của địa phương, UBND cấp tỉnh định giá cụ thể. Bên cạnh đó, UBND cấp tỉnh không phải gửi phương án giá cho các bộ: NN&PTNT, Tài chính để ban hành quyết định giá tối đa, khung giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi như quy định hiện hành...

Thiết nghĩ, tổ chức thủy lợi có vai trò quan trọng trong quản lý, khai thác, bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất, dân sinh. Vì vậy, cơ quan chức năng cần tập trung tháo gỡ vướng mắc để từng bước phát huy giá trị công trình thủy lợi; trong khi đó, doanh nghiệp thủy lợi cần đổi mới tư duy, đặc biệt là tinh gọn bộ máy, ứng dụng công nghệ vào công tác quản lý để tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh.