Hài hòa lợi ích
Từ ngày 9-11, giá bán lẻ điện tăng 4,5%. Đây là lần thứ hai trong năm 2023, giá bán lẻ điện được điều chỉnh tăng. Trước đó, hồi tháng 5-2023, giá bán lẻ điện đã tăng khoảng 3%.
Chắc chắn, giá điện tăng sẽ tác động đến đời sống người dân và tình hình kinh tế - xã hội. Điện là đầu vào của nhiều lĩnh vực sản xuất nên chi phí giá điện sẽ tác động trực tiếp đến nhiều loại hàng hóa, dịch vụ, từ đó ảnh hưởng đến “túi tiền” của người dân, vốn cũng đang eo hẹp sau thời gian dài dịch bệnh hoành hành, nay lại chịu tác động của khó khăn về kinh tế.
Doanh nghiệp cũng lo lắng bởi chi phí đầu vào tăng khi sức mua của thị trường vẫn thấp, đơn hàng sụt giảm, lượng hàng tồn kho chưa được giải quyết. Hơn thế, giá điện tăng có thể khiến chỉ số giá tiêu dùng tăng, từ đó ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô. Đây là sự lo lắng chính đáng và dễ hiểu.
Song nhìn từ góc độ doanh nghiệp cung ứng điện cũng có thể thấy một điều dễ hiểu khác. Đó là từ lâu, giá bán lẻ điện chưa phản ánh đúng thực tế chi phí đầu vào, dẫn đến doanh nghiệp kinh doanh thiếu hiệu quả. Ở lần tăng giá hồi tháng 5, cơ quan chức năng đã tính toán chi phí than, khí phát điện tăng hàng chục phần trăm, trong khi giá bán lẻ điện giữ nguyên từ năm 2019. Tập đoàn Điện lực Việt Nam, bên cạnh việc kinh doanh, còn phải thực hiện các nhiệm vụ chính trị, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô, nên đối với nhiều khu vực, giá thành bán điện thấp hơn nhiều giá thành sản xuất (ví dụ giá thành sản xuất điện ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo lên đến 7.000 đồng/kWh, nhưng giá bán khoảng 1.900 đồng/kWh). Chính việc giá điện chưa tính đúng, tính đủ chi phí khiến người tiêu dùng lo ngại sự thiếu rõ ràng, minh bạch mỗi khi có thông báo điều chỉnh giá điện bán lẻ.
Thực tế, với những tác động đến kinh tế, xã hội, việc điều chỉnh giá điện luôn được tính toán kỹ và có lộ trình phù hợp, không “giật cục”, bảo đảm ổn định chính trị - xã hội, hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và người dân. Ở lần điều chỉnh hồi tháng 5, mức tăng 3% giá điện chưa thể khắc phục ngay khó khăn của doanh nghiệp ngành Điện, nhưng đổi lại chỉ số giá tiêu dùng nói chung không bị tác động lớn.
Với một số nhà sản xuất sử dụng điện nhiều, mức tăng giá thành cũng không lớn, như thép chỉ tăng 0,18%, xi măng tăng 0,45%... Với người tiêu dùng, mức tăng bình quân chỉ khoảng 12.000 đồng/hộ/tháng. Ở lần tăng tháng 11, số tiền điện tăng theo nhóm khách hàng từ 3.900 đồng/tháng đến 55.600 đồng/tháng.
Các hộ nghèo, hộ chính sách tiếp tục được hỗ trợ tiền điện theo quy định của Chính phủ, trong khi nhóm đối tượng sử dụng nhiều điện (từ bậc 6 trở lên) là đối tượng có khả năng chi trả nên tác động không đáng kể.
Để bảo đảm hài hòa lợi ích, một vấn đề được đặt ra là hạn chế tình trạng “té nước theo mưa”, lợi dụng tăng giá điện để tăng giá hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý. Nhà nước cần có chính sách tổng thể bình ổn mặt bằng giá, yêu cầu đăng ký, kê khai giá thành sản xuất đối với mặt hàng thiết yếu, tác động đến đời sống người dân… Mặt khác, doanh nghiệp ngành Điện cần tiếp tục tích cực triển khai chương trình tiết kiệm điện.
Câu chuyện điều chỉnh giá điện, đưa giá điện từng bước theo quy luật thị trường cũng là để bảo đảm hài hòa lợi ích các bên tham gia thị trường điện, từ đó thu hút đầu tư phát triển nguồn điện, từng bước bảo đảm an ninh năng lượng bền vững.