Thế giới

Gấp rút giải cứu 40 công nhân vụ sập hầm ở Ấn Độ

Thương Nguyệt 13/11/2023 17:00

Lực lượng cứu hộ gấp rút tiến hành giải cứu hàng chục công nhân đang bị mắc kẹt với rất ít oxy và nước uống.

Ngày 13-11, CNN thông tin, một phần lối đi dẫn đến lối vào đường hầm thuộc dự án đường cao tốc đầy tham vọng ở thị trấn Uttarkashi thuộc bang Uttarakhand đã bị sập. Sự cố xảy ra vào thời điểm các công nhân đang thay ca.

Giới chức ứng phó thảm họa của bang này xác nhận 40 công nhân bị mắc kẹt sau khi khoảng 200 m đường hầm sụp đổ. Đường hầm này dài 4,5 km, đang trong quá trình xây dựng để kết nối hai ngôi đền Hindu linh thiêng là Uttarkashi và Yamnotri.

Các công nhân được cho là còn khoảng 8 đến 10 giờ oxy trong đường hầm. Hầu hết những người mắc kẹt bên trong là lao động nhập cư, theo The Guardian.

Nỗ lực cứu hộ, dưới sự giám sát của lực lượng cảnh sát và ứng phó thảm họa bang Uttarakhand, đã bước sang ngày thứ hai. Máy xúc và máy móc hạng nặng cũng được huy động để di dời những đống đổ nát.

congnhansaphamhando.png
Lực lượng cứu hộ tại hiện trường vụ sập hầm. Ảnh: Getty Images

Khi có mặt tại hiện trường vụ sập hầm, Thủ hiến Uttarakhand Pushkar Dhami cho biết, Thủ tướng Ấn Độ, Narendra Modi cam kết “mọi sự hỗ trợ có thể” để giải cứu toàn bộ số công nhân bị mắc kẹt.

Đại diện lực lượng cảnh sát Uttarkashi thông báo, nhà chức trách vẫn giữ được liên lạc với các công nhân và tất cả đều trong tình trạng ổn định. Lực lượng cứu hộ tiếp tục cung cấp thêm oxy, nước uống và thức ăn cho các nạn nhân.

Hình ảnh và video từ hiện trường cho thấy một chiếc máy lớn đang đào bới các mảnh vỡ. Đội cứu hộ đã giải phóng khoảng 20m phần đường hầm bị sập và còn khoảng 40m phải xử lý trước khi có thể tiếp cận các công nhân. Quá trình này dự kiến sẽ kéo dài thêm khoảng 1 ngày.

Đường hầm gặp sự cố là một phần trong dự án đường cao tốc Char Dham dự kiến ​​dài gần 1.000 km. Đây là kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng nhằm cải thiện năng lực kết nối của bang Uttarakhand và khả năng tiếp cận tốt hơn tới các địa điểm hành hương quan trọng.

Dự án đã gây sự tranh cãi và phải đối mặt với nhiều thách thức pháp lý từ các nhà bảo vệ môi trường và người dân địa phương vì lo ngại tác động đến cảnh quan khu vực, cũng như nguy cơ sụt lún, lở đất, tác động đến hệ sinh thái địa phương.

Vụ sập hầm ngày 12-11 vừa qua không phải là tai nạn xây dựng đầu tiên trong những tháng gần đây ở Ấn Độ, quốc gia đang chi hàng tỷ USD để nâng cấp mạng lưới giao thông.

Hồi tháng 8, 23 công nhân đã thiệt mạng sau khi một cây cầu bị sập ở bang Mizoram phía Đông Bắc. Trước đó, một cây cầu bốn làn xe đang được xây dựng bắc qua sông Hằng ở bang Bihar bị sập lần thứ hai chỉ sau hơn 1 năm. Tháng 10-2022, sự cố tương tự xảy ra tại một cây cầu treo mới được sửa chữa ở thị trấn Morbi thuộc bang Gujarat, khiến 135 người chết.