Kinh tế

Tăng hiệu quả thực thi FTA từ nhân lực chuyên trách

Lam Giang 13/11/2023 - 17:09

Tình trạng thiếu nhân lực có kinh nghiệm và chuyên môn sâu về Hiệp định thương mại tự do ( FTA) khiến việc triển khai, tận dụng ưu đãi từ các FTA chưa đạt được kết quả như kỳ vọng đang là bài toán nan giải.

td-fta-2.jpg
Quang cảnh tọa đàm.

Đây là những nội dung được trao đổi tại tọa đàm "Phát triển nguồn nhân lực chuyên gia, tăng hiệu quả thực thi FTA" do Tạp chí Công Thương tổ chức ngày 13-11.

Thời gian qua, việc triển khai 15 FTA đã giúp gia tăng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam, song tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường các FTA chưa đạt kỳ vọng. Tỷ lệ ngành thế mạnh của Việt Nam như dệt may, da giày, cà phê… khá thấp.

Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là do nhân lực chuyên gia thực thi các FTA còn rất hạn chế, chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu của công tác này.

Theo bà Nguyễn Thị Lan Phương, Phó Trưởng phòng WTO và FTA, Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương, nguồn nhân lực để triển khai các FTA khó khăn ở cả cấp độ Trung ương, tỉnh, thành đến cấp độ doanh nghiệp.

Bà Phương dẫn ví dụ ngay tại Vụ Chính sách thương mại đa biên chỉ có 10 nhân sự thực hiện các công việc, từ quá trình đàm phán, ký kết, phê chuẩn cho đến khi thực thi. Quá trình thực thi phải liên quan tới rất nhiều bộ, ngành và 63 tỉnh, thành khác nhau.

Còn tại các địa phương, nhân lực chuyên trách chỉ có 5-7 người, có nơi chỉ có 1-2 nhân sự và phải kiêm nhiệm nhiều công việc khác. “Ngoài ra, các nhân sự này còn chưa được đào tạo chuyên sâu về các cam kết của FTA, do đó rất khó phối hợp trong những kế hoạch hành động của Chính phủ hoặc của địa phương”, bà Phương nói.

Nêu thực tế tại địa phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hải Phòng Nguyễn Công Hân cho hay, dù rất chú trọng đào tạo, duy trì nguồn nhân lực cho hội nhập kinh tế quốc tế, song số lượng cán bộ trực tiếp thực hiện nhiệm vụ thực thi FTA còn rất hạn chế.

ca-phe-xk.png
Doanh nghiệp cần nhân sự chuyên trách FTA để đẩy mạnh xuất khẩu. Ảnh minh họa: internet

Trong khi đó, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần cà phê Detech Lê Thị Hằng thông tin, công ty đang xuất khẩu nhiều mặt hàng sang châu Âu song bộ phận xuất nhập khẩu chỉ nắm bắt chuyên môn về thực hiện các hợp đồng, giao dịch, tư vấn cho khách hàng, các kinh nghiệm tận dụng FTA còn hạn chế.

Để khắc phục vấn đề này, bà Hồ Ngọc Linh - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn đầu tư và tận dụng hiệp định thương mại tự do nêu gợi ý, doanh nghiệp có thể kết nối với các bộ, ngành hoặc cơ sở giáo dục để đặt hàng đào tạo cán bộ chuyên trách hội nhập, đồng thời yêu cầu nhân viên phải bảo đảm nâng cao kỹ năng cần có.

Tương tự, bà Nguyễn Thị Lan Phương khuyến nghị cơ quan quản lý cấp trung ương tới địa phương và doanh nghiệp cần bố trí tăng số lượng nhân lực chuyên trách về vấn đề FTA; đẩy mạnh đào tạo đội ngũ chuyên gia FTA một cách bài bản và chuyên môn hơn.

Bộ Công Thương sẽ tập trung xây dựng nguồn nhân lực tốt hơn trong thời gian trước mắt cũng như lâu dài để tận dụng các FTA; xây dựng khung tài liệu đào tạo về các chuyên gia FTA và xây dựng tài liệu đào tạo cho nhà xuất khẩu, nhà nhập khẩu và phát triển bền vững. “Bộ sẽ thí điểm đào tạo các lớp chuyên gia đầu tiên để có thể cung ứng được nguồn nhân lực ngay lập tức, tại chỗ cho các tỉnh, thành và cố vấn hỗ trợ cho các doanh nghiệp”, bà Phương nhấn mạnh.