Giáo dục

Hà Nội: Tỷ lệ trường mầm non đạt chuẩn quốc gia tăng 10% trong 2 năm qua

Thống Nhất 13/11/2023 - 16:23

Tỷ lệ trường mầm non công lập trên địa bàn thành phố Hà Nội đạt chuẩn quốc gia hiện đã đạt 78,8%, tăng 10% so với năm 2020.

Ngày 13-11, tại Đông Anh, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tổ chức hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện chuyên đề xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm giai đoạn 2021-2025.

hn-.jpg
Quang cảnh hội nghị.

Toàn thành phố hiện có 1.147 trường mầm non và 2.461 cơ sở giáo dục mầm non độc lập. Tổng số trẻ mầm non đang được chăm sóc, giáo dục tại các cơ sở giáo dục mầm non là hơn 510.000 bé, trong đó tỷ lệ trẻ mẫu giáo ra lớp đạt 98,6%; tỷ lệ trẻ nhà trẻ ra lớp đạt 46,7%.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo, giáo dục mầm non thành phố có nhiều thuận lợi. Hà Nội là một trong những địa phương đầu tiên ban hành nghị quyết thực hiện các chính sách phát triển giáo dục mầm non, gồm: Hỗ trợ cơ sở vật chất, giáo viên, trẻ em là con công nhân làm việc tại khu công nghiệp; hỗ trợ tổ chức nấu ăn cho trẻ tại cơ sở giáo dục mầm non công lập xã vùng khó khăn (mức hỗ trợ cao gấp 1,5 lần quy định của Nghị định số 105/2020/NĐ-CP).

Một trong những kết quả đáng chú ý trong 2 năm qua của giáo dục mầm non thành phố Hà Nội là những nỗ lực trong công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Hiện nay, tỷ lệ trường mầm non công lập đạt chuẩn quốc gia đạt 78,8% (tăng 10% so với năm 2020); số lượng trường mầm non đạt chuẩn quốc gia mức 2 tăng nhanh (tăng 100 trường so với năm 2020).

thu_6651.jpg
Các đại biểu dự hội nghị.

Các mô hình điểm ngày càng được nhân rộng, góp phần tích cực trong việc nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ. Đã có 1.139 trường điểm mô hình “Trường mầm non xanh”, 567 trường điểm mô hình “Trường học điện tử”, 252 trường điểm mô hình “Vườn rau VietGAP”, 814 trường điểm mô hình “Phòng, chống suy dinh dưỡng”, 1.357 trường điểm mô hình “Cha mẹ cùng cô chăm sóc giáo dục trẻ”…

Các ý kiến tham luận tại hội nghị đã làm rõ thêm kết quả đạt được qua 2 năm thực hiện chuyên đề xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm giai đoạn 2021-2025, đồng thời chia sẻ những khó khăn trong quá trình triển khai. Một trong những khó khăn cơ bản là thiếu nhân sự, cụ thể là thiếu giáo viên, nhân viên nuôi dưỡng, nhân viên kế toán, nhân viên y tế.

Theo nhận định của một số đơn vị, do mức lương thấp, một số giáo viên, nhân viên đã chuyển việc. Bên cạnh đó, do quỹ đất hạn hẹp nên một số đơn vị còn gặp khó khăn trong công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia; tại một số trường còn giáo viên có trình độ đào tạo chưa đáp ứng quy định mới…

mn.jpg
Một giờ hoạt động của trẻ Trường Mầm non Cổ Loa (huyện Đông Anh).

Thời gian tiếp theo, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội chỉ đạo các phòng giáo dục và đào tạo, các cơ sở giáo dục mầm non tiếp tục nhân rộng các mô hình điểm, bảo đảm 100% cơ sở giáo dục mầm non thực hiện ít nhất 1 mô hình phù hợp theo điều kiện thực tế; tăng cường tổ chức các hoạt động sinh hoạt chuyên môn, tổ chức hội thảo chia sẻ kinh nghiệm, lựa chọn sản phẩm điển hình trong thực hiện chuyên đề để phổ biến, nhân rộng…

Một trong những nhiệm vụ, cũng là giải pháp được thống nhất tại hội nghị là tiếp tục tham mưu chính quyền địa phương tăng cường đầu tư cơ sở vật chất trường mầm non, tăng tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia; rà soát, thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, phấn đấu đạt tỷ lệ 100% giáo viên có trình độ cao đẳng sư phạm trở lên (bao gồm giáo viên ở cả khối công lập và ngoài công lập).