Du lịch

Ambon - thành phố hòa bình

Thái Thịnh 12/11/2023 - 09:09

Lần đầu đến với thành phố Ambon, thủ phủ của tỉnh Maluku ở Indonesia, du khách sẽ khó mà tưởng tượng rằng mảnh đất này từng có lịch sử đấu tranh đẫm máu.

Từ cuộc kháng chiến giành độc lập của Indonesia đến những xung đột tôn giáo xảy ra vào cuối thế kỷ trước, Ambon đã chứng kiến không biết bao nhiêu trận đánh và sự hy sinh. Vậy nhưng người dân Ambon đã đặt chiến tranh lại phía sau để xây dựng một mái nhà chung xứng đáng với danh hiệu “Thành phố hòa bình”.

du-lich.jpg
Chiếc chiêng hòa bình thế giới ở Ambon.

Một thoáng lịch sử

Các nhà thám hiểm Bồ Đào Nha đặt chân lên đảo Ambon thuộc quần đảo Maluku vào năm 1512. Tương truyền, cái tên “Ambon” xuất phát từ chữ “ombong” trong tiếng bản địa, nghĩa là “sương sớm” - do hòn đảo có sương mù quanh năm. Người Âu lập ra thành phố Ambon làm trung tâm giao thương cho toàn khu vực. Trong lịch sử, Ambon là nơi xảy ra không ít trận đánh mà nổi tiếng nhất là trận chiến giữa quân Đồng minh và phát xít Nhật vào năm 1942.

Sau khi chế độ độc tài Suharto bị xóa bỏ và nền kinh tế của Indonesia phải hứng chịu cuộc khủng hoảng tài chính toàn châu Á năm 1997, nội chiến nổ ra tại quần đảo Maluku giữa các cộng đồng Công giáo và Hồi giáo. Cuộc chiến kết thúc vào năm 2002, sau khi các bên đạt được thỏa thuận ngừng bắn. Sau nhiều năm đầy rẫy những sự nghi ngờ, cuối cùng các cộng đồng sắc tộc và tôn giáo khác nhau tại Ambon cũng đã tìm lại được tình đoàn kết và biến Ambon thành một thành phố yên bình. UNESCO từng công nhận Ambon là “Thành phố sáng tạo” năm 2019 dựa trên nền văn hóa âm nhạc của họ.

Ambon không phải một thành phố quá lớn hay đông đúc, du khách có thể lựa chọn những chiếc xe angkot (xe minivan được sơn màu sặc sỡ) chuyên vận chuyển trên những tuyến cố định. Du khách có thể gọi xe angkot như gọi taxi.

Hành trình khám phá Ambon bắt đầu từ tượng đài nữ anh hùng dân tộc Martha Christina Tiahahu. Christina Tiahahu tham gia phong trào kháng chiến chống thực dân Hà Lan và bị bắt. Cô tuyệt thực để phản đối thực dân đô hộ và mất khi đang bị giam cầm trên thuyền lúc mới tròn 17 tuổi. Sau khi Indonesia giành độc lập vào năm 1946, Christina Tiahahu được tôn làm anh hùng dân tộc và có hẳn một ngày lễ hằng năm (ngày 2-1) để tưởng nhớ cô. Tượng đài người nữ anh hùng đặt ở Ambon nhìn ra biển Banda nơi cô mất. Cứ đến ngày 2-1 là người dân từ khắp nơi trên đảo sẽ đến đặt vòng hoa dưới chân tượng đài Christina Tiahahu.

Cách không xa tượng đài này là khu nghĩa trang liệt sĩ Ambon. Ở đây chôn cất hơn 1.900 binh lính Hà Lan, Australia và Mỹ đã tử trận trong một trận đánh ác liệt với quân Nhật vào năm 1942, trong đó có 300 tù binh Đồng minh bị phát xít Nhật thảm sát trong một ngày. Khu nghĩa trang và đài tưởng niệm liệt sĩ được xây trên nền trại tù binh cũ của Nhật. Vào những ngày cuối tháng 1, đầu tháng 2 hằng năm, có không ít hậu duệ của các liệt sĩ Hà Lan, Australia và Mỹ đến khu nghĩa trang để tưởng nhớ ông cha họ.

Du khách tới Ambon nên ghé thăm chiếc chiêng hòa bình thế giới. Chính phủ Indonesia đúc chiếc chiêng lớn này vào năm 2002 nhằm chứng tỏ sự cam kết của họ với hòa bình trên toàn thế giới. Sau khi được gióng lên lần đầu tiên vào ngày 31-12-2002, chiếc chiêng được đưa đi khắp thế giới. Chiếc chiêng cuối cùng cũng trở lại Indonesia và hiện đang được trưng bày trên đảo Bali. Chính phủ Indonesia còn đúc nhiều chiếc chiêng bản sao khác để tặng các thành phố khác trên khắp thế giới, trong đó có Ambon.

Pháo đài Amsterdam cách không xa trung tâm Ambon. Sau nhiều năm bị bỏ hoang, Bộ Giáo dục và Văn hóa Indonesia cải tạo pháo đài Amsterdam thành di tích lịch sử vào năm 1991. Nơi đây nay là điểm đến du lịch nổi tiếng nhờ bộ sưu tầm về lịch sử và cuộc sống hằng ngày ở Indonesia dưới chế độ thực dân. Cảnh tượng nhìn ra góc biển tuyệt đẹp cũng là một điểm nhấn thu hút du khách.

Thánh đường Masjid An-Nur Batu Merah tại Ambon nằm trong số các nhà thờ Hồi giáo cổ nhất còn tồn tại ở Đông Nam Á. Thánh đường được khánh thành vào năm 1575 và đã trải qua nhiều lần tu sửa, lần gần nhất vào năm 1988, nổi bật với mái màu xanh. Màu xanh cũng tràn ngập bên trong nhà thờ và cùng với những bức bích họa và gạch in họa tiết Hồi giáo cổ tạo nên cảm giác thật thanh cao, trang trọng.

Nói đến âm nhạc Ambon, du khách không thể bỏ qua các buổi biểu diễn múa Sahu Reka-Reka. Loại hình múa cổ truyền ở Maluku này có nhiều điểm tương đồng với múa sạp của người Thái. Mỗi làn điệu múa Sahu Reka-Reka trên nền sáo và trống tifa cũng như một cuộc thi giữa những vũ công. Họ thi nhau xem ai trụ lại cuối cùng mà không lỡ một nhịp múa nào trong khi nhịp điệu ngày càng nhanh lên. Chính đặc trưng này đã giúp loại hình múa Sahu Reka-Reka thu hút nhiều khách du lịch ngoại quốc kể cả khi hai bên bị rào cản ngôn ngữ chia cách.

Biển vẫy gọi

Các bãi biển ở Ambon vẫn giữ được vẻ hoang dã của mình. Bãi biển Namalatu cách trung tâm thành phố 15km, là nơi dành cho các gia đình đi pinic. Chất lượng nước tốt và rạn san hô ở Namalatu cũng thu hút nhiều vị khách ưa thích lặn biển. Đôi khi du khách còn có thể nhìn thấy những đàn cá heo bơi lặn ở Namalatu nữa.

Bãi biển Liang, tiếng địa phương còn gọi là bãi Hunimua, nổi tiếng thế giới nhờ bãi cát trắng trải hút tầm mắt và rặng cây cổ thụ chạy đến sát bờ biển. Chương trình phát triển của Liên hợp quốc từng công nhận bãi biển Liang là nơi đẹp nhất Indonesia. Sau một ngày dài dạo chơi trên bãi biển Liang, du khách hãy nghỉ lại tại ngôi làng cùng tên để tận hưởng một đêm homestay đầy thú vị.