Giải trí

Diễn viên Đinh Ngọc Diệp: Nỗ lực 200% cho “Người vợ cuối cùng”

Mai Đình thực hiện 12/11/2023 - 09:05

Lấy bối cảnh một vùng quê Bắc Bộ, bộ phim “Người vợ cuối cùng” tái hiện cuộc sống của những người phụ nữ dưới chế độ phong kiến, với những ràng buộc khắt khe, không được sống với tình yêu và khát vọng của mình.

Trong vai người vợ hai, một nhân vật thông minh, sắc sảo, với những phân cảnh hài hước, duyên dáng, diễn viên Đinh Ngọc Diệp tuy xuất hiện không nhiều nhưng đã để lại những ấn tượng tốt đẹp với khán giả.

nguoi-vo.jpg

- Đinh Ngọc Diệp thân mến, tôi vẫn nhớ đôi mắt của nhân vật mợ hai trong phim “Người vợ cuối cùng”, những biểu cảm vừa ghê gớm nhưng có lúc lại rất đồng cảm với người khác. Lần trở lại này của Ngọc Diệp với điện ảnh có thể nói là khá thành công?

- Vai của mình là vai mợ hai, một trong ba bà vợ của quan tri huyện. Cũng giống như vị trí của mình trong nhà, trên là bà cả rất quyền lực, ở dưới là bà ba xinh đẹp và trẻ trung hơn mình nên bà hai giống như bị kèm cặp ở giữa. Ba người phụ nữ này luôn có tinh thần phải bảo vệ vị trí của mình. Và tất nhiên họ cũng có tâm trạng khác nhau và những ước mơ trong cuộc sống nhưng dù sao đi nữa, họ cũng bộc lộ những nỗi niềm của người phụ nữ trong hình thức hôn nhân đa thê của chế độ phong kiến.

Vai diễn của Ngọc Diệp chỉ là vai phụ, không có nhiều đất diễn nhưng bản thân bà hai luôn muốn có hạnh phúc, “dĩ hòa vi quý” trong gia đình vốn đã có quá nhiều sự lộn xộn. Bằng cách nào đó, bà hai cũng có thế giới riêng và đã ít nhiều hài lòng, tự bảo vệ cho vị trí của mình.

- Khi “trở về” 200 năm trước, Đinh Ngọc Diệp cảm nhận số phận người phụ nữ thời kỳ ấy như thế nào?

- Ngọc Diệp nghĩ rằng thời nào cũng vậy, ở đâu có nỗi buồn thì ở đó sẽ có sự đồng cảm. Những lần đầu xem lại phim, mình đã khóc. Cuộc đời mình không khổ như những nhân vật đó nhưng Diệp có sự đồng cảm, rung động thực sự. Nhân vật mợ ba Linh rất đáng thương, và nhìn rộng ra, cả ba người phụ nữ trong phim, 3 người vợ của quan huyện Đức Trọng đều rất đáng thương. Ai cũng muốn có tự do, muốn được hạnh phúc, muốn được yêu thương... nhưng cuối cùng sự lựa chọn sẽ mang đến những hệ lụy.

Còn phụ nữ ở thời hiện đại, Ngọc Diệp nghĩ rằng họ được tự do chọn người mình yêu thương, được bảo vệ bởi pháp luật. Để có được như bây giờ, chúng ta đã phải trải qua rất nhiều sự thăng trầm, đấu tranh cho quyền phụ nữ. Từ đó mình cảm thấy biết ơn và trân trọng cuộc sống hiện tại.

- Cũng lâu rồi Ngọc Diệp mới trở lại màn ảnh, lần này bộ phim còn được quay chủ yếu ở miền Bắc nữa...

- Đây không phải là lần đầu Ngọc Diệp được ra Bắc làm phim. Lần trước, với bộ phim “Người bất tử”, mặc dù bối cảnh ở Quảng Bình là chính nhưng chúng tôi cũng có một số cảnh quay tại Hà Nội. Lần nào ra Hà Nội cũng thấy quá yêu con người, yêu những câu chuyện văn hóa ở đây. Lần này, khi tới Bắc Kạn, người dân địa phương và các cấp lãnh đạo ủng hộ, tạo điều kiện giúp đỡ chúng tôi rất nhiều. Ngọc Diệp cũng rất thích thời tiết se se lạnh.

Tôi vẫn nhớ mỗi ngày quay, chúng tôi đều mất 3 tiếng đồng hồ di chuyển, vừa đi bộ, vừa đi xe, vừa đi tàu mới đến được ngôi làng. Nơi ấy không có điện và chỉ có đồng bào dân tộc sinh sống. Mặc dù rất vất vả nhưng bù lại, chúng tôi được đến một nơi hoang sơ, mộc mạc.

Khi bước vào bối cảnh vùng quê, nằm sâu phía hồ Ba Bể, với một ngôi làng được phục dựng thì tôi có cảm giác như mình được trở về 200 năm trước, được sống với bộ phim mà không bị những tác động bên ngoài của phố thị. Có một điều thú vị là thời tiết hình như cũng rất “hiểu” lòng người: Khi nhân vật vui thì trời có nắng, còn khi buồn lại bàng bạc những gợn mây, thậm chí âm u, sương mù... như vậy gọi là “thiên thời, địa lợi”. Ngoài ra, chúng tôi còn quay ở đình So, đình Mạch Tràng (Hà Nội). Cảnh kết bộ phim lại quay ở Đắc Nông.

- Trong vai trò nhà sản xuất của bộ phim “Người vợ cuối cùng”, vì sao chị và các nhà làm phim lại chọn đề tài cổ trang, lịch sử, vốn sẽ “ngốn” nhiều tiền trong khi nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn?

- Tôi không dám nói về những bộ phim khác vì mình không phải là người trong cuộc. Năm ngoái, khi cả nước mới bước ra khỏi đại dịch Covid-19, nền kinh tế cũng như cuộc sống của mọi người chưa ổn định. Còn năm nay, sự đầu tư của các nhà làm phim tư nhân và cả Nhà nước dành cho dòng phim lịch sử nhiều hơn, theo Ngọc Diệp nghĩ là sự ngẫu nhiên. Bản thân đạo diễn Victor Vũ luôn mong muốn được kể những câu chuyện văn hóa. Và đương nhiên, dòng phim cổ trang là con đường giúp đạo diễn tái hiện lịch sử, văn hóa.

Khi đọc tác phẩm “Hồ oán hận” của tác giả Hồng Thái, Ngọc Diệp và đạo diễn Victor Vũ cảm thấy thích thú nhưng chưa chắc mình có thể làm được bộ phim này. Thực sự thì đầu tư cho phim cổ trang rất tốn kém, thậm chí kén khán giả. Tuy vậy, chúng tôi may mắn có các nhà đầu tư đồng hành nên đạo diễn Victor Vũ đã quyết tâm làm bộ phim này. Tất cả mọi người trong ê kíp đã nỗ lực 200% sức lực để có thể cho ra đời bộ phim.

- Trân trọng cảm ơn Đinh Ngọc Diệp!