Các lễ hội pháo hoa của Nhật Bản gặp khó
Ngày càng nhiều lễ hội pháo hoa hằng năm ở Nhật Bản buộc phải hủy bỏ do tình trạng giá vật liệu tăng và suy thoái du lịch sau đại dịch gây thiếu kinh phí.
Các màn trình diễn pháo hoa, một hoạt động đặc sắc nhưng đầy tốn kém trong mùa hè ở Nhật Bản, thường thu hút lượng lớn du khách trong và ngoài nước.
Thường được tài trợ bởi cả khu vực công và tư nhân, những sự kiện pháo hoa đang ngày càng khó tổ chức do sự suy giảm của nguồn kinh phí từ chính phủ và doanh nghiệp.
Theo Kyodo News, một cuộc khảo sát gần cho thấy, ít nhất 25 lễ hội pháo hoa tại Nhật Bản đã phải hủy bỏ trong năm 2023. Nguyên nhân phần lớn là do chi phí vật liệu cao và các biện pháp an ninh chặt chẽ hơn. Nhiều sự kiện tương tự dự kiến sẽ bị hủy bỏ trong các năm tới.
Các nhà tổ chức gặp khó khăn trong kêu gọi hỗ trợ tài chính từ các công ty và người dân địa phương do một số doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực lưu trú và ăn uống, đã buộc phải ngừng hoạt động khi đại dịch toàn cầu Covid-19 “tấn công” ngành du lịch.
Lễ hội sông Kasamatsu ở tỉnh Gifu là một ví dụ điển hình. Sự kiện này thường cần kinh phí khoảng 12 triệu yên từ ngân sách nhưng do chi phí dự kiến sẽ tăng nên ban tổ chức đã quyết định hủy bỏ trong năm nay.
Tương tự, lễ hội pháo hoa Onjuku ở tỉnh Chiba cũng đã bị hủy bỏ. Đại diện Hiệp hội Du lịch Onjuku kêu gọi đa dạng hóa các dịch vụ du lịch ngoài pháo hoa do việc đốt 1.500 quả pháo hoa chỉ trong 30 phút sẽ tiêu tốn hơn 5 triệu yên (tương đương 33.000 USD).
Để đa dạng hóa doanh thu, một số nhà tổ chức đã đưa ra mô hình chỗ ngồi trả phí. Tuy nhiên, vấn đề này gây nhiều tranh cãi, với những lo ngại về việc liệu chỗ ngồi trả phí có công bằng hay không. Ngoài ra, người dân địa phương cũng chỉ trích việc lắp đặt hàng rào cao 4m sẽ cản trở tầm nhìn xem pháo hoa.
Bất chấp những thách thức, một số đơn vị vẫn quyết tâm thực hiện các chương trình bắn pháo hoa. Lễ hội pháo hoa sông Sumida nổi tiếng ở Tokyo đã trở lại vào mùa hè vừa qua thu hút kỷ lục 1,04 triệu người xem ở lần tổ chức thứ 46.