Tổng thống Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran cùng thăm Trung Á: Mắt xích quan trọng của thế giới đa cực
Việc cả Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và Tổng thống Iran Ebrahim Raisi cùng lúc có lịch trình đến thăm Trung Á cho thấy, khu vực này đang ngày càng có vị thế quan trọng. Trong bối cảnh, thế giới với những gam màu tối - sáng đan xen, thì khu vực Trung Á đã và đang khẳng định vai trò của mình trong bức tranh địa chính trị toàn cầu.
Truyền thông quốc tế đưa tin, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đến Kazakhstan từ ngày 9-11, trong khi nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và người đồng cấp Iran Ebrahim Raisi cũng có chuyến công du đến Uzbekistan. Các chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh cả ba nước đều dành mối quan tâm ngoại giao mới với khu vực có 72 triệu dân và 5 quốc gia này.
Trong chuyến thăm, Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev đều dành những lời có cánh ca ngợi mối quan hệ song phương. Nhà lãnh đạo Nga khẳng định, quan hệ Đối tác chiến lược “thực sự hướng tới tương lai”, trong khi Tổng thống Kazakhstan ca ngợi “liên minh có quá khứ giàu có và tương lai tươi sáng”.
Còn cách Kazakhstan hơn 1.000km về phía Nam, Hội nghị Thượng đỉnh của Tổ chức Hợp tác kinh tế (ECO) năm nay diễn ra tại Uzbekistan đã nồng nhiệt tiếp đón hai vị tổng thống Iran và Thổ Nhĩ Kỳ, cùng các nhà lãnh đạo Trung Á khác. Các cuộc đối thoại tập trung vào thương mại, hợp tác nhân đạo và giao thông.
Thực tế, sự quan tâm của các cường quốc láng giềng với Trung Á là dễ hiểu. Với vị trí “đắc địa” trung tâm châu Á, Trung Á với tài nguyên dồi dào, nhất là dầu mỏ và khí đốt, từ lâu đã nổi lên như một điểm đến hấp dẫn mà cường quốc nào cũng muốn tranh thủ sự ủng hộ. Nga vẫn là đối tác quan trọng, đã triển khai các dự án năng lượng quy mô lớn, bao gồm cả việc cung cấp khí đốt cho Uzbekistan thông qua Kazakhstan. Mátxcơva cũng đang thảo luận về việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân và các dự án thủy điện ở một số quốc gia khu vực.
Về phần mình, Thổ Nhĩ Kỳ luôn duy trì sự hiện diện tại Trung Á với hơn 4.000 doanh nghiệp hoạt động, giao dịch thương mại thường niên có giá trị hàng tỷ USD. Ngay trước thềm hội nghị của ECO năm nay, Tổng thống Iran Ebrahim Raisi và Tổng thống Tajikistan Emomali Rahmon cũng đã giám sát việc ký kết 19 văn kiện hợp tác trong nhiều lĩnh vực.
Tuy không xuất hiện đáng kể trong dịp này, Trung Quốc từ lâu đã trở thành đối tác lớn trên toàn khu vực Trung Á với sáng kiến “Vành đai, Con đường”. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình năm ngoái đã ghé thăm Kazakhstan và Uzbekistan - nơi Bắc Kinh chọn làm điểm tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO). Các doanh nghiệp Trung Quốc cũng đã khánh thành một mỏ vàng ở Tajikistan, đồng thời xây dựng nhiều nhà máy thủy điện, điện mặt trời ở Kyrgyzstan…
Ngay cả các nước phương Tây xa xôi cũng không giấu sự quan tâm, thậm chí thường xuyên nhấn mạnh Trung Á là trọng tâm trong chính sách đối ngoại của họ, với các khoản đầu tư mạnh vào quan hệ kinh tế và quân sự. Mới nhất, đầu tháng 11-2023, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã tới cả Kazakhstan và Uzbekistan, trong khi Thủ tướng Hungary Viktor Orban cũng thăm Kazakhstan. Trước đó, hàng loạt quan chức ngoại giao và quân sự Mỹ cũng đã tích cực thăm viếng Trung Á...
Dĩ nhiên, Trung Á cũng không thiếu lý do để chìa tay ra với các đối tác tiềm năng khắp toàn cầu. Khu vực này vốn không giáp biển, nên thường xuyên tìm kiếm các nỗ lực tiếp cận các tuyến vận tải hàng hải quan trọng, nhằm tạo điều kiện mở rộng giao thương. Các quốc gia khu vực - vốn là thành viên của Liên bang Xô viết trước đây và hiện duy trì quan hệ tích cực với cả Nga và Ukraine - mong muốn đa dạng hóa quan hệ hợp tác quốc tế trong bối cảnh xung đột Ukraine bùng nổ tạo ra những làn sóng ảnh hưởng khó lường.
Có thể thấy, từ chỗ chỉ có sức hút nhờ tài nguyên và vị trí địa lý, các nước Trung Á trong bối cảnh mới đang nổi lên như một mắt xích quan trọng trong chiến lược của các cường quốc hướng tới trật tự thế giới đa cực. Đây chắc chắn cũng sẽ là một trong những trọng tâm phát triển đáng chú ý của nền kinh tế toàn cầu trong những năm tới.