Dạy trẻ kỹ năng phòng bệnh dại
Chó là động vật được nuôi phổ biến ở Việt Nam. Đa số trẻ em rất thích chơi đùa với chúng và ít cảnh giác trước nguy cơ bị chó cắn. Do đó, phụ huynh cần giúp trẻ nâng cao nhận thức về bệnh dại và khả năng bị chó tấn công.
Không hoảng sợ hoặc bỏ chạy khi bị chó đuổi
Trẻ không nên cố bỏ chạy khi bị chó đuổi mà nên cố gắng giữ khoảng cách, đứng yên và đối mặt với con vật, điều này làm chó cảm thấy đối tượng trước mặt có sức mạnh hơn nó. Ngoài ra, cần tìm cách cầu cứu sự giúp đỡ của người lớn.
Nếu bị chó xô ngã, các em hãy cuộn tròn người, đầu cúi xuống và dùng hai tay che tai và cổ.
Không tiếp cận chó lạ
Trẻ em rất thích chơi đùa với động vật, do đó, cần nhắc nhở trẻ không nên vuốt ve chó lạ vì không biết chó hiền hay dữ. Ngay cả đối với chó nhà thân thiết, khi nô đùa trẻ cũng cần cẩn thận vì chó nhà cũng có thể cắn chủ.
Theo dõi các dấu hiệu nguy hiểm
Khi con chó có biểu hiện nhe răng, gầm, sủa và tai hoặc lông dựng thẳng đứng, cụp đuôi vào giữa hai chân và ngáp lớn, lúc này không nên tiếp cận vì sẽ tạo ra mối nguy hiểm cho mọi người.
Trẻ em có chiều cao thấp nên chó thường cắn trẻ vào mặt hoặc đầu. Các vết cắn ở những vị trí này đặc biệt nguy hiểm vì đây là những nơi có nhiều dây thần kinh, chỉ cần ít thời gian là vi rút dại có thể di chuyển đến não bộ của trẻ, gây tử vong.
Ở một số trường hợp, trẻ em bị chó cắn nhưng không nói cho bố mẹ biết nên không được can thiệp kịp thời. Cần dạy trẻ biết rằng khi bị chó cắn, dù vết thương nhỏ, nông thì cũng phải báo ngay cho người lớn để được khám, chữa đầy đủ.