Xử lý nghiêm xe chở hàng cồng kềnh trên phố
Dịp cuối năm, khi nhu cầu mua bán, tích trữ hàng hóa tăng cao cũng là lúc tình trạng tận dụng xe máy, xe ba gác, xe tự chế… để chở hàng cồng kềnh lại “lộng hành” trên nhiều tuyến đường.
Hành vi này không chỉ gây cản trở cho các phương tiện tham gia giao thông mà còn tiềm ẩn nguy cơ với chính người vận chuyển. Dù Nghị định số 100/2019/NĐ-CP đã quy định mức phạt cụ thể với hành vi chở hàng hóa vượt giới hạn kích cỡ, song dường như nhiều người vẫn cố tình “nhờn” luật.
Nghênh ngang “diễu” phố
Chiều 2-11, đang lưu thông trên đường từ phố Nguyễn Xuân Khoát hướng về Nguyễn Khánh Toàn, khi đến gần ngã tư giao đường Hoàng Quốc Việt, anh Nguyễn Bảo (quận Bắc Từ Liêm) chứng kiến một chiếc xe ba gác không rõ biển số chở những chồng ống sắt bằng cổ tay, chiều dài thò ra ngoài thùng xe cả mét. Thay vì có biện pháp che chắn cẩn thận, chủ xe chỉ buộc một mảnh bao tải vào phần đuôi sắt thò ra để cảnh báo người đi đường.
Tương tự, chiều 7-11, khảo sát một vòng qua các tuyến phố Hoàng Quốc Việt, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Quốc Hoàn, Hồ Tùng Mậu, Nguyễn Chánh, Phạm Hùng… phóng viên đã chứng kiến hàng chục trường hợp xe chở hàng cồng kềnh đang lưu thông. Trên tuyến đường Nguyễn Quốc Hoàn, ngay trong giờ cao điểm buổi chiều, phóng viên kịp ghi lại hình ảnh một xe máy mang biển kiểm soát 29-C1 791.50 chở những hộp các tông lớn cao quá đầu đang đi với tốc độ cao.
Điều 19, Thông tư số 46/2015/TT-BGTVT quy định, xe chở khách không được phép xếp hàng hóa, hành lý nhô ra quá kích thước bao ngoài của xe. Xe mô tô, xe gắn máy không được xếp hàng hóa, hành lý vượt quá bề rộng giá đèo hàng theo thiết kế của nhà sản xuất về mỗi bên 0,3m, vượt quá phía sau giá đèo hàng là 0,5m. Chiều cao xếp hàng hóa tính từ mặt đường xe chạy không vượt quá 1,5m. Xe thô sơ không được xếp hàng hóa vượt phía trước và phía sau quá 1/3 chiều dài thân xe và không quá 1m… Quy định rõ ràng là thế nhưng hầu hết các xe chở hàng, đặc biệt là xe máy và xe ba gác đều chất hàng hóa vượt quá kích cỡ quy định.
Tăng cường kiểm tra, xử phạt
Trung tá Trần Quang Vinh, Đội trưởng Đội Tuyên truyền, khám nghiệm điều tra tai nạn giao thông, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an thành phố Hà Nội cho biết, thực hiện chỉ đạo của Công an thành phố về việc xử lý nghiêm xe máy chở hàng cồng kềnh là tác nhân nguy hiểm tiềm ẩn nguy cơ gây ra tai nạn giao thông, đơn vị đã giao các đội Cảnh sát giao thông căn cứ vào đặc thù của từng quận, huyện, thị xã tiến hành xử lý nghiêm.
Trực tiếp làm nhiệm vụ, Đại úy Cao Văn Tuấn, cán bộ Đội Cảnh sát giao thông số 3 thông tin, đơn vị đã chủ động dừng các phương tiện chở hàng cồng kềnh gây cản trở giao thông và khó khăn cho người tham gia giao thông. Đa phần các phương tiện này đều chở hàng hóa nặng khiến người điều khiển cần phải có sự trợ giúp mới dừng đưa được xe vào khu vực kiểm tra và lập biên bản. Với những trường hợp vi phạm trên, tổ công tác sau khi ghi hình, đo đạc xác định chiều cao hàng hóa vi phạm đều yêu cầu lái xe phải dỡ hàng hóa vận chuyển bằng hình thức khác, không gây nguy hiểm cho bản thân và người tham gia giao thông.
Xác định địa bàn quận Hoàn Kiếm có các tuyến đường như Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật, Hàng Ngang, Hàng Đào… đều là những tuyến phố sầm uất đi vào chợ đầu mối Đồng Xuân, Long Biên… vẫn còn tồn tại tình trạng xe máy chở hàng cồng kềnh phục vụ nhu cầu bán buôn của tiểu thương, Đội Cảnh sát giao thông số 1 đã chủ động kế hoạch vừa tuần tra vừa kết hợp cắm chốt xử lý tại các khu vực có nhiều phương tiện dạng này lưu thông.
Theo Đại úy Nguyễn Hoàng Ninh, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông số 1, trong vòng 1 tháng qua, riêng trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, Đội đã xử lý 18 trường hợp xe máy chở hàng hóa cồng kềnh, phạt thành tiền 9 triệu đồng, tạm giữ giấy tờ 18 trường hợp.
Tương tự trên các địa bàn giáp ranh với các huyện ngoại thành, Đội Cảnh sát giao thông số 6 đã phối hợp cùng các đơn vị Cảnh sát giao thông và trật tự, Công an quận Cầu Giấy, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm cũng tiến hành xử lý nhiều xe chở hàng hóa cồng kềnh đang lưu thông trên đường và cả những xe bày bán hoa quả có kích thước vượt quá giới hạn quy định đang đứng bán hàng tại khu vực đường Hồ Tùng Mậu, Lê Đức Thọ...
Theo Trung tá Trần Quang Vinh, từ nay đến cuối năm 2023, nhu cầu vận chuyển hàng hóa sẽ tăng cao nên bên cạnh việc xử lý vi phạm, công tác tuyên truyền cần phải được thực hiện thường xuyên để thay đổi nhận thức của người tham gia giao thông. Để duy trì, bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên các tuyến đường được thông thoáng, Đội Cảnh sát giao thông số 6 kiến nghị cần có sự phối hợp của công an các quận, phường, thanh tra giao thông cùng vào cuộc tuần tra, xử lý khép kín các khung giờ trong ngày, trong đó, cần tăng cường bố trí lực lượng làm nhiệm vụ tại các khu vực cổng chợ, các tuyến đường cửa ngõ… vốn là nơi xuất phát của các xe chở hàng quá khổ.