Kinh tế

“Hà Nội cần được quy định chế độ, định mức chi ngân sách mới”

Hương Thủy 10/11/2023 - 20:24

Chuyên gia đã nhấn mạnh như vậy khi trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới xung quanh quy định về tài chính - ngân sách trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).

Chủ động trong huy động nguồn lực tài chính

Trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), về mức vay nợ và bội chi ngân sách có ba nội dung chính là thành phố được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức khác trong nước và từ nguồn trái phiếu Chính phủ phát hành không phụ thuộc vào hạn mức trần; thành phố Hà Nội chịu trách nhiệm thực hiện đầy đủ, đúng hạn các nghĩa vụ liên quan đến khoản vay lại; tổng mức vay và bội chi ngân sách thành phố Hà Nội hằng năm do Quốc hội quyết định.

anh-minh-hoa.jpg
Ảnh minh họa.

Quy định này nhằm cho phép Hà Nội được vay nợ không có hạn mức trần, có thể cao hơn so với Luật Ngân sách (60%) và Nghị quyết số 115/2020/QH14 về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với thành phố Hà Nội (không quá 90% số thu ngân sách thành phố được hưởng theo phân cấp). Nhưng việc kiểm soát mức dư nợ do Quốc hội quyết định và phải nằm trong khả năng trả nợ của thành phố (do HĐND thành phố quyết định mức vay).

Theo Nghị quyết số 115/2020/QH14, mức dư nợ vay của ngân sách thành phố Hà Nội không vượt quá 90% số thu ngân sách thành phố Hà Nội được hưởng theo phân cấp.

Chuyên gia kinh tế - tài chính, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh nhìn nhận, thông thường, dư nợ phải nằm trong giới hạn nhất định để bảo đảm an toàn cho việc trả nợ. Đây là quy định bảo đảm cho việc vay nợ, trả nợ bền vững. Với quy định trên, Hà Nội gặp khó khăn là khi cần nguồn lực để chi tiêu, tạo ra sự đột phá thì sẽ không có đủ bởi bị khống chế từ hạn mức, khi vượt khỏi mức theo quy định sẽ không được vay, huy động nữa. Nếu được xóa hạn mức thì sẽ huy động được nguồn lực đủ để tăng trưởng, phát triển nền kinh tế theo mong muốn.

“Quốc hội nếu thấy việc quy định hạn mức trên có thể bỏ được cũng là điều tốt và giao toàn quyền cho Hà Nội tự chịu trách nhiệm, nhưng trong điều kiện phải có chuyên gia quản lý nợ và chuyên gia tư vấn tốt, Hà Nội phải quản lý tốt đồng vốn, tính toán hợp lý trong việc vay và trả nợ cũng như sử dụng đồng vốn thực sự hiệu quả”, chuyên gia Đinh Trọng Thịnh nói.

Vị chuyên gia này cũng cho biết, quy định trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) về mức vay nợ và bội chi ngân sách sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho Hà Nội có thể chủ động trong huy động nguồn lực tài chính đủ lớn để triển khai những nhiệm vụ chiến lược, trọng điểm trong từng thời kỳ.

Theo tính toán, trong giai đoạn 2026-2030, nhu cầu chi đầu tư phát triển của thành phố là 715 nghìn tỷ đồng, trong khi đó, ngân sách thành phố chỉ có thể đáp ứng được 312,56 nghìn tỷ đồng. Vì vậy, con số thiếu hụt này cần có nhiều giải pháp đồng bộ để tạo nguồn lực cho thành phố, trong đó có nguồn vốn vay là phần rất quan trọng.

Chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi ngân sách đã lạc hậu

Ngoài ra, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) còn có quy định: Thành phố được quy định chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi ngân sách mới hoặc cao hơn của trung ương để thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn Thủ đô, phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách thành phố Hà Nội mà ngân sách trung ương không hỗ trợ.

Theo quy định hiện hành, nhiều chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi ngân sách do Trung ương ban hành khung hoặc mức chi cụ thể để áp dụng thống nhất trên toàn quốc. Cụ thể, theo quy định tại Khoản 9 Điều 30 Luật Ngân sách, HĐND cấp tỉnh chỉ được quyết định cụ thể đối với một số chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi ngân sách theo quy định khung của Chính phủ; quyết định các chế độ chi ngân sách đối với một số nhiệm vụ chi có tính chất đặc thù ở địa phương ngoài các chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi ngân sách do Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành để thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn, phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách địa phương.

Chuyên gia Đinh Trọng Thịnh cho rằng, việc giao thẩm quyền này cho Thủ đô là rất cần thiết bởi Hà Nội là Thủ đô của cả nước, những yêu cầu về đầu tư, xây dựng, chỉnh trang cơ sở hạ tầng, bảo đảm an toàn vệ sinh môi trường… đòi hỏi có quy định về cơ chế tài chính bảo đảm nguồn lực thực thi thì mới có thể phát triển Thủ đô như mong muốn.

Đặc biệt, từ khi mở rộng địa giới của Hà Nội, các khoản chi của Hà Nội tăng lên đáng kể. Trong khi đó, chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi ngân sách hiện nay đã lạc hậu theo thời gian, lạc hậu so với việc phát triển của một đô thị rộng lớn, văn minh, hiện đại. Chưa kể, giá cả tiêu dùng có những biến động theo thị trường của từng địa phương, đặc biệt là các thành phố lớn.

Đây là quy định phù hợp với chủ trương đẩy mạnh phân quyền, phân cấp, tăng tính chủ động, tự chủ, tự chịu trách nhiệm của địa phương trong việc sử dụng ngân sách.