Thị trường nhạc số Việt Nam: Tiềm năng lớn, cơ hội rộng mởMới chỉ chạm tay vào "mỏ vàng"?
Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ đã tạo nên môi trường lý tưởng cho các nghệ sĩ ở khắp nơi trên thế giới thực hành nghệ thuật. Trong đó, thị trường nhạc số được coi là “mỏ vàng” dành cho tất cả mọi người. Tuy nhiên, tại Việt Nam, thị trường này vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng.
Thị trường không giới hạn
Báo cáo thống kê kỹ thuật số toàn cầu tháng 10 năm 2023 - báo cáo mới nhất của We Are Social - cho thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ ở nhiều chỉ số kỹ thuật số quan trọng trong thời gian qua. Số lượng người dùng Internet đã tăng 3,7% so với năm 2022, đạt 5,3 tỷ vào tháng 10-2023. Con số này tương đương với 65,7% dân số thế giới. Danh tính số người dùng mạng xã hội đang hoạt động đạt 4,95 tỷ vào đầu tháng 10-2023, tương đương với 61,4% tổng dân số thế giới. So với năm 2022, chỉ số này tăng thêm 4,5% nhờ có thêm 215 triệu người dùng mới.
Một thống kê khác của mạng dịch vụ Linked in cho biết, thị trường sáng tạo nội dung kỹ thuật số toàn cầu được dự đoán sẽ tăng với tốc độ đáng kể trong giai đoạn từ năm 2023 đến năm 2030. Vào năm 2023, thị trường đang tăng trưởng với tốc độ ổn định. Quy mô thị trường sáng tạo nội dung số toàn cầu được định giá là gần 16,1 tỷ USD vào năm 2022 và dự kiến sẽ đạt 28 tỷ USD vào năm 2028.
Những con số nói trên cho thấy tiềm năng to lớn của thị trường nội dung số toàn cầu. Tại Việt Nam, báo cáo của We Are Social cho biết, có khoảng 77,93 triệu người dùng Internet ở Việt Nam vào đầu năm 2023, tương đương với tỷ lệ sử dụng Internet ở mức 79,1% dân số. Việt Nam có 70 triệu người dùng mạng xã hội vào tháng 1 năm 2023, tương đương 71% tổng dân số. Đặc biệt, có tới 49,2% người dùng sử dụng Internet để nghe nhạc với thời gian nghe nhạc trung bình mỗi ngày là 1 giờ 12 phút.
Như vậy, cùng với xu hướng chung của thế giới, nội dung số nói chung và nhạc số nói riêng đang trở thành một “mỏ vàng” với các nghệ sĩ Việt Nam, nơi ai cũng có thể tiếp cận, khai thác nhờ sự hỗ trợ của công nghệ.
Ca sĩ Phan Thanh Cường, Giám đốc Công ty Cổ phần Truyền thông và Đào tạo TS - đơn vị đào tạo âm nhạc, chia sẻ: “Sự bùng nổ như vũ bão của các ngành công nghệ thông tin đã tạo ra một thị trường số hoàn toàn khác với truyền thống, nên thị trường âm nhạc cũng thay đổi. Trước kia, để tiếp cận được một sản phẩm âm nhạc phải mất rất nhiều thời gian, qua băng đĩa hoặc phương tiện truyền thanh, truyền hình... Nhưng, với sự phát triển của công nghệ hiện nay, khán giả có thể tiếp cận với những sản phẩm âm nhạc mới rất nhanh qua các nền tảng mạng xã hội. Chính vì vậy, các ca sĩ có rất nhiều thuận lợi để tiếp cận khán giả một cách trực tiếp và nhanh chóng”.
Cơ hội cho các nghệ sĩ độc lập
Những năm gần đây, nhạc Việt đã chứng kiến một số nghệ sĩ có thành tích nổi bật trong lĩnh vực nhạc số. Một số ca sĩ Việt đạt được số lượng người xem ấn tượng, trên 1 tỷ view trên YouTube như Sơn Tùng M-TP, Mỹ Tâm, Bích Phương, Hương Ly, Đen Vâu.
Bên cạnh đó, có thể thấy, nếu như trước đây, thành tích lớn thường thuộc về những ngôi sao của dòng nhạc chính thống thì thời gian gần đây, không ít nghệ sĩ độc lập (Indie) đã có tên trong các bảng xếp hạng trong nước và khu vực. Với nhạc số, họ có nhiều cơ hội hơn để sáng tạo và giới thiệu mình. Những ban nhạc còn nhiều mới lạ với công chúng, như Rắn Cạp Đuôi, Ngọt, Da LAB... gần đây cũng đã có tác phẩm xuất hiện ở top trên trong bảng xếp hạng nhạc số được nhiều người nghe nhất của nhiều nền tảng.
Điều này cho thấy cơ hội đang rộng mở với tất cả. “Nhưng để có thể nắm bắt được cơ hội đó, các nghệ sĩ cần chuẩn bị cho mình những kỹ năng cần thiết. Ngoài chuyên môn về âm nhạc thì cần có thêm kỹ năng về nền tảng số, để có thể hiểu về nó và biết cách đưa sản phẩm của mình đến gần hơn với khán giả. Nhiều bạn trẻ bây giờ rất "đa di năng", có thể tự viết nhạc, tự hòa âm phối khí, tự quay MV, tự phát hành trên các nền tảng và được rất nhiều khán giả ủng hộ, yêu mến như ca sĩ - nhạc sĩ Vinh Khuất, Mr Siro...” - ca sĩ Phan Thanh Cường chia sẻ thêm.
Để không chỉ là hiện tượng
Tuy tiềm năng lớn, cơ hội rộng mở, song thành công của các ca sĩ Việt trên nền tảng nhạc số mới chỉ mang tính hiện tượng. Rất ít nghệ sĩ sống tốt chỉ nhờ nhạc số; thu nhập của họ chủ yếu đến từ hoạt động biểu diễn trực tiếp hay quảng cáo.
Ông Nguyễn Hải Bình - Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại và Dịch vụ Truyền thông BIHACO (BH Media Corp) đánh giá: “Người Việt rất thích nghe nhạc, đam mê ca hát. Trong những năm qua, số người Việt nghe nhạc thông qua các nền tảng số tăng mạnh, tuy nhiên, thị trường nhạc số của Việt Nam đang có giá trị rất thấp so với trong khu vực, thua xa Indonesia, Thái Lan, Philippines, Malaysia, Singapore”.
Lý do chủ yếu, theo ông Bình, đó là người Việt Nam vẫn có thói quen nghe nhạc miễn phí. Tỷ lệ chuyển đổi từ người nghe miễn phí (có quảng cáo) sang trả phí (paid user) ở Việt Nam vẫn rất thấp. Nền tảng nhạc số ở Việt Nam hiện đang có tỷ lệ người nghe trả phí cao nhất cũng chỉ chiếm tới 10% trong tổng số người dùng của nền tảng này, vậy mà đã đóng góp tới gần 90% tổng doanh thu của nền tảng. Nếu tăng được tỷ lệ người nghe trả phí âm nhạc thì thị trường nhạc số Việt Nam sẽ khởi sắc. Kinh nghiệm từ Brazil, trước kia doanh thu nhạc số rất thấp do người nghe chủ yếu nghe nhạc miễn phí, nhưng vào năm 2023, thị trường nhạc số ở Brazil dự kiến sẽ tạo ra doanh thu 666,20 triệu USD.
“Là một trong những công ty hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc, BH Media đã rất nỗ lực làm việc với các nhà sản xuất, nhà phát hành, nhạc sĩ để mang tới sản phẩm âm nhạc có bản quyền cho người nghe Việt Nam. Tuy nhiên, chúng tôi cũng mong muốn thế hệ người nghe mới ở Việt Nam tăng cường nghe âm nhạc có trả phí. Hiện giờ, chi phí nghe nhạc số/tháng không quá cao so với thu nhập của người Việt. Trả tiền cho âm nhạc, người nghe sẽ được tiếp cận sản phẩm chất lượng tốt, không bị quảng cáo làm phiền và góp phần thúc đẩy công nghiệp âm nhạc phát triển” - ông Bình chia sẻ thêm.
Bên cạnh đó, theo phân tích của chuyên gia, cái khó của thị trường nhạc số hiện giờ là tình trạng vi phạm bản quyền vẫn khó kiểm soát, nhất là với các website nhạc trong nước vốn xuất phát từ các website chia sẻ nhạc không bản quyền. Cơ chế phân chia doanh thu với các chủ sở hữu nhạc của các nền tảng nhạc trong nước chưa rõ ràng và thiếu minh bạch. Các chủ sở hữu bản quyền âm nhạc, ca sĩ, tác giả vẫn thiếu các tập thể đại diện hoạt động hiệu quả để cân bằng lợi ích giữa các chủ thể như nhà sản xuất, nhạc sĩ, ca sĩ để vừa thu được tiền vừa khuyến khích phát triển sử dụng nhạc, tạo ra hệ sinh thái ngành công nghiệp âm nhạc phát triển bền vững.
Ở góc độ nghệ sĩ biểu diễn, ca sĩ Phan Thanh Cường cho rằng, còn có một khó khăn nữa liên quan tới mức độ cạnh tranh và thị hiếu của khán giả. “Với một thị trường âm nhạc phẳng và mở như vậy, bất kỳ ai cũng có thể tự gọi mình là ca sĩ, tự ra các sản phẩm. Chính vì vậy, hiện trên các trang mạng xã hội có rất nhiều bài mới ra mỗi ngày, khán giả không thể nghe hết và điều đó tạo ra một cuộc cạnh tranh khốc liệt trên thị trường nhạc số. Các nghệ sĩ có khi trình diễn rất nhiều tác phẩm hay, cả về mặt nghệ thuật lẫn cảm xúc, nhưng có khi sức hút và tầm ảnh hưởng không thể bằng một bạn nào đó làm những sản phẩm lố lăng trên mạng xã hội. Chính vì vậy, mỗi nghệ sĩ cần xác định nghiêm túc với nghề, luôn tìm tòi, học hỏi, sáng tạo những cách làm mới để luôn chảy cùng dòng chảy của thời đại” - nam ca sĩ bày tỏ.