Trồng rau, quả hữu cơ chất lượng, hiệu quả
Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Tiên Dương (xã Tiên Dương, huyện Đông Anh) là một trong những hợp tác xã đầu tiên của Hà Nội triển khai mô hình sản xuất rau hữu cơ và dán tem nhãn truy xuất nguồn gốc.
Từ những thành công đó, đến nay, hợp tác xã đã có nhiều sản phẩm rau, quả được xếp hạng 4 sao, 3 sao trong Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).
Thành lập từ năm 2017, Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Tiên Dương xác định, sản xuất hữu cơ là giải pháp bền vững trong nông nghiệp. Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Tiên Dương Phạm Thị Lý chia sẻ, để phát triển nông nghiệp hàng hóa, thì cần phải làm ra những sản phẩm thị trường cần. Đó là những sản phẩm có chất lượng, nguồn gốc rõ ràng.
Từ định hướng đó, Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Tiên Dương đã xây dựng quy trình sản xuất hữu cơ, tập huấn, hướng dẫn cho các xã viên và nông dân cùng tham gia sản xuất. “Mục đích chính là xây dựng được mô hình để hỗ trợ nông dân sản xuất theo đúng quy trình và bảo đảm tiêu chuẩn. Hợp tác xã chỉ đảm nhận vai trò hỗ trợ chuyển giao công nghệ, kiến thức về sản xuất hữu cơ cũng như giám sát chặt chẽ toàn bộ quy trình sản xuất”, bà Phạm Thị Lý cho hay.
Bà Nguyễn Thị Thơ - một trong những xã viên của hợp tác xã cho biết, trong quá trình sản xuất rau hữu cơ, hợp tác xã chỉ sử dụng những chế phẩm sinh học từ thảo dược sẵn có trong tự nhiên, thân thiện với môi trường, không độc hại cho người sử dụng. Chế phẩm sử dụng hiệu quả cả trong trồng trọt, chăn nuôi, xử lý rác thải và bảo vệ môi trường, làm tăng dưỡng chất hữu cơ vi sinh, đem lại sự cân bằng sinh thái trong đất và bảo đảm chất lượng cho sản phẩm. Với phương thức sản xuất hữu cơ, 2 sào rau với các loại cây trồng như cà chua, dưa chuột, su hào và rau ăn lá của gia đình bà luôn có chất lượng tốt, giá bán cao hơn trước. Điều quan trọng, sản xuất hữu cơ giúp sức khỏe của người sản xuất được bảo đảm và môi trường luôn sạch sẽ.
Chứng kiến quy trình gieo trồng rau, quả hữu cơ của Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Tiên Dương mới thấy rõ sự thay đổi trong tư duy sản xuất của nông dân nơi đây. Quy trình trồng rau, củ, quả được thực hiện nhiều công đoạn, như: Ủ phân chuồng, phân xanh với chế phẩm sinh học, sau đó bón vào đất để cải tạo độ cân bằng PH và chất dinh dưỡng. Ngay cả việc xua đuổi, diệt trừ côn trùng cũng bằng những loại chế phẩm sinh học.
Các loại rau, củ, quả của Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Tiên Dương đều được Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội lấy mẫu kiểm tra chất lượng và đạt đúng tiêu chuẩn. Đặc biệt, 100% sản phẩm rau ở đây sau khi thu hoạch và sơ chế, đóng gói đều được dán tem QR code, giúp người tiêu dùng dễ dàng truy xuất nguồn gốc, chất lượng sản phẩm thông qua điện thoại thông minh có kết nối internet. Hợp tác xã đã có 3 sản phẩm: Su hào, cà chua, cải bó xôi sinh học đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao. Hiện tại, toàn bộ sản phẩm rau, quả của hợp tác xã được tiêu thụ tại siêu thị, cửa hàng rau sạch và giao dịch trên các sàn thương mại điện từ về nông sản sạch.
Đánh giá về sản phẩm rau, quả hữu cơ của Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Tiên Dương, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho rằng, sản phẩm hữu cơ của hợp tác xã không chỉ đạt chứng nhận về chất lượng, mà còn đi đúng định hướng của ngành Nông nghiệp Thủ đô. Đây cũng là nhóm nông sản đạt chất lượng OCOP tiêu biểu của Hà Nội. Để thúc đẩy cho các sản phẩm OCOP Đông Anh nói riêng và Hà Nội nói chung, thành phố Hà Nội sẽ liên kết, tổ chức các sự kiện, hội chợ, hội thảo kết nối giao thương, trưng bày sản phẩm nhằm quảng bá, xúc tiến thương mại, giúp các chủ thể giới thiệu sản phẩm OCOP đến người tiêu dùng.
“Tham gia OCOP không chỉ giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất xây dựng được thương hiệu, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, mà còn duy trì, phát huy giá trị tiềm năng của các nghề, làng nghề truyền thống, đặc sản vùng, miền, tạo ra nguồn sản phẩm phong phú, chất lượng cho thị trường. Đặc biệt, nhiều sản phẩm đã xuất khẩu ra thị trường nước ngoài…”, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường nhấn mạnh.