Cho thuê căn hộ lưu trú theo giờ, ngắn ngày: Trái quy định, khó quản lý
Gần đây, việc chủ một số căn hộ chung cư trên địa bàn Hà Nội cho khách thuê căn hộ theo giờ hoặc ngắn ngày khá phổ biến. Đây là loại hình kinh doanh tương tự nhà nghỉ, khách sạn hoặc homestay đang rất được ưa chuộng hiện nay.
Tuy nhiên, hoạt động này hoàn toàn tự phát, không thông báo với chính quyền địa phương và cũng không phù hợp với quy định tại Luật Nhà ở là nghiêm cấm hành vi sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích không phải để ở; từ đó, khiến việc quản lý gặp nhiều khó khăn.
Loại hình lưu trú được ưa chuộng
Nhận điện thoại từ một người bạn ở thành phố Hồ Chí Minh nhờ thuê một căn hộ chung cư trên địa bàn quận Cầu Giấy trong 3 đêm 4 ngày, chị Nguyễn Thanh (phường Kim Mã, quận Ba Đình) nhanh chóng tìm được nhiều địa chỉ được quảng bá rộng rãi trên các website, trang mạng xã hội Facebook. Qua một công ty đầu mối cho thuê các căn hộ theo giờ, ngày, tháng, năm với đủ loại từ 1 đến 3, 4 phòng tại các vị trí đắc địa xung quanh Hà Nội như D'Capital, Keangnam, Imperia Garden, EcoPark, Penstudio Lạc Long Quân..., chị Thanh đã tìm đến một vài địa điểm.
Chị Thanh đến xem một căn hộ ở khu vực đường Trần Duy Hưng (quận Cầu Giấy) với giá thuê là 1,5 triệu đồng/đêm. Về cảm quan, chị Thanh rất ưng ý với căn hộ 2 phòng ngủ, đủ nội thất và thủ tục đặt phòng dễ dàng. Tìm thêm một vài nơi giá "mềm" hơn tại chung cư Granda Legend trên đường Hoàng Quốc Việt (quận Cầu Giấy) với giá 550.000 đồng/đêm và một vài khu chung cư khác, cuối cùng, chị “chốt” một căn hộ ưng ý với giá 750.000 đồng/đêm cho bạn tại khu vực đường Trần Thái Tông (quận Cầu Giấy).
Tương tự, chị Nguyễn Hoàng Lan (phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy) có trải nghiệm rất thú vị với một căn hộ 2 phòng ngủ tại chung cư Ocean Park (huyện Gia Lâm) vào tối thứ bảy trong tuần vừa qua. Chị Lan cho biết, việc liên hệ thuê phòng rất dễ và thủ tục rất nhanh chóng, gọn nhẹ. Với các tiện ích ở khu vực như bãi biển nhân tạo, khu vui chơi, việc thuê căn hộ ngắn ngày hoặc theo giờ tạo một "sân chơi" mới cho người dân.
Dù đây là loại hình lưu trú mới được mọi người ưa chuộng thay vì thuê nhà nghỉ, khách sạn..., đồng thời mang lại lợi nhuận cho nhiều gia đình, tuy nhiên, hoạt động cho thuê này lại gây ảnh hưởng không nhỏ đến nhiều cư dân trong khu vực.
Chị Nguyễn Hồng Hạnh, người dân sống tại tòa nhà Keangnam (quận Nam Từ Liêm) cho biết, gần đây, Bộ Công an đã cảnh báo tình trạng một số đối tượng đã thuê sàn chung cư để cải tạo, cho các đối tượng thuê để “bay lắc” với giá 2-5 triệu đồng/phòng/ca (12 giờ). Như vậy, việc cho thuê này nếu không được quản lý, ghi rõ lịch sử người đến, người đi chặt chẽ thì khó mà giám sát được và vi phạm có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Hoàn toàn tự phát
Trao đổi về vấn đề này, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Đính khẳng định, Luật Nhà ở không cho phép việc sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích không phải để ở. Do đó, cá nhân, đơn vị kinh doanh cho thuê căn hộ theo giờ, ngắn ngày đều không được cơ quan chức năng nào cấp phép. Việc cho thuê căn hộ theo giờ, ngắn ngày hiện nay là hoàn toàn tự phát, không thông báo với chính quyền địa phương nên gây khó khăn cho công tác quản lý của các cơ quan chức năng.
Đối với các cư dân, việc xuất hiện nhiều người đến và đi trong ngày gây quá tải hạ tầng, ảnh hưởng đến chất lượng sống, an ninh khu vực cũng khó được bảo đảm. Nghiêm trọng hơn, việc thuê theo giờ tạo điều kiện cho nhiều đối tượng lợi dụng để hoạt động ma túy, mại dâm, hành vi lừa đảo công nghệ cao và sự cố khác có thể xảy ra.
Về phía chính quyền địa phương, Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Nam Từ Liêm Hoàng Minh Hải cho biết, UBND quận đã có công văn yêu cầu các phường tăng cường tuyên truyền, nhắc nhở cư dân không cho thuê, kinh doanh ngoài mục đích để ở. Đồng thời, quận cũng yêu cầu lực lượng công an các phường thực hiện tốt vai trò quản lý địa bàn tại các chung cư, phối hợp chặt chẽ giữa cảnh sát khu vực và ban quản lý chung cư trong công tác kiểm tra hành chính, nắm thông tin và quản lý người thuê nhà, mục đích sử dụng thực tế của căn hộ.
Còn theo Phó Chủ tịch UBND phường Trung Hòa (quận Cầu Giấy) Nguyễn Mạnh Hùng, phường đã cử cán bộ đi kiểm tra tại các căn hộ chung cư để ở, nếu phát hiện có tình trạng kinh doanh thì sẽ xử lý nghiêm theo quy định. Tuy nhiên, công tác kiểm tra hành chính gặp nhiều khó khăn do việc không thể liên lạc với chủ nhà.
Khoản 3 Điều 48 và Khoản 2 Điều 49 Thông tư số 02/2016/TT-BXD của Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư nêu rõ, trách nhiệm của UBND cấp phường là tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân chấp hành quy định của quy chế này và pháp luật về quản lý, sử dụng nhà chung cư; đồng thời theo dõi, kiểm tra, giải quyết các vướng mắc phát sinh trong công tác quản lý, sử dụng nhà chung cư theo thẩm quyền hoặc báo cáo UBND cấp quận xem xét, giải quyết.
Do vậy, bên cạnh trách nhiệm của cấp chính quyền cơ sở, các cư dân cũng cần tham gia vào việc hạn chế tình trạng trên. Khi phát hiện có hành vi vi phạm trong quản lý, sử dụng nhà chung cư, cần phản ánh ngay đến UBND cấp phường, quận để kịp thời xử lý theo thẩm quyền. Qua đó, phần nào tháo gỡ khó khăn trong xử lý vi phạm cho thuê ngắn ngày, qua đêm tại các căn hộ chung cư đang hoạt động tự phát hiện nay.