Nông nghiệp - Nông thôn

Để không lãng phí "bờ xôi, ruộng mật": Cần đổi mới tư duy, nâng cao giá trị sản xuấtBài cuối: Tư duy và hướng tiếp cận mới

Nhóm phóng viên 10/11/2023 - 06:11

Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội giai đoạn 2021-2025 đề ra mục tiêu, “hướng tới phát triển nông nghiệp thông minh, công nghệ cao, hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu”…

Để hiện thực hóa mục tiêu này, đồng thời giúp nông nghiệp của Thủ đô phát triển mạnh mẽ hơn, trở thành hình mẫu của cả nước, luôn cần tư duy và hướng tiếp cận mới. Thành phố Hà Nội đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, như: Cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn; phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ gắn với chế biến; tăng cường liên kết; tháo gỡ vướng mắc về chính sách…

lua-chin.jpg
Kiểm tra vùng trồng lúa chất lượng cao của Hợp tác xã Sản xuất, kinh doanh nông nghiệp Đoàn Kết (huyện Ứng Hòa). Ảnh: Bạch Thanh

Phát triển nông nghiệp Hà Nội theo hướng đô thị

Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025” xác định mục tiêu chuyển đổi nông nghiệp từ "tư duy sản xuất" sang "tư duy kinh tế", hướng tới giá trị an toàn, bền vững. Hà Nội cũng xác định sản xuất nông nghiệp sẽ tập trung phục vụ thị trường, thị hiếu của người dân Thủ đô.

Nhấn mạnh nông nghiệp Thủ đô phải có sự khác biệt, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đã gợi ý một số mô hình khởi nghiệp trong nông nghiệp để Hà Nội có thể nghiên cứu triển khai, như: “Trung tâm Đổi mới, sáng tạo và kết hợp thương mại, dịch vụ ngành hàng”, “Trung tâm Giáo dục nông nghiệp, hướng nghiệp nông nghiệp”, “Trung tâm Du lịch sinh thái và giáo dục môi trường, vườn quốc gia”... Thậm chí, thành phố Hà Nội có thể phát triển “Cụm liên kết ngành nông - công nghiệp”, gồm khu công nghiệp chế biến, doanh nghiệp sản xuất nguyên liệu đầu vào, doanh nghiệp logistics, xuất khẩu, viện nghiên cứu nông nghiệp, trung tâm đào tạo nhân lực phục vụ nông nghiệp...

“Mô hình bất động sản nông nghiệp” là tổ hợp bất động sản vừa có chức năng ở, vừa có chức năng sản xuất nông nghiệp đô thị quy mô gia đình. “Mô hình sàn giao dịch thị trường cho thuê đất” là cách tiếp cận của nhiều quốc gia nhằm tận dụng đất nông nghiệp khi nhiều gia đình có nhu cầu cho thuê trong ngắn hạn để chuyển sang công việc khác.

Đồng thời, liên kết các hợp tác xã để hình thành liên hiệp hợp tác xã đa ngành: Trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, hạ tầng logistics, bảo quản, chế biến, hướng đến nền kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp thông qua liên kết với các chủ thể doanh nghiệp…

“Dư địa phát triển “tam nông” của Hà Nội vẫn còn rất lớn. Do vậy, thành phố cần khai thác tiềm năng riêng có của mình trên cơ sở đổi mới tư duy triển khai và cách thức tiếp cận. Bộ NN&PTNT sẽ đồng hành với Hà Nội kiến tạo những không gian phát triển mới cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn…”, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan khẳng định.

Còn theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền, Hà Nội đã và đang đặt hàng các nhà khoa học, viện nghiên cứu, học viện… hỗ trợ thành phố tập trung vào sản xuất các lĩnh vực chủ lực trong nông nghiệp. Đối với chăn nuôi, tập trung vào phát triển con giống để cung cấp giống cho cả nước. Hà Nội định hướng cung cấp giống bò, lợn, gà… cho các địa phương nhằm tạo chuỗi liên kết; cung cấp giống cho các tỉnh để chăn nuôi và đưa sản phẩm về Thủ đô.

Còn về trồng trọt, Hà Nội tập trung phát triển nông nghiệp hàng hóa, như lúa, rau đặc trưng… Nông nghiệp sẽ phát triển theo hướng hữu cơ, thích ứng tự nhiên, tạo sản phẩm mùa vụ bền vững. Hiện tại, nhiều vùng trồng lúa còn khó khăn về nguồn nước tưới. Thành phố giao Sở NN&PTNT Hà Nội rà soát số diện tích này để chuyển đổi sang cây trồng khác.

Đồng bộ về cơ chế, chính sách

Để thúc đẩy phát triển, UBND thành phố Hà Nội đề nghị các địa phương tập trung triển khai các giải pháp tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Thành phố lưu ý các địa phương cần hiểu được mỗi tấc đất phù hợp với loại cây trồng gì, nuôi con gì hiệu quả để có định hướng rõ ràng và có cơ chế, chính sách hỗ trợ phù hợp. Thành phố Hà Nội cũng kiến nghị các bộ, ngành trung ương có giải pháp tháo gỡ khó khăn về chính sách đất đai.

Liên quan đến vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Thị Tám (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) cho rằng, cần hoàn thiện chính sách đất đai trong nông nghiệp theo hướng khuyến khích tích tụ, tập trung đất nông nghiệp, bổ sung quy định về hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp cho phù hợp với yêu cầu sản xuất hàng hóa lớn trong nông nghiệp (Điều 129 và Điều 130, Luật Đất đai năm 2013); mở rộng hạn mức nhận chuyển nhượng, tặng, cho quyền sử dụng đất đối với từng loại đất nông nghiệp, phù hợp với thực tiễn sản xuất của từng vùng; cho phép các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước có đủ tiềm lực về vốn, công nghệ được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp (Điều 191, Luật Đất đai năm 2013). Qua đó, góp phần phát triển sản xuất hàng hóa lớn, hiện đại, tránh tình trạng bỏ hoang đất nông nghiệp.

Trong những năm qua, vấn đề phát triển nông nghiệp, nông thôn của Hà Nội luôn được Thành ủy đặc biệt quan tâm. Cụ thể, trong 3 kỳ Đại hội của Đảng bộ thành phố Hà Nội gần đây, Thành ủy đều có Chương trình riêng về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Trong 2 nhiệm kỳ 2011-2015 và 2016-2020, Thành ủy Hà Nội đã ban hành 2 chương trình công tác trọng tâm toàn khóa đều lấy tên là Chương trình số 02-CTr/TU với nội dung trọng tâm về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân”. Còn giai đoạn 2021-2025, Thành ủy tiếp tục ban hành Chương trình số 04-CTr/TU về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025”.

Trên cơ sở chỉ đạo của Thành ủy, HĐND và UBND thành phố Hà Nội đã kịp thời ban hành, triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ, nhằm thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống cho nông dân. Cụ thể, HĐND thành phố Hà Nội đã ban hành 6 nghị quyết về các chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn. UBND thành phố phê duyệt 8 quy hoạch tổng thể và chuyên ngành trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2020 và định hướng đến 2030. Cùng với đó là hơn 20 chương trình, đề án, dự án, kế hoạch trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn; 3 chiến lược phát triển nông nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Qua các chương trình, đề án, Hà Nội đã đầu tư hàng trăm nghìn tỷ đồng cho khu vực nông nghiệp, nông thôn.

Hiện tại, thành phố Hà Nội đang kiến nghị Chính phủ về việc sửa đổi Luật Thủ đô và Luật Đất đai. Trong đó, về sửa đổi Luật Thủ đô, UBND thành phố Hà Nội đã đề xuất 13 nội dung về lĩnh vực NN&PTNT. Chẳng hạn, luật cần cho phép UBND thành phố Hà Nội quyết định về việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất trên đất trồng lúa sang trồng cây hằng năm, cây lâu năm, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và các hoạt động sản xuất nông nghiệp khác; quy định việc góp quyền sử dụng đất, cho thuê quyền sử dụng đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong các trường hợp tập trung đất nông nghiệp để thực hiện sản xuất nông nghiệp.

Hay như HĐND thành phố Hà Nội được quy định phạm vi, đối tượng, nội dung, mức hỗ trợ cao hơn và ngoài các quy định của trung ương ban hành đối với các nội dung về giống, chuyển giao công nghệ trong sản xuất giống…

Như vậy có thể thấy, việc triển khai đồng bộ các giải pháp của các cấp, ngành, địa phương cùng với quyết tâm đổi mới tư duy sản xuất của nông dân sẽ là “chìa khóa” giúp ngành Nông nghiệp Hà Nội tận dụng mọi tiềm năng, lợi thế để gia tăng giá trị sản xuất, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân khu vực nông thôn.