Xác định tỷ lệ vốn Nhà nước trong dự án PPP khó và nhạy cảm
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, việc nâng tỷ lệ vốn Nhà nước trong các dự án PPP là vấn đề cần cân nhắc. Qua tính toán cho thấy mức 70 - 75% là hợp lý, tuy nhiên một số dự án có thể cao hơn.
Tháo gỡ vướng mắc trong đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ
Sáng 9-11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ sáu, các đại biểu thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ.
Bày tỏ nhất trí với sự cần thiết phải ban hành Nghị quyết của Quốc hội về vấn đề này nhằm kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong triển khai thực tế, đại biểu Nguyễn Phi Thường (Đoàn Hà Nội) cơ bản nhất trí với 5 nhóm cơ chế, chính sách trong dự thảo.
Đại biểu nêu, sau hơn 1 năm kể từ khi Quốc hội thông qua chủ trương, dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, dự án đường bộ có tính chất liên vùng, quy mô lớn, đa dạng hình thức và nguồn vốn - đã và đang được triển khai rất tích cực.
Từ thực tế triển khai dự án, đại biểu nêu một số khó khăn, vướng mắc khi triển khai thực hiện tiểu dự án đầu tư công trong dự án đối tác công tư (PPP) chưa thống nhất giữa Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Luật PPP) và Nghị định số 35/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật PPP. Cụ thể, chưa thống nhất về cơ quan lập thiết kế sau thiết kế cơ sở và dự toán đối với tiểu dự án sử dụng vốn đầu tư công.
Với đặc thù dự án công trình giao thông đường bộ đi qua nhiều địa phương, tương ứng với các chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng khác nhau, đan xen nguồn vốn khác nhau sẽ làm dự án khó thực hiện; gây khó khăn cho các cơ quan chủ quản trong quá trình triển khai các hạng mục dự án.
Do đó, đại biểu đề nghị cần cập nhật bổ sung cơ chế đối với loại dự án theo hướng tách nội dung bồi thường hỗ trợ tái định cư giải phóng mặt bằng thành dự án thành phần hoặc tiểu dự án trong dự án tổng thể, giao các địa phương có tuyến đường đi qua thực hiện.
Qua thảo luận, nhiều ý kiến đại biểu thống nhất với thẩm quyền và sự cần thiết ban hành Nghị quyết. Tuy nhiên, còn có một số ý kiến quan ngại, chưa đồng thuận việc ban hành một số chính sách, băn khoăn về tính đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Nhiều đại biểu đề nghị bổ sung hoàn thiện các nguyên tắc, tiêu chí lựa chọn, tiêu chí thí điểm để thực sự lựa chọn được những dự án cấp bách, cần thiết, tránh thất thoát, lãng phí, kém hiệu quả hoặc hoàn thiện bổ sung nguyên tắc tiêu chí liên quan đến năng lực quản lý của địa phương, nguồn vốn thực hiện dự án, cơ quan đề xuất dự án thí điểm, trách nhiệm triển khai chính sách thí điểm…
Phát biểu làm rõ các vấn đề đại biểu nêu, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia vào dự án PPP là vấn đề khó và nhạy cảm. Việc nâng tỷ lệ vốn Nhà nước trong các dự án là vấn đề cần cân nhắc. Qua tính toán cho thấy mức 70 -75% là hợp lý. Tuy nhiên, một số dự án có thể cao hơn, tùy khả năng cân đối vốn của Nhà nước. Bộ trưởng cho biết sẽ tiếp thu các ý kiến đại biểu Quốc hội để trong thời gian tới rà soát nghiên cứu sửa đổi Luật PPP.
Cần thiết gia hạn thời gian cho dự án
Cũng trong sáng nay, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết số 53/2017/QH14 ngày 24-11-2017 của Quốc hội về báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Qua 7 ý kiến phát biểu, 3 ý kiến tranh luận, đa số các đại biểu thống nhất cần điều chỉnh thời gian thực hiện dự án. Đại biểu Trần Văn Tiến (đoàn Vĩnh Phúc) cho rằng, thời hạn thực hiện dự án đã hết nhưng công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) chưa xong. Do đó, nếu không gia hạn về thời gian thực hiện sẽ không có mặt bằng để xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Ngoài ra, thời gian giải ngân vốn cũng đã hết trong khi nhiều dự thành phần chưa hoàn thành, nếu không kéo dài thời gian giải ngân thì nhiều công trình đầu tư xây dựng sẽ dở dang.
Ông Tiến cũng đồng tình với đề xuất điều chỉnh thời gian thực hiện dự án đến hết năm 2024, vì năm 2023 sắp kết thúc và công tác GPMB càng về sau càng khó khăn nên phải có nhiều cố gắng thì cuối năm 2024 mới hoàn thành.
Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng, việc đề xuất Quốc hội cho phép điều chỉnh một số chỉ tiêu của dự án là cơ sở pháp lý để có thể tiếp tục triển khai hoàn thành dự án.
Chia sẻ với Chính phủ cũng như tỉnh Đồng Nai vì dự án sân bay Long Thành là một công trình trọng điểm quốc gia có vai trò vô cùng quan trọng, bà Nguyễn Thị Mai Hoa nhìn nhận, bất cứ dự án đầu tư nào, quá trình thực hiện sẽ khó khớp với kế hoạch ban đầu.
Đồng ý với chủ trương điều chỉnh nội dung Nghị quyết 53/2017/QH14 của Quốc hội, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) đề nghị đánh giá sát hơn về nguyên nhân dự án chậm tiến độ, đặc biệt là nguyên nhân chủ quan. Từ đó, có biện pháp khắc phục hiệu quả, tránh việc đã gia hạn rồi nhưng vẫn tiếp tục chậm trễ trong thời gian tới.
Phát biểu giải trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng nêu, sau khi được Quốc hội cho phép kéo dài thời gian thực hiện, UBND tỉnh Đồng Nai sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để khẩn trương có các giải pháp xử lý dứt điểm.
Theo Bộ trưởng, UBND tỉnh Đồng Nai cũng đã yêu cầu các chủ đầu tư lập tiến độ thi công tổng thể, chi tiết, theo dõi, đôn đốc kịp thời, và có các biện pháp tăng cường. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ theo dõi sát sao, kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo theo các nội dung Nghị quyết của Quốc hội để tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc, góp phần để dự án triển khai đúng tiến độ.
Sau phiên thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ khẩn trương chỉ đạo cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra và các cơ quan có liên quan nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ các ý kiến tham gia để xây dựng báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý các nội dung trình Quốc hội xem xét, thông qua.