Văn nghệ

Văn Cao - cây đại thụ văn học, nghệ thuật nước nhà

An Nhi 08/11/2023 - 15:27

Văn Cao - tác giả của bài “Tiến quân ca” - Quốc ca Việt Nam, là một nghệ sĩ lớn, một chiến sĩ cách mạng. Ông đóng góp trên nhiều lĩnh vực văn học, nghệ thuật nước nhà, từ âm nhạc đến hội họa, thơ ca, lĩnh vực nào cũng đạt đỉnh cao, để lại dấu ấn sâu đậm.

Ngày 8-11, hội thảo với chủ đề “Thế giới nhạc, họa, thơ của Văn Cao” do Báo Nhân Dân và Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật trung ương phối hợp với Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức, nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh nhạc sĩ, họa sĩ, nhà thơ Văn Cao (15/11/1923 - 15/11/2023).

toan-canh-hoi-thao.jpg
Quang cảnh hội thảo.

Nhà báo Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; PGS.TS, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật trung ương; đồng chí Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì hội thảo.

Cây đại thụ của nền văn học, nghệ thuật cách mạng

Nhạc sĩ, họa sĩ, nhà thơ Văn Cao tên đầy đủ là Nguyễn Văn Cao, sinh năm 1923 tại Hải Phòng, mất năm 1995, tại Hà Nội. Với tài năng thiên bẩm, cùng sự tự học, tự rèn, đổi mới, sáng tạo, bứt phá, Văn Cao đã có những cống hiến to lớn đối với nền văn hóa, văn học, nghệ thuật nước nhà ở cả ba lĩnh vực âm nhạc, thơ và hội họa.

Ông được Nhà nước trao tặng các phần thưởng cao quý: Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Độc lập hạng Ba, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật (đợt 1, năm 1996). Tên ông cũng được đặt cho nhiều đường phố ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Nam Định, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng...

nguyen-the-ky.jpg
PGS.TS, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật trung ương đề dẫn hội thảo.

Tại hội thảo, PGS.TS, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật trung ương khẳng định: “Với tài năng đa dạng, độc đáo, nhiều chiều kích, tích hợp nhuần nhuyễn giữa tư duy, thẩm mỹ, bút pháp; giữa hiện thực đời sống, sự cảm nhận, tri nhận và nghệ thuật biểu đạt; giữa âm nhạc - hội họa - thơ văn, Văn Cao được nhiều người khẳng định là một hiện tượng hết sức đặc biệt và hiếm có trong lịch sử văn nghệ Việt Nam hiện đại.

Gọi ông là nghệ sĩ thiên tài cũng không có gì là ngoa ngôn, quá lời. Những sáng tác của Văn Cao, nhất là âm nhạc và thơ ca, tuy không dồi dào về số lượng nhưng tạo dấu ấn mạnh mẽ về chất lượng, có tác dụng khai mở, định hướng và đặt nền cho sự phát triển của đời sống văn nghệ Việt Nam hiện đại”.

Cánh chim đầu đàn của âm nhạc chuyên nghiệp

Nhạc sĩ Văn Cao được tiếp xúc với âm nhạc phương Tây từ nhỏ, khi học tại Trường Bonnal và Trường dòng Saint-Joseph (Hải Phòng). Ca khúc đầu tiên ông viết năm 16 tuổi là “Buồn tàn thu”, sau đó là các ca khúc lãng mạn, trữ tình như “Bến xuân”, “Suối mơ”, “Thiên thai”, “Trương Chi”, “Thu cô liêu”, “Cung đàn xưa”…

tang-tranh.jpg
Tổng Biên tập Báo Nhân Dân Lê Quốc Minh và Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật trung ương Nguyễn Thế Kỷ trao tặng đại diện gia đình nhạc sĩ Văn Cao bức tranh đồng khắc họa chân dung nhạc sĩ và bản nhạc bài hát “Mùa xuân đầu tiên”.

Năm 1944, Văn Cao tham gia Việt Minh. Với bài hát “Tiến quân ca” cuối năm đó, ông đã có bước chuyển lớn lao từ phong cách lãng mạn, trữ tình và cả hiện thực phê phán sang phong cách cách mạng - kháng chiến cả trong nhạc, họa và thơ. Từ năm 1945 trở đi, ông viết “Bắc Sơn”, rồi các ca khúc, hành khúc như “Hải quân Việt Nam”, “Không quân Việt Nam”, “Công nhân Việt Nam”, “Chiến sĩ Việt Nam”; tiếp đó là “Làng tôi”, “Ngày mùa”, “Tiến về Hà Nội”, “Ca ngợi Hồ Chủ tịch”, “Trường ca sông Lô”; sau này là ca khúc “Mùa xuân đầu tiên”...

Phân tích về tác phẩm “Tiến quân ca”, nhạc sĩ Doãn Nho khẳng định, ca khúc được viết từ trái tim của một chiến sĩ cách mạng thực thụ. “Tôi nhớ tại Paris (Pháp) có cuộc bình chọn những bài quốc ca hay nhất thế giới thì một trong những bài đứng đầu là Quốc ca Việt Nam. Đơn giản vì ngoài yếu tố lời ca tiếng Việt còn một yếu tố quan trọng nữa, đó là ca khúc được xây dựng trên thang âm ngũ cung”, nhạc sĩ Doãn Nho nói.

phong-le.jpg
Giáo sư Phong Lê tham luận tại hội thảo.

Bên cạnh âm nhạc, Văn Cao còn xuất sắc ở các lĩnh vực hội họa và thơ. Tại hội thảo, nhiều ý kiến phân tích sâu hơn về các tác phẩm trong các lĩnh vực này của nghệ sĩ đa tài này.

Giáo sư Phong Lê nhận định, bên cạnh tư cách một nhạc sĩ lớn, Văn Cao còn là một nhà thơ lớn. Ông là tác giả của không ít bài thơ “làm tổ” được trong lòng bạn đọc nhiều thế hệ. Một số bài thơ rất được người đọc nhớ và thuộc trước 1945 như “Quê lòng”, “Đêm mưa”, “Ai về Kinh Bắc”, “Một đêm đàn lạnh trên sông Huế”, “Chiếc xe xác đi qua phường Dạ Lạc”...

Sau thơ, còn là văn xuôi, với các truyện ngắn mà một số đã được đăng trên Tiểu thuyết thứ bảy - năm 1943, như “Dọn nhà”, “Siêu nước nóng”…

tham-quan-trien-lam.jpg
Các đại biểu tham quan trưng bày bộ sưu tập 100 bức minh họa và 100 bìa sách do nhạc sĩ, họa sĩ, nhà thơ Văn Cao vẽ.

Hội thảo cũng ghi nhận nhiều ý kiến phân tích những phẩm chất, tài năng xuất chúng của Văn Cao; lý giải mạch nguồn làm nên phẩm chất, tài năng ấy; những đặc điểm, giá trị nội dung, tư tưởng, nghệ thuật các tác phẩm của Văn Cao ở các giai đoạn, trong các lĩnh vực nhạc, họa, thơ để thấy rõ hơn, sâu sắc hơn về tài năng thiên bẩm và những nỗ lực sáng tạo, khai phá, đổi mới trong nghệ thuật của Văn Cao.

Theo Ban tổ chức, kết quả của hội thảo là cơ sở để xây dựng các luận cứ khoa học tư vấn giúp Đảng và Nhà nước xây dựng những chủ trương, chính sách và có những biện pháp phù hợp trong việc ghi nhận, tôn vinh và bảo tồn những tác phẩm vô giá, những cống hiến lớn lao của Văn Cao nói riêng và các văn nghệ sĩ nói chung; giữ gìn và phát huy giá trị của những tác phẩm văn học, nghệ thuật trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.