Giáo dục

Hội đồng trường là cơ quan thực quyền cao nhất của trường đại học

Đình Hiệp 08/11/2023 - 12:25

Sáng 8-11, Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội nghị lấy ý kiến đóng góp Đề án và khung quy chế mẫu phối hợp giữa cấp ủy và Hội đồng trường, Ban Giám hiệu các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố Hà Nội.

p-2.jpg
Toàn cảnh hội nghị.

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong chủ trì và phát biểu chỉ đạo hội nghị.

Tham dự có Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo cùng gần 150 đại biểu đại diện cho 77 trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố.

Toàn thành phố có 65/77 trường thành lập Hội đồng trường

Trình bày báo cáo đề dẫn hội nghị, Phó Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Triệu Thị Ngọc cho biết, Luật Giáo dục Đại học và Luật Giáo dục Nghề nghiệp quy định cơ cấu tổ chức của đại học, trường đại học, trường cao đẳng gồm: Hội đồng đại học (Hội đồng trường), Giám đốc, Phó Giám đốc (Hiệu trưởng, Phó Hiệu trường), các trường thành viên (nếu có), các khoa, phòng, đơn vị trực thuộc…

p-3.jpg
Phó Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Triệu Thị Ngọc trình bày báo cáo đề dẫn.

Đảng bộ, chi bộ cơ sở trong các trường đại học, cao đẳng có nhiệm vụ lãnh đạo xây dựng và thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, công tác chuyên môn của đơn vị theo đúng đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Đồng thời, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, đảng viên, viên chức, người lao động; lãnh đạo việc xây dựng và thực hiện chủ trương về kiện toàn tổ chức, sắp xếp bộ máy và quy chế hoạt động của đơn vị…

Trong đó, Nghị quyết số 19-NQ/TƯ ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương đã xác định: “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả cơ chế hội đồng trường trong các trường đại học theo hướng, Hội đồng trường là cơ quan thực quyền cao nhất của trường đại học; Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch Hội đồng trường”.

Hiện nay, Đảng bộ thành phố có 77 tổ chức đảng thuộc mô hình các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn, thuộc 2 đảng bộ cấp trên cơ sở. Cụ thể, Đảng ủy Khối các trường Đại học, cao đẳng có 68 tổ chức cơ sở Đảng thuộc mô hình các trường đại học, cao đẳng với gần 20.588 đảng viên, các trường trực thuộc 11 bộ, ngành và UBND thành phố Hà Nội. Đảng ủy Đại học Quốc gia Hà Nội có 9 tổ chức cơ sở Đảng tại các trường thành viên trực thuộc với 2.145 đảng viên.

Tính đến ngày 30-9-2023, toàn thành phố có 65/77 trường đã thành lập Hội đồng trường với 3 mô hình: 26 trường có Bí thư là Chủ tịch Hội đồng trường; 30 trường có Bí thư là Hiệu trưởng; 4 trường Bí thư vừa là Chủ tịch Hội đồng trường vừa là Hiệu trưởng; 5 trường có mô hình khác. Hội đồng trường các trường có 1.063 thành viên, trong đó số thành viên tham gia cấp ủy là 420 đồng chí.

Thời gian qua, từ khi thực hiện Nghị quyết số 19 đến nay, bám sát chỉ đạo của Thành ủy, nhiều trường đã chủ động xây dựng quy chế làm việc, quy chế phối hợp, quy định mối quan hệ công tác giữa cấp ủy với Hội đồng trường, Ban Giám hiệu để tổ chức, triển khai thực hiện. Cấp ủy, tổ chức đảng các trường đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng đào tạo; tập trung chỉ đạo xây dựng chương trình, kế hoạch, thực hiện Nghị quyết của Đảng, nghị quyết Hội đồng trường.

Đến nay đã có 61/77 trường xây dựng và ban hành thực hiện quy chế phối hợp giữa cấp ủy với Hội đồng trường, Ban Giám hiệu (Hiệu trưởng). Trong quá trình triển khai, công tác phối hợp của cấp ủy với Hội đồng trường, Ban Giám hiệu được thực hiện trên nguyên tắc Đảng lãnh đạo toàn diện, Hội đồng trường với chức năng quản trị, Ban Giám hiệu quản lý và điều hành nhà trường.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, trong quá trình thực hiện mối quan hệ giữa cấp ủy, Hội đồng trường, Ban Giám hiệu trong thực tế còn nhiều nội dung chưa rõ, còn chồng chéo, chưa quy định rõ vai trò của từng chủ thể hoặc còn thiếu đồng bộ. Cùng với đó, phương thức phối hợp còn lỏng lẻo, chưa thống nhất trong việc triển khai nhiệm vụ từ cấp ủy, Hội đồng trường đến tổ chức thực hiện của Ban giám hiệu.

p-4.jpg
Đại diện lãnh đạo Đại học Bách Khoa Hà Nội phát biểu tại hội nghị.

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, đóng góp ý kiến vào 2 dự thảo văn bản: Dự thảo Đề án “Nâng cao chất lượng công tác phối hợp giữa cấp ủy với Hội đồng trường, Ban giám hiệu các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố Hà Nội trong tình hình mới”; Khung quy chế mẫu “Phối hợp giữa cấp ủy với Hội đồng trường, Ban Giám hiệu các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố Hà Nội”.

Khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng

Phát biểu tại hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho biết, để vận hành hoạt động của các trường trong phù hợp với thực tiễn cần thiết phải xây dựng được quy chế làm việc, quy chế phối hợp giữa cấp ủy, Hội đồng trường, Ban Giám hiệu một cách hài hòa, không chồng chéo và rõ chức năng, nhiệm vụ. Từ đó góp phần nâng cao chất lượng công tác giáo dục của các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn Thủ đô trong tình hình mới.

p-1.jpg
Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong phát biểu tại hội nghị.

Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho biết, để vận hành hoạt động của các trường trong phù hợp với thực tiễn cần thiết phải xây dựng được quy chế làm việc, quy chế phối hợp giữa cấp ủy, Hội đồng trường, Ban Giám hiệu một cách hài hòa, không chồng chéo và rõ chức năng, nhiệm vụ. Từ đó góp phần nâng cao chất lượng công tác giáo dục trong tình hình mới.

Hiện nay các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố đang trực thuộc nhiều bộ, ngành khác nhau, nên việc phối hợp càng có ý nghĩa quan trọng. Tuy nhiên, cơ chế phối hợp giữa cấp ủy và Hội đồng trường, Ban Giám hiệu các trường đại học, cao đẳng chưa hiệu quả. Trên cơ sở đó, đồng chí Nguyễn Văn Phong đề nghị Ban Tổ chức Thành ủy phối hợp với các đơn vị đánh giá những thành công và hạn chế của mô hình Hội đồng trường, qua đó kiến nghị cấp trên tháo gỡ bất cập từ thực tiễn.

Đánh giá cao 14 ý kiến phát biểu tại hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy cho biết, các ý kiến trao đổi, thảo luận, chia sẻ của các đồng chí đang đảm nhiệm các chức danh Bí thư cấp ủy, Chủ tịch Hội đồng trường, Hiệu trưởng các trường đóng góp vào dự thảo 2 văn bản nêu trên tại hội nghị sẽ là những căn cứ rất quan trọng để Ban tổ chức hội nghị tiếp thu, tổng hợp để hoàn thiện Đề án, Khung quy chế mẫu và lấy ý kiến các trường một lần nữa trước khi hoàn thiện báo cáo Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy xem xét, ban hành trong thời gian tới.

“Dù có quy chế mẫu, nhưng điều quan trọng nhất vẫn là sự chủ động, tự giác của các đơn vị, trong đó đề cao vai trò của người đứng đầu các trường. Vì thế, các đơn vị cần làm tốt công tác giáo dục lý luận chính trị, tư tưởng, xây dựng đoàn kết trong các trường. Có như vậy, việc xây dựng mô hình Hội đồng trường mới hiệu quả, góp phần thúc đẩy sự phát triển của các trường đại học trong tình hình mới hiện nay” - đồng chí Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh.