Quỹ Khuyến nông - điểm tựa cho nông dân
Trong những năm qua, Quỹ Khuyến nông thành phố Hà Nội đã cho hàng nghìn hộ dân vay vốn để phát triển sản xuất, vươn lên làm giàu.
Để nâng cao hơn nữa hiệu quả vận hành, quản lý, qua đó trở thành điểm tựa cho nông dân Thủ đô, Quỹ Khuyến nông cần sớm được tháo gỡ một số khó khăn, giúp nhiều hộ được vay vốn mở rộng quy mô sản xuất.
Vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc
Nhờ nguồn vốn vay từ Quỹ Khuyến nông Hà Nội, nhiều nông dân, chủ trang trại trên địa bàn thành phố có thêm cơ hội phát triển sản xuất, kinh doanh cho hiệu quả kinh tế cao. Ông Giang Văn Mạnh ở xã Liên Hiệp (huyện Phúc Thọ) cho biết, trang trại của gia đình ông được vay vốn 300 triệu đồng từ Quỹ Khuyến nông thành phố để nuôi gà đẻ trứng, với quy mô chuồng trại 1.000m2. Trang trại đang duy trì nuôi hơn 1.000 gà đẻ trứng và 2.000 gà hậu bị, trung bình mỗi ngày cho thu 700 quả trứng, với giá bán 3.500 đồng/quả. “Nhờ có Quỹ Khuyến nông Hà Nội, mà các trang trại chăn nuôi trên địa bàn thành phố như trang trại của gia đình tôi có thêm nguồn vốn với lãi suất ưu đãi để mở rộng quy mô sản xuất”, ông Mạnh cho biết thêm.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai quỹ vẫn còn những khó khăn, vướng mắc. Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Thanh Oai Nguyễn Văn Khiêm cho biết, do quy định của Quỹ Khuyến nông chỉ cho vay với phần vốn lưu động (giống, thức ăn, vật tư, máy móc), không cho vay phát triển cơ sở hạ tầng, nên phần lớn các hộ vay để chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản. Ngoài ra, chưa có mô hình nông nghiệp công nghệ cao nào được vay vốn, vì hạn mức cho vay rất thấp so với đầu tư cho cơ sở hạ tầng của các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (không quá 500 triệu đồng/dự án).
Còn theo Trưởng phòng Quản lý Quỹ Khuyến nông (Trung tâm Khuyến nông Hà Nội) Nguyễn Duy Nam, hồ sơ vay vốn phải thực hiện nhiều thủ tục, thời gian hoàn thiện hồ sơ thế chấp tài sản của một số hộ dân kéo dài, nên ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân. Một số tiểu ban của Quỹ Khuyến nông chưa làm tốt công tác tuyên truyền, giới thiệu về quỹ, nhất là nguồn vốn cho vay cơ giới hóa. Vì nghiệp vụ tín dụng của một số cán bộ quản lý Quỹ Khuyến nông còn hạn chế nên ảnh hưởng đến kết quả giải ngân, thu hồi vốn. Ngoài ra, thời hạn thuê đất sản xuất ngắn, ảnh hưởng đến việc đầu tư sản xuất của các hộ khi tiếp cận với nguồn vốn của Quỹ Khuyến nông.
Tăng cường quản lý các hộ vay vốn
Nguồn vốn Quỹ Khuyến nông thành phố đã góp phần không nhỏ trong định hướng phát triển sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi cho người dân khu vực nông thôn. Tuy nhiên, Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Văn Đức (huyện Gia Lâm) Nguyễn Văn Minh cho rằng, nếu không có vốn lớn, thì hợp tác xã không thể đầu tư mua nông sản cho nông dân khi vào vụ thu hoạch, không thể duy trì được hoạt động theo đề án sản xuất, kinh doanh. Do đó, các sở, ngành cần tham mưu với thành phố bổ sung nguồn vốn vay cho Quỹ Khuyến nông thành phố và nâng hạn mức cho vay cao hơn để các hợp tác xã đầu tư ứng dụng công nghệ cao được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi này.
Còn Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Quốc Oai Kiều Minh Khuê thông tin, với vai trò là tiểu ban quản lý quỹ, đơn vị tiếp tục rà soát, hỗ trợ, tư vấn cho nhiều gia đình, chủ trang trại tiếp cận nguồn vốn vay. Cùng với đó, tăng cường kiểm tra, giám sát các hộ đang sử dụng vốn vay của Quỹ Khuyến nông trên địa bàn huyện đúng mục đích, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông thành phố Hà Nội Đoàn Đức Dân cho biết, từ nay đến cuối năm, Quỹ Khuyến nông thành phố sẽ phối hợp với các địa phương tăng cường các biện pháp kiểm tra, giám sát, hướng dẫn kỹ thuật, quản lý cho các hộ nông dân, chủ trang trại đã được vay vốn từ Quỹ Khuyến nông để sử dụng nguồn vốn vay đúng mục đích, có hiệu quả. Cùng với đó, đôn đốc tiếp nhận các phương án vay vốn và thẩm định, hoàn thiện hồ sơ xin vay vốn, kịp thời giải ngân theo kế hoạch; thu hồi vốn vay và phí quản lý quỹ đến hạn và quá hạn theo kế hoạch. Quỹ Khuyến nông thành phố sẽ có phương án trình Hội đồng thẩm định cấp thành phố phê duyệt gia hạn thời gian trả nợ, hoặc cho phép thay đổi phương án sản xuất (nếu có) đối với các hộ vay vốn bị ảnh hưởng của dịch bệnh, tạo điều kiện cho các hộ vay vốn khôi phục sản xuất có điều kiện hoàn vốn vay cho Quỹ Khuyến nông thành phố.
Trong 9 tháng năm 2023, Quỹ Khuyến nông thành phố Hà Nội thẩm định 179 phương án đề nghị vay vốn với số tiền hơn 73 tỷ đồng. Quỹ Khuyến nông thành phố đã tổ chức giải ngân được 135 hồ sơ vay vốn với số tiền hơn 55 tỷ đồng. Ngoài ra, Hội đồng thẩm định cấp thành phố đã đồng ý gia hạn 1 trường hợp tại huyện Thường Tín vay 350 triệu đồng, thời gian gia hạn 12 tháng, với lý do gặp khó khăn trong sản xuất…