Cung ứng điện cho năm 2024: Hoạch định từ sớm, từ xa
Nhu cầu tiêu thụ điện ngày càng tăng cao; tình hình thủy văn, biến đổi khí hậu diễn biến khó lường… là những thách thức không nhỏ trong thời gian tới. Đó là thông tin đáng lưu ý tại tọa đàm về Cung ứng điện cho năm 2024 - Những vấn đề cấp bách đặt ra, do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều 7-11.
Nỗ lực cao nhất bảo đảm mục tiêu điện đi trước một bước
Là sản phẩm hàng hóa đặc thù, được coi như đầu vào của mọi đầu vào, điện năng có vai trò và vị trí hết sức quan trọng trong nền kinh tế, bảo đảm đời sống dân sinh, an ninh - quốc phòng của đất nước.
Trong những tháng hè vừa qua, từ việc để thiếu điện cục bộ ở một số nơi, một số địa điểm (khu vực miền Bắc) trong khi nguồn điện không thiếu, do công tác điều hành, điều tiết điện còn hạn chế, đã để lại những hệ lụy, tác động tiêu cực đến một số ngành, lĩnh vực trong nền kinh tế cũng như niềm tin, chỉ số hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với ngành điện.
Mới đây nhất, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo hoàn thành gấp dự án mạch 3 đường dây 500kV, để góp phần truyền tải được phần năng lượng dôi dư ở khu vực miền Trung ra miền Bắc, tránh tình trạng thiếu điện cục bộ như một số ngày và một số tuần trong mùa hè năm 2023.
Về phía Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN và các đơn vị thành viên, phải tiến hành kiểm tra, rà soát toàn diện, tổng thể các tổ máy. Đồng thời, thực hiện duy tu, bảo dưỡng định kỳ theo đúng kế hoạch; kịp thời sửa chữa, thay thế các thiết bị... bảo đảm độ khả dụng, sẵn sàng của các nhà máy.
Các nhà máy điện cũng tiến hành sửa chữa lớn, sửa chữa thường xuyên các tổ máy đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng; có phương án khắc phục nhanh nhất sự cố nguồn điện trong phạm vi quản lý, bảo đảm các tổ máy đủ khả năng hoạt động tối đa công suất.
EVN cũng tập trung chỉ đạo các đơn vị gấp rút thực hiện các giải pháp khắc phục tình trạng suy giảm công suất các tổ máy do yếu tố nhiệt độ môi trường, nước làm mát, thủy triều xuống thấp...
Theo GS.TS Bùi Xuân Hồi, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Điện lực miền Bắc, ngành điện vẫn còn những bất cập ở cả 3 khâu: Sản xuất, truyền tải và phân phối. Ngành điện nói chung, EVN nói riêng đang cố gắng vận hành trong điều kiện không được tăng giá, vận hành như thế nào để kinh tế nhất, dẫn đến một số rủi ro.
Các ý kiến tại tọa đàm cũng cho rằng phải tiếp tục quyết liệt triển khai đồng bộ các giải pháp về vận hành, tiết kiệm điện và đẩy nhanh tiến độ đưa các công trình nguồn, lưới truyền tải vào khai thác để chủ động ứng phó những điều kiện xếp chồng bất lợi trong cung ứng điện có thể xảy ra trong những tháng cuối năm 2023, như nhu cầu phụ tải tăng cao, lưu lượng nước về hồ tiếp tục thấp…
Xây dựng kịch bản cung ứng điện sát nhu cầu của nền kinh tế
Để chuẩn bị cho việc cung cấp điện năm 2024, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo phải xây dựng kịch bản cụ thể về cung ứng điện bám sát nhu cầu của nền kinh tế và dân sinh trong năm 2024. Việc thực hiện phải trên tinh thần nghiêm túc rút ra các bài học kinh nghiệm sau những khó khăn về cung cấp điện của mùa khô năm 2023 và khắc phục các tồn tại, hạn chế.
Theo PGS.TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, rõ ràng Thủ tướng đã có phản ứng rất kịp thời, có hoạch định từ sớm, từ xa đối với cung ứng điện cho năm 2024, tránh hiện tượng "nước đến chân mới nhảy", cực kỳ nguy hiểm.
Vấn đề tiếp theo, theo PGS.TS Ngô Trí Long là đảm bảo dự trữ nhiên liệu đầu vào. Hiện, nguồn nhiệt điện chiếm tỷ trọng tương đối lớn mà nguồn than trong nước thì hạn chế, phải nhập khẩu. Cho nên phải dự phòng, dự báo được, để tránh hiện tượng có những cú sốc.
Đặc biệt, trong vấn đề điều độ vận hành hệ thống điện. Hệ thống A0 trước kia thuộc EVN, như trong một trận đá bóng, trọng tài thuộc về đội đó thì có nên hay không?! Cho nên vừa qua, Chính phủ có quyết định chuyển A0 về Bộ Công Thương là rất phù hợp.
Về giá điện, phải tính đúng, tính đủ, kịp thời để đủ bù đắp chi phí, có mức lãi nhất định, như vậy mới có nguồn cung ứng đảm bảo. Kinh nghiệm ngành điện của bang Carlifornia, Mỹ, có thời kỳ giữ vị thế độc quyền. Chính quyền quy định giá quá thấp so với giá thị trường, doanh nghiệp thua lỗ không thể tồn tại, không thể phát triển được, dẫn đến thiếu hụt điện. Đây là một bài học cực kỳ quan trọng.
Cùng quan điểm, GS.TS Bùi Xuân Hồi phân tích, về mặt cơ cấu, giá thành, cung ứng điện gồm có 4 phần: Sản xuất, truyền tải, phân phối và bán lẻ. Riêng phần sản xuất đang chiếm 70-80% cơ cấu giá thành. Chúng ta cố gắng giữ giá, chỉ tăng giá 3% trong vòng 4 năm thì cái được là đảm bảo an sinh và mục tiêu vĩ mô khác. Rủi ro có thể không đến ngay, nhưng chỉ cần thiếu điện ở miền Bắc trong thời gian rất ngắn thì theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, chúng ta đã thiệt hại lên đến 1,4 tỷ USD. Do đó, phải cân nhắc rất rõ, rất kỹ lưỡng bài toán điều tiết giá điện, để đảm bảo ngành phát triển bền vững, và từ đó nền kinh tế mới phát triển bền vững và an sinh xã hội mới được đảm bảo.
“Vì vậy, tôi luôn mong muốn và kỳ vọng là cơ chế điều chỉnh giá của Chính phủ thời gian tới sẽ mang hơi hướng, tín hiệu của thị trường. hài hòa lợi ích của doanh nghiệp, của người dân và ngân sách nhà nước”, ông Bùi Xuân Hồi nhấn mạnh.
Song song với đó, ngành điện cần làm việc với UBND các tỉnh, thành phố và các hộ tiêu thụ điện lớn để tiếp tục đẩy mạnh công tác tiết kiệm điện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 517/CĐ-TTg ngày 6-6-2023 và Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 8-6-2023. Làm việc với các khách hàng tiêu thụ lớn để dịch chuyển thời gian sản xuất tránh giờ cao điểm của hệ thống. Đồng thời, tập trung nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ các công trình lưới điện phục vụ giải tỏa công suất các nguồn điện và đảm bảo cấp điện trong năm 2024-2025...