Lộ lọt, mua bán dữ liệu cá nhân rất nghiêm trọng
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm khẳng định, số vụ tội phạm xâm phạm, đánh cắp dữ liệu cá nhân rất lớn. Năm 2023, lực lượng chức năng đã xử lý hàng chục triệu vụ việc.
Sáng 7-11, phiên chất vấn tại kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV chuyển sang lĩnh vực nội chính, tư pháp. Đại biểu Đào Chí Nghĩa (Đoàn Cần Thơ) chất vấn Bộ trưởng Bộ Công an về giải pháp xử lý thực trạng thông tin cá nhân (số điện thoại, địa chỉ, số căn cước công dân, số tài khoản...) bị lộ, lọt đang rất phổ biến. Bên cạnh đó, người dân còn nhận các thông tin, tin nhắn lừa đảo, đường link giả mạo, bị làm phiền vì các cuộc gọi mời chào, giới thiệu các loại dịch vụ khác nhau.
Ý thức tự bảo vệ chưa cao
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm khẳng định, bảo vệ dữ liệu cá nhân là vấn đề rất quan trọng. Không phải ở nước ta mà các nước trên thế giới đều rất quan tâm. Đặc biệt, trong quá trình chuyển đổi số đang diễn ra, đây là vấn đề cấp bách được đặt ra hiện nay.
“Lộ, lọt, mua bán dữ liệu cá nhân ở Việt Nam rất nghiêm trọng. Tội phạm xâm phạm đánh cắp dữ liệu cá nhân rất lớn. Năm 2023, lực lượng chức năng đã xử lý hàng chục triệu vụ xâm phạm cơ sở dữ liệu, trong đó có rất nhiều vụ ăn cắp dữ liệu cá nhân”, Bộ trưởng khẳng định.
Bộ trưởng Bộ Công an cũng cho biết, ý thức người dân trong bảo vệ dữ liệu cá nhân chưa cao. Nhiều người sẵn sàng cung cấp thông tin cá nhân cho người khác, cho doanh nghiệp khi thực hiện giao dịch dân sự.
Để xử lý hiệu quả những vấn đề nêu trên, Bộ Công an đang thực hiện một số giải pháp như khẩn trương hoàn thiện hành lang pháp lý, đề xuất xây dựng luật bảo vệ dữ liệu cá nhân trong năm 2024, trình Quốc hội xin ý kiến.
Bộ tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ dữ liệu cá nhân, trọng tâm là tổ chức thực hiện có hiệu quả các quy định của Luật An ninh mạng và Nghị định 13/2023/NĐ-CP của Chính phủ về bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Đặc biệt, xác định và thực hiện nghiêm trách nhiệm của các chủ thể liên quan trong bảo vệ dữ liệu cá nhân đã được quy định chặt chẽ trong luật và Nghị định này. Ngoài ra, sẽ tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao cảnh giác, không cung cấp thông tin cá nhân trong những trường hợp pháp luật không quy định bắt buộc.
Cắt “doanh nghiệp sân sau”
Trả lời chất vấn của đại biểu Đỗ Huy Khánh (Đoàn Đồng Nai) về giải pháp tiếp tục điều tra vụ án tham nhũng trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm khẳng định: Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng là hoạt động trọng tâm được lực lượng công an triển khai trong thời gian qua.
“Việc điều tra, truy tố, xét xử nghiêm các đối tượng tham nhũng với phương châm không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không đặc quyền thời gian qua thực hiện tốt, góp phần cảnh tỉnh, răn đe, phòng ngừa vi phạm, thu hồi nhiều tài sản cho nhà nước, không để đối tượng trốn ra nước ngoài và không dám trốn ra nước ngoài”, Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh và nêu ra một số giải pháp trong thời gian tới như: Tập trung hoàn thiện thể chế; chỉ đạo rà soát, bổ sung các quy định về kiểm soát quyền lực, có chế tài mạnh mẽ cắt đứt mối quan hệ “doanh nghiệp sân sau”; chú trọng thu hồi tài sản cho người bị hại và tiếp tục chuyển đổi số, bảo đảm công khai, minh bạch trong các lĩnh vực, góp phần hạn chế tham nhũng, đặc biệt tham nhũng vặt.
Cảnh sát khu vực giải quyết trên 100 đầu việc hằng ngày
Cũng trong sáng nay, trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Tạo (Đoàn Lâm Đồng) về việc giải quyết căn cơ vấn đề pháp lý với người di dân tự phát tại Tây Nguyên, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm thông tin: Hiện, Bộ Công an đã xác định 100% mã số định danh cho công dân trên toàn quốc. Việc cấp giấy tờ, xác định nhân hộ khẩu, cấp căn cước cũng còn một số công việc đang tiếp tục thực hiện, đặc biệt với diện nhân khẩu như con lai, người không có hộ khẩu, người chưa có loại giấy tờ gì, chưa có chỗ ở hợp pháp...
Theo Bộ trưởng, tại khu vực này, người dân di cư vào rất lớn, vấn đề đất đai cũng còn nhiều phức tạp, nhất là chưa xác định được chỗ ở hợp pháp của người dân. Lực lượng công an vẫn quản lý được giấy tờ nhưng chưa cấp được hộ khẩu cũng bởi lý do này. Để giải quyết, cần phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là giải quyết được vấn đề căn cơ từ đất đai, chỗ ở hợp pháp cho người dân.
Trả lời chất vấn của đại biểu Tô Thị Bích Châu (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) về giải pháp giúp lực lượng cảnh sát khu vực hoàn thành nhiệm vụ, Bộ trưởng Tô Lâm nêu, Bộ đã điều động trên 50.000 công an chính quy về cấp phường, xã.
“Với tốc độ đô thị hóa như hiện nay, công việc cấp cơ sở rất lớn. Cảnh sát khu vực, công an xã chính quy hiện có trên 100 đầu việc thực hiện hằng ngày. Bộ sẽ tiếp tục tăng cường điều động lực lượng chính quy từ cấp bộ, tỉnh cho cấp cơ sở. Với cấp bộ, Bộ đã điều động gần 500 cán bộ về công an cấp xã, đặc biệt tại các khu vực phức tạp, các xã biên giới”, Bộ trưởng Tô Lâm nêu.