Anh cấp phép chuyến bay đầu tiên trên thế giới chạy bằng nhiên liệu bền vững
AFP dẫn nguồn tin từ cơ quan quản lý hàng không Anh thông báo rằng, tổ chức này đã cấp phép cho hãng hàng không Virgin Atlantic thực hiện chuyến bay xuyên Đại Tây Dương “đầu tiên trên thế giới” hoàn toàn bằng nhiên liệu hàng không bền vững (SAF).
Cơ quan Hàng không Dân dụng Vương quốc Anh (CAA) cho biết, việc cấp phép cho chuyến bay dự kiến vào ngày 28-11, từ London (Anh) đến New York (Mỹ) sau "các đánh giá kỹ thuật" thành công theo yêu cầu của hãng hàng không Anh, được các công ty Boeing, Rolls-Royce, BP… hỗ trợ.
Theo các nhà khoa học, ngành hàng không tạo ra lượng khí thải CO2 ở mức cao, góp phần gây ra biến đổi khí hậu. Các hãng hàng không đang đặt hy vọng vào SAF, một loại nhiên liệu sinh học tạo ra lượng khí thải carbon thấp hơn nhiên liệu máy bay truyền thống nhưng cần chi phí cao để sản xuất và khử cacbon trong lĩnh vực này.
Tuy nhiên, các cơ quan hàng không Anh cũng cảnh báo quá trình chuyển đổi sang SAF sẽ diễn ra từ từ và tốn kém, đồng thời có thể đẩy giá vé lên cao, làm chậm tốc độ tăng trưởng của ngành hàng không.
Giám đốc điều hành CAA Rob Bishton cho biết: “Với tư cách là cơ quan quản lý hàng không của Vương quốc Anh, điều quan trọng là chúng tôi cho phép ngành này áp dụng các hoạt động bền vững một cách an toàn và vượt qua ranh giới để tạo ra một ngành hàng không xanh hơn”. Ông nêu rõ: "Giấy phép này còn là một ví dụ về cách ngành hàng không luôn khám phá các công nghệ mới."
Theo CAA, sáng kiến này được Chính phủ Anh tài trợ một phần, nhằm mục đích thử nghiệm và chứng minh tính khả thi của việc cung cấp năng lượng cho máy bay bằng nhiên liệu bền vững.
Là một phần trong nỗ lực thúc đẩy chuyển đổi, tháng 12 năm ngoái Chính phủ Anh đã trao cho Virgin Atlantic 1,2 triệu USD để hỗ trợ việc triển khai chuyến bay xuyên Đại Tây Dương đầu tiên hoàn toàn bằng SAF. Giám đốc điều hành Virgin Atlantic Shai Weiss lưu ý, hãng hàng không đã cam kết sử dụng 10% SAF vào năm 2030, nhưng kêu gọi chính phủ hỗ trợ tạo ra "ngành công nghiệp SAF của Vương quốc Anh".