Vừa níu kéo, vừa đối phó
Nhân một hoạt động trong khuôn khổ Tuần cấp cao Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) do Mỹ chủ trì vừa tổ chức ở San Francisco, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã trình bày cách tiếp cận chiến lược của Mỹ cho khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Bà Yellen dành phần lớn thời gian để đề cập đến Trung Quốc. Trung Quốc là đối tác và đối thủ chính của Mỹ, mối quan hệ giữa hai bên lại rất tồi tệ, tuyên cáo định hướng chiến lược của Mỹ đối với Trung Quốc là chuyện lớn đối với Mỹ mà bà Yellen chứ không phải đích thân Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên cáo.
Điều lạ lùng này chỉ có thể được giải thích bằng hai nguyên nhân. Thứ nhất, bà Yellen đã công du Trung Quốc cách đây không lâu. Chuyến đi không hẳn rất thành công nhưng cũng đã giúp Mỹ và Trung Quốc hiểu biết về nhau hơn, khai phá được khả năng hai phía có thể giảm căng thẳng trong thời gian tới. Vì thế, bà Yellen mà trình bày gì đấy về Trung Quốc hay có liên quan đến Trung Quốc thì người nghe dễ bị thuyết phục hơn.
Thứ hai, bà Yellen đề cập thuần túy cách tiếp cận trong chiến lược kinh tế của Mỹ đối với Trung Quốc, tức là chỉ về một khía cạnh riêng rẽ của mối quan hệ hợp tác giữa Mỹ và Trung Quốc. Tất cả những điều bao quát hơn, tổng thể hơn và quyết định nhất để dành cho cuộc gặp giữa ông Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình diễn ra sau đây mấy ngày cũng ở San Francisco.
Có thể khái quát hóa cách tiếp cận chiến lược của Mỹ cho quan hệ kinh tế và thương mại với Trung Quốc bằng 6 chữ: Vừa níu kéo, vừa đối phó. Bà Yellen quả quyết là Mỹ không chủ trương "thoát Trung Quốc", khẳng định Mỹ không "tách biệt" với Trung Quốc mà thiện chí và sẵn sàng thúc đẩy hợp tác sâu rộng như có thể được về kinh tế và thương mại với Trung Quốc, phân cách rõ ràng giữa đồng thuận và dị biệt quan điểm giữa hai bên.
Bà Yellen còn đi xa hơn nữa khi tuyên bố rằng Mỹ không có ý định đẩy các đối tác của Mỹ vào tình thế phải lựa chọn giữa Mỹ và Trung Quốc, công khai cho rằng việc "tách biệt Trung Quốc" và ép buộc các đối tác phải chọn bên không có lợi mà chỉ có hại cho thế giới. Những phát ngôn này của bà Yellen chưa đủ để được coi là "lời tỏ tình" của Mỹ đối với Trung Quốc, nhưng rõ ràng là nỗ lực níu kéo Trung Quốc không giấu giếm.
Tất cả những chủ động bộc lộ này của phía Mỹ đều là những gì Trung Quốc muốn nghe từ Mỹ, cho dù chắc chắn chưa thể đủ để khiến Trung Quốc thật sự hài lòng.
Đồng thời với nỗ lực níu kéo nói trên, bà Yellen nhắc lại những quan điểm của Mỹ vốn lâu nay đã đưa lại tình trạng bất đồng quan điểm và xung khắc lợi ích cơ bản, căng thẳng và không tin cậy lẫn nhau giữa Mỹ và Trung Quốc mà Mỹ sẽ tiếp tục không nhượng bộ Trung Quốc.
Đáng chú ý nhất ở đây là 3 khía cạnh cụ thể: Chuyện tình hình dân chủ, nhân quyền của Trung Quốc, chuyện lợi ích quốc gia của Mỹ mà Mỹ quyết tâm bảo vệ bằng mọi giá trong quan hệ hợp tác với Trung Quốc và chuyện Mỹ đặt chiến lược đối với Trung Quốc trong chiến lược chung của Mỹ đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Ai cũng biết phía Mỹ đã nhiều lần cả phát biểu công khai lẫn ngầm ám chỉ rằng một trong những mục đích chính của chiến lược của Mỹ đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là đối phó Trung Quốc.
Từ bài trình bày này của bà Yellen có thể dự liệu được rằng kể cả khi có cuộc gặp sắp tới giữa ông Tập Cận Bình và ông Joe Biden ở Mỹ, mối quan hệ song phương này mới chỉ có thể bớt căng thẳng chứ chưa thể được cải thiện cơ bản.