Phòng ngừa thủ đoạn lừa đảo dịp cuối năm
Vào những tháng cuối năm, tội phạm lừa đảo hoạt động mạnh với nhiều thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt.
Để ngăn chặn và đấu tranh, ngoài các biện pháp nghiệp vụ, trên các kênh thông tin chính thống, trang Facebook, Zalo…, Công an thành phố Hà Nội còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân chủ động phòng tránh…
Thủ đoạn ngày càng tinh vi
Chị Nguyễn Thanh Hà ở quận Cầu Giấy chuyên bán hàng trực tuyến chia sẻ, vào các tháng cuối năm, trên nhiều diễn đàn mua bán xuất hiện những dấu hiệu lừa đảo. Các đối tượng lừa đảo lợi dụng việc cạnh tranh để đưa ra nguồn hàng với mức giá ưu đãi nhất để nạn nhân dễ sập bẫy.
Dẫn chứng về người bạn vừa bị lừa số tiền hơn 20 triệu đồng khi tham gia là thành viên nhóm “bán buôn hàng QC” - nghĩa là Quảng Châu trên mạng xã hội, chị Hà cho biết, ban đầu khi tham gia vào nhóm chị L.A (tên nạn nhân đã được thay đổi) đã được một thành viên giới thiệu nguồn hàng với mức giá ưu đãi nhất. Theo nguyên tắc phải đặt cọc tiền, chị vui vẻ làm theo, nhưng sau đó hoàn toàn không liên lạc được với phía bạn hàng, rồi chị bị mất quyền là thành viên nhóm.
Còn anh Nguyễn Văn Công chủ một tạp hóa ở phường Thanh Xuân Nam (quận Thanh Xuân) kể lại, thông qua điện thoại có nhận được một đơn đặt hàng mua bánh kẹo, rượu ngoại trị giá hơn 100 triệu đồng và khách hàng yêu cầu đóng thùng mang đến một công ty lớn gửi ở sảnh có người nhận rồi sẽ chuyển khoản trả tiền. Anh Công làm theo, mang thùng hàng đến nơi hẹn thì số điện thoại kia vẫn hướng dẫn anh để ở khu vực sảnh sẽ có người nhận và yêu cầu anh nhắn số tài khoản để chuyển tiền. Nghi ngờ bị lừa đảo, anh Công không vội làm theo hướng dẫn mà chủ động gọi lại số điện thoại đã gọi nhiều lần nhưng không liên lạc được. Sau này tìm hiểu qua các bạn hàng, anh mới biết đây là thủ đoạn lừa đảo.
Một hình thức lừa đảo dù cũ nhằm vào người lớn tuổi, cán bộ hưu trí nhưng đã được tội phạm biến tấu ngày càng tinh vi, đó là mạo danh cơ quan công an, cán bộ tòa án, viện kiểm sát nói nạn nhân vướng vào vụ án, bị phạt lỗi giao thông…
Gần đây nhất, chiều 27-10, bà Trần Thị Chiến ở quận Long Biên đã tới trình báo cơ quan chức năng về việc trong nhiều ngày qua, bà liên tục nhận được cuộc điện thoại tự xưng là Trung úy Lê Thị Hà - cán bộ Công an quận Long Biên và nói bà có liên quan đến một khoản nợ xấu của ngân hàng. Đối tượng này yêu cầu bà Chiến tới một trụ sở ngân hàng ở quận Cầu Giấy để làm việc. Đối tượng mạo danh cán bộ công an đã yêu cầu bà chuyển hơn 50 triệu đồng và cung cấp tài khoản Zalo, căn cước công dân…
Chủ động phòng ngừa
Đại úy Lý Ngọc Tuấn, cán bộ Cảnh sát khu vực, Công an phường Bồ Đề, quận Long Biên cho biết, ngay khi xảy ra vụ việc với trường hợp bà Trần Thị Chiến, qua kênh Zalo, Facebook kết nối các tổ dân phố, đơn vị đã cảnh báo vụ việc trên để người dân nắm bắt phòng tránh.
Trong khi đó, Trung tá Nguyễn Hoài Sơn, Trưởng Công an phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa cho biết, để ngăn chặn tội phạm lừa đảo, nhất là vào dịp cuối năm, đơn vị đã phân công cán bộ, chiến sĩ đến từng gia đình trên địa bàn tuyên truyền, dán áp phích cảnh báo. Công an phường cũng gửi thông báo đến các chi nhánh ngân hàng, trường học, trụ sở cơ quan, tiệm vàng… tuyên truyền về thủ đoạn của các đối tượng phạm tội cũng như một số biện pháp phòng ngừa các hành vi vi phạm pháp luật. Tuyên truyền đối với từng nhân viên bảo vệ tại các chi nhánh ngân hàng, tiệm vàng, trường học, trụ sở cơ quan nhà nước để nâng cao cảnh giác, có ý thức liên hệ ngay với Công an phường khi có các dấu hiệu bất thường, phòng ngừa xảy ra các vụ trọng án…
Những biện pháp trên cũng được công an 30 quận, huyện, thị xã triển khai. Điển hình như ở quận Hà Đông ngoài quản lý hàng nghìn camera an ninh, đơn vị còn có các chương trình trao móc khóa phòng, chống tội phạm, lập sổ tay an ninh điện tử phòng, chống tội phạm tới từng người dân…
Từ đầu năm đến quý III-2023, lực lượng Cảnh sát hình sự, Công an thành phố Hà Nội đã điều tra làm rõ 132 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trong quá trình điều tra, lực lượng Cảnh sát hình sự đã bắt giữ 165 đối tượng liên quan và làm rõ thiệt hại tài sản do tội phạm gây ra gần 14 tỷ đồng.
Đại tá Nguyễn Thế Hùng, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự, Công an thành phố Hà Nội khẳng định, hoạt động tội phạm lừa đảo rất tinh vi, đa dạng. Tuy nhiên, “vỏ quýt dày có móng tay nhọn”, thời gian qua, Công an thành phố đã phát hiện, điều tra khám phá nhanh và ngăn chặn kịp thời nhiều vụ lừa đảo với thủ đoạn tinh vi. Trong đó, công an các quận: Nam Từ Liêm, Long Biên, Cầu Giấy, Hà Đông… đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn và điều tra làm rõ nhiều vụ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản bằng công nghệ cao…
Mới đây, Công an quận Hoàng Mai đã làm rõ vụ đặt mua “sổ đỏ” giả, lừa đảo chiếm đoạt hơn 100 triệu đồng. Đối tượng gây án lên mạng xã hội đặt mua “sổ đỏ” giả, rồi mang đi vay tiền. Với thủ đoạn này, đối tượng đã chiếm đoạt được 125 triệu đồng của bị hại là một phụ nữ…
Để đấu tranh có hiệu quả với tội phạm lừa đảo vào dịp cuối năm, song song triển khai nhiều biện pháp nghiệp vụ, Công an thành phố khuyến cáo mỗi người dân cần tự bảo vệ mật khẩu, khóa mật khẩu, cơ sở dữ liệu, thông tin cá nhân, thông tin tài khoản và hệ thống thiết bị công nghệ cao của mình. Trên thực tế, cơ quan công an hay các cơ quan nhà nước khác không yêu cầu người dân chuyển tiền vào tài khoản để bảo lãnh, xác minh hay gửi các lệnh, quyết định, giấy mời, giấy triệu tập qua mạng xã hội.
Tuyệt đối không cung cấp tên đăng nhập, mật khẩu, mã OTP… cho bất kỳ ai, kể cả người tự xưng là nhân viên ngân hàng, cơ quan chức năng qua điện thoại và mạng internet. Không truy cập, đăng nhập, tải các web, đường link được gửi từ người lạ, không rõ nguồn gốc…