Sẽ sớm đấu giá băng tần 3.700 MHz cho 5G
Tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 11-2023, Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện Lê Văn Tuấn thông tin về việc Bộ Thông tin và Truyền thông sắp tổ chức đấu giá băng tần 2.500-2.600 MHz.
Về việc chỉ đấu giá 1 khối băng tần 2.500-2.600 MHz, ông Lê Văn Tuấn cho biết, sở dĩ băng tần 2.300 MHz được quy hoạch phân chia 3 khối là để thích hợp cho công nghệ 4G. Trong khi đó, để hiệu quả trong việc triển khai công nghệ 5G, bảo đảm khai thác tính năng vượt trội về dung lượng của 5G so với 4G, các băng tần 5G (băng tần 2.600 MHz, 3.700 MHz) sẽ được phân chia thành các khối có độ rộng 80-100 MHz. Việc chia nhỏ 100 MHz băng tần 2.600 MHz ra thành khối nhỏ như băng tần 2.300 MHz là không hiệu quả trong triển khai 5G.
Cũng theo Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện, không chỉ các băng tần 2.600-2.700 MHz; 3.700 MHz sẽ được đấu giá, cấp phép cho các doanh nghiệp để làm 5G mà sẽ còn có các băng tần khác sẽ được tiếp tục nghiên cứu, quy hoạch, “dọn dẹp, giải phóng” các hệ thống đang sử dụng và cấp cho doanh nghiệp. Dự báo đến năm 2030, các doanh nghiệp di động ở Việt Nam cần tổng cộng 1.700-2.200MHz trong dải tần 1-7 GHz để triển khai dịch vụ. “Do vậy, sau khi đấu giá băng tần 2.600 MHz, Bộ sẽ sớm triển khai đấu giá băng tần 3.700 MHz”, Cục trưởng Lê Văn Tuấn thông tin.
Việc triển khai 5G là cả chặng đường dài với 15 năm đầu tư, phát triển dịch vụ. Với lần đấu giá băng tần 2.500-2.600 MHz sắp tới này, có thể xem đây là lần đầu tiên (vì lần đấu giá băng 2.300 MHz trước đây không thành). Trong khi giá trị của băng tần rất lớn, đấu giá tần số lại rất đặc thù, cả doanh nghiệp và cơ quan quản lý đều chưa có kinh nghiệm nên cần triển khai từng bước thận trọng để rút kinh nghiệm trước khi đấu giá tiếp các băng tần khác…