Kinh tế

Cần giải pháp hiệu quả để ngăn lãng phí, tiêu cực trong quản lý và sử dụng tài sản công

Đình Hiệp 06/11/2023 12:47

Sáng 6-11, đặt vấn đề chất vấn tại phiên họp, đại biểu Quốc hội Dương Minh Ánh (Đoàn Hà Nội) phản ánh về những vướng mắc về quản lý tài sản công, pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, tài chính, đất đai thì còn chưa đầy đủ, đồng bộ. Bên cạnh đó, đại biểu Quốc hội còn phản ánh việc mua bảo hiểm bắt buộc, trách nhiệm dân sự đối với ô tô, xe máy chưa mang lại lợi ích thiết thực...

ong-phuoc-1.jpg
Các đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc.

Nhiều trụ sở hành chính còn bỏ trống, lãng phí

Trả lời chất vấn đại biểu Dương Minh Ánh, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, hiện đã có Luật Quản lý tài sản công năm 2017. Sau khi luật được ban hành, Chính phủ đã ban hành 20 Nghị định và Thủ tướng Chính phủ ban hành 3 quyết định, Bộ Tài chính đã ban hành 15 thông tư hướng dẫn.

Bộ trưởng khẳng định, lĩnh vực tài sản công liên quan đến tất cả các ngành, các cấp, từ cấp xã lên đến cấp Trung ương nên phạm vi quản lý rất lớn. Bộ Tài chính đang đề xuất Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa Luật Quản lý tài sản công.

doan-thi-thanh-mai.jpg
Đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai (Đoàn Hưng Yên) phát biểu.

Chất vấn Bộ Tài chính liên quan đến vấn đề tài sản công, đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai (Đoàn Hưng Yên) cho biết, thời gian tới nhiều xã sẽ được chia tách, sáp nhập. Tuy nhiên, việc xử lý nhà đất khi sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã còn chậm, nhiều trụ sở hành chính còn bỏ trống trong khi còn nhiều cơ quan đang sử dụng chung nơi làm việc.

Trả lời nội dung này, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho rằng, vấn đề cần thực hiện là nâng cao trách nhiệm quản lý tài sản công, cụ thể hóa, cá thể hóa đến từng người quản lý tài sản. Bộ Tài chính sẽ đẩy mạnh đôn đốc, thanh tra, kiểm tra đối với công tác này.

Tranh luận về công tác quản lý tài sản công, đại biểu Nguyễn Tạo (Đoàn Lâm Đồng) cho rằng, giải pháp điều chỉnh cơ chế, chính sách, pháp luật, tiến độ đang chậm, như vậy có thể sẽ còn nhiều tiêu cực, thất thoát, lãng phí phát sinh. Vì vậy, cần có lộ trình cụ thể cho các điều chỉnh này; Kiểm toán Nhà nước cũng cần kiến nghị trách nhiệm rõ ràng, cụ thể, hạn chế tình trạng lãng phí, tiêu cực.

Việc mua bảo hiểm bắt buộc không thiết thực

Đại biểu Quốc hội Huỳnh Thị Phúc (Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết, cử tri đã nhiều lần phản ánh việc mua bảo hiểm bắt buộc, trách nhiệm dân sự đối với ô tô, xe máy chủ yếu là để tránh cho cơ quan chức năng không xử phạt khi điều khiển các phương tiện lưu thông trên đường, chứ chưa mang lại lợi ích thiết thực vì thủ tục bồi thường quá nhiều khó khăn và phức tạp. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết sẽ có giải pháp gì để bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự đối với ô tô, xe máy thực sự phát huy được ý nghĩa và mục đích bảo vệ quyền và lợi ích của người dân.

ho-duc-phuoc.jpg
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trả lời chất vấn.

Trả lời chất vấn này, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, theo Luật Giao thông đường bộ và Luật Bảo hiểm, đây là một hình thức bảo hiểm bắt buộc. Thống kê cho thấy, người điều khiển xe máy bị tai nạn chiếm 64%, từ năm 2021 đến tháng 9-2023, các công ty bảo hiểm đã chi trả cho người bị tai nạn số tiền rất lớn. Điều đó thể hiện Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Giao thông đường bộ đã bảo vệ người điều khiển xe máy.

Để thuận lợi hơn cho việc chi trả, Nghị định 67 đã quy định trong vòng 3 ngày, công ty bảo hiểm phải chi trả cho người dân bị tai nạn. Nếu bị ảnh hưởng tới tính mạng thì mới cần có biên bản, giấy tờ của công an, còn không thì chỉ cần có file ảnh và cung cấp hồ sơ điện tử là sẽ được giải quyết các thủ tục cần thiết để hưởng bảo hiểm.