Gia Lâm chú trọng xây dựng văn minh đô thị
Thực hiện Kế hoạch số 176/KH-UBND ngày 30-7-2021 của UBND thành phố về thực hiện Chương trình số 06-CTr/TU ngày 17-3-2021 của Thành ủy Hà Nội về "Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025", huyện Gia Lâm đã có chỉ tiêu cơ bản trong xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị và đạt kết quả thiết thực...
Đa dạng hóa hình thức tuyên truyền
Những năm qua, huyện Gia Lâm luôn tích cực đổi mới, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền về xây dựng và phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh trên hệ thống truyền thanh cơ sở, trang thông tin điện tử xã, thị trấn trên các ứng dụng mạng xã hội, tuyên truyền cổ động trực quan...
Các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể từ huyện đến cơ sở tổ chức nhiều hội nghị, tọa đàm, hội thảo, giao lưu, cuộc thi, biểu diễn văn hóa, văn nghệ quần chúng với các chủ đề tìm hiểu về bản sắc văn hóa dân tộc, giữ gìn, tôn tạo, bảo vệ, xây dựng và phát triển văn hóa.
Trong năm 2022 và 10 tháng của năm 2023, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện chỉ đạo tổ chức hội nghị đại biểu nhân dân đóng góp ý kiến về xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở tại 164 thôn, tổ dân phố và 22 xã, thị trấn cho tổng số 51.779 lượt đại biểu; đã có 3.509 ý kiến đóng góp bàn về việc xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, xây dựng các danh hiệu văn hóa, nông thôn mới nâng cao, thực hiện việc tang văn minh... Nhờ đó, nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân huyện về tầm quan trọng của phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh được nâng lên rõ rệt.
Khẳng định việc xây dựng nếp sống văn hóa, con người văn hóa, văn minh, thanh lịch, mấu chốt quan trọng là truyền thống gia đình, Phó Chủ tịch UBND xã Dương Xá Phạm Thị Thúy nói: "Mối quan hệ trong gia đình, giữa ông bà, cha mẹ, con cái có sự ứng xử gắn kết, yêu thương, kính trọng, chăm sóc, giúp đỡ lẫn nhau là biểu hiện của gia đình văn hóa. Các thành viên trong gia đình ứng xử có văn hóa với nhau thông qua cách giáo dục của ông bà, cha mẹ đối với thế hệ sau. Từ nếp sống văn hóa của môi trường gia đình sẽ lan tỏa đến trường học, nơi làm việc và xã hội".
Trong khi đó, các cấp Hội Phụ nữ huyện Gia Lâm cũng thực hiện tốt việc xây dựng phụ nữ thanh lịch thông qua các phong trào thi đua: “Xây dựng người Phụ nữ Thủ đô trung hậu - sáng tạo - đảm đang - thanh lịch”, “Phụ nữ Thủ đô ứng xử đẹp”, “Phụ nữ Gia Lâm học Bác và làm theo Bác”… Điển hình, hơn 1.300 phụ nữ Gia Lâm tham gia diễu hành; đồng diễn dân vũ áo dài; thi “Duyên dáng áo dài” hưởng ứng “Tuần lễ áo dài Việt Nam”, Lễ hội Áo dài - sắc xuân xuống phố năm 2023; mặc áo dài khi đến làm việc tại cơ quan, công sở, tham gia các sự kiện... từ đó lan tỏa sự gắn kết và ứng xử thanh lịch, văn minh.
Theo Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Gia Lâm Phùng Thị Hoài Hương: Nội dung, phương thức tuyên truyền, thực hiện xây dựng văn hóa của huyện bám sát thực tiễn, có trọng tâm, trọng điểm gắn với xây dựng nông thôn mới và nếp sống văn minh đô thị. Nhờ đó, các chỉ tiêu về văn hóa của huyện đều hoàn thành và vượt kế hoạch đề ra.
Phát huy giá trị văn hóa
Theo Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Gia Lâm Nguyễn Tiến Việt, huyện đã huy động các nguồn lực xây dựng người Gia Lâm thanh lịch - văn minh; tạo sự lan tỏa mạnh mẽ thông qua thực hiện 2 bộ Quy tắc ứng xử của thành phố. Huyện cũng đã in, phát hành tới cơ sở 6.000 cuốn sổ tay “Nếp sống văn minh đô thị trên địa bàn huyện Gia Lâm”; tập huấn chuyên đề về xây dựng nếp sống văn minh đô thị, môi trường xanh - sạch - đẹp tại 3 cụm cho hơn 600 đại biểu huyện, xã, thị trấn, thôn, tổ dân phố...
Toàn huyện cũng triển khai nhiều mô hình xây dựng nếp sống văn hóa như: UBND huyện phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ huyện tổ chức cuộc thi khu dân cư “Sáng - xanh - sạch đẹp - an toàn - văn minh” năm 2022 với 22/22 xã, thị trấn tham gia.
Ngành Giáo dục và Đào tạo huyện tham mưu UBND huyện tổ chức cuộc thi “Xây dựng trường học xanh - sạch - đẹp - an toàn” năm học 2021-2022.
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện triển khai việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh gắn với thực hiện cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh“.
Liên đoàn Lao động huyện triển khai chương trình xây dựng “Nếp sống văn hóa công nghiệp” tới các cơ quan, đơn vị trên địa bàn. Các thôn, tổ dân phố phát huy hiệu quả quy ước, hương ước và các giá trị văn hóa truyền thống.
Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Gia Lâm Nguyễn Tiến Việt cho biết thêm, thời gian tới, huyện tiếp tục nâng cao nhận thức trong cấp ủy, chính quyền và toàn dân về vị trí, vai trò của phát triển văn hóa, các giá trị văn hóa truyền thống tại các thôn, tổ dân phố trong việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh và xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị huyện.
Đặc biệt, huyện tập trung phát huy vai trò của gia đình, nhà trường trong giáo dục và xây dựng nhân cách người Hà Nội; nâng cao hơn nữa chất lượng đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân thông qua tập trung đẩy mạnh thực hiện Đề án “Bảo tồn và phát triển giá trị các di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch trên địa bàn huyện Gia Lâm giai đoạn 2021-2025”; Đề án “Nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo trên địa bàn huyện Gia Lâm giai đoạn 2021-2026”; thực hiện tốt phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; kịp thời biểu dương, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến.