170 mặt hàng có nguy cơ bị nước ngoài điều tra phòng vệ thương mại
Hệ thống cảnh báo các mặt hàng có nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại của Bộ Công Thương hiện theo dõi 170 mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam tại nhiều thị trường, trong đó có các thị trường xuất khẩu chủ lực như Hoa Kỳ, EU, Canada, Australia…
Thông tin được ông Chu Thắng Trung, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương chia sẻ tại tọa đàm “Cảnh báo sớm phòng vệ thương mại: Giữ lợi thế cho hàng hóa xuất khẩu Việt Nam” do Tạp chí Công Thương tổ chức ngày 6-11.
Cùng với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, đặc biệt là tham gia các FTA, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đã tăng mạnh. Hàng hóa Việt Nam đã thâm nhập và có chỗ đứng tại nhiều thị trường. Tuy nhiên, điều này cũng tạo ra áp lực cạnh tranh đối với các ngành sản xuất tại nước nhập khẩu, khiến các nước này phải sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại.
Theo Cục Phòng vệ thương mại, tính đến hết tháng 8-2023, hàng hóa xuất khẩu Việt Nam phải đối mặt với 234 vụ điều tra phòng vệ thương mại từ 24 thị trường. Nhiều nhất là các vụ điều tra chống bán phá giá (129 vụ việc), tiếp đó là các vụ việc tự vệ (47 vụ việc), chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại (34 vụ việc) và chống trợ cấp (24 vụ việc).
Hàng hóa bị điều tra gồm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn như tủ gỗ, gỗ dán, pin năng lượng mặt trời, tôm, cá tra - basa, máy xịt rửa áp lực cao… hay các mặt hàng có kim ngạch nhỏ hơn như đệm mút, máy cắt cỏ, giấy bọc thuốc lá, hạt nhựa EPS, mật ong...
Trong bối cảnh đó, việc áp dụng các biện pháp cảnh báo sớm đã mang lại những kết quả tích cực. Theo ông Chu Thắng Trung, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, sau khi có Quyết định số 316/QĐ-TTg ngày 1-3-2020 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã nâng cấp và hoàn thiện hệ thống cảnh báo các mặt hàng có nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại. Hệ thống này hiện theo dõi khoảng 170 mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam, trong đó có nhiều thị trường xuất khẩu trọng điểm, cũng là những thị trường thường xuyên có các cuộc điều tra phòng vệ thương mại như Hoa Kỳ, EU, Canada, Australia, Ấn Độ...
“Chúng tôi đã sớm tiếp cận để cung cấp thông tin, trao đổi với các doanh nghiệp, hiệp hội về khả năng, nguy cơ xảy ra điều tra phòng vệ thương mại và những việc cần chuẩn bị trước. Đồng thời, khuyến nghị doanh nghiệp tích cực, chủ động khi phải tham gia các vụ việc này. Bởi khi nước nhập khẩu tiến hành điều tra thì vẫn có những kết luận ảnh hưởng đến xuất khẩu của chúng ta, nhưng mức độ tác động và ảnh hưởng sẽ giảm thiểu nhiều”, ông Trung nêu.
Đánh giá cao tác dụng của hệ thống cảnh báo sớm các biện pháp phòng vệ thương mại, ông Vũ Văn Phụ, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Nhôm Việt Nam chia sẻ, ngành nhôm đã tuyên truyền rộng rãi tới các doanh nghiệp về thực trạng, sự phổ biến của xu hướng bảo hộ sản xuất trong nước của các thị trường xuất khẩu.
Hiệp hội cũng khuyến cáo các doanh nghiệp cần chủ động trang bị cho mình đầy đủ các kiến thức về phòng vệ thương mại và sử dụng biện pháp phòng vệ thương mại như một công cụ để bảo vệ ngành hàng và doanh nghiệp của mình.
Các doanh nghiệp trong ngành cũng cần đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa thị trường. Đặc biệt, Hiệp hội khuyến khích, khuyến cáo các doanh nghiệp sản xuất không nên cạnh tranh bằng giá, vì nguy cơ bị điều tra về phòng vệ thương mại là rất lớn.