Tăng chất lượng khám chữa bệnh tuyến cơ sở để giảm tải tuyến cuối
Thành phố Hồ Chí Minh có nhiều cơ sở y tế tuyến cuối, nên tiếp đón nhiều bệnh nhân các tỉnh, thành phía Nam về khám chữa bệnh. Tuy nhiên, vấn đề này cũng làm phát sinh nhiều vấn đề.
Trọng trách “tuyến cuối”
Theo Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh, tính đến tháng 11-2023, thành phố có 129 bệnh viện (gồm 12 bệnh viện bộ, ngành; 32 bệnh viện thành phố, 19 bệnh viện quận/huyện và 66 bệnh viện tư nhân)… Trong số này, có 22 bệnh viện được Bộ Y tế giao nhiệm vụ là tuyến cuối về chuyên môn kỹ thuật, phát triển y tế chuyên sâu hàng đầu của khu vực phía Nam; 45 bệnh viện được công nhận là cơ sở đào tạo liên tục.
Vì vậy, thành phố Hồ Chí Minh tiếp nhận một lượng lớn bệnh nhân từ các tỉnh thành phía Nam về khám chữa bệnh. Tuy nhiên, việc này cũng gây ra nhiều vấn đề nan giải mà bảo hiểm y tế là một ví dụ điển hình.
Theo Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thu Hằng năm 2023, thành phố được giao dự toán khám chữa bệnh bảo hiểm y tế là 21.097 tỷ đồng (tăng 1 tỷ đồng so với năm 2022). Tuy nhiên, ước chi cả năm 2023 sẽ khoảng 22.579 tỷ đồng, mất cân đối khoảng 1.400 tỷ đồng (trong khi chỉ có thể xin Chính phủ bổ sung tối đa 800 tỷ đồng).
“Riêng trong 9 tháng của năm 2023, các cơ sở y tế tại thành phố Hồ Chí Minh đã tiếp nhận gần 15 triệu lượt khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, tăng hơn 22% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó ngoại trú là 13,7 triệu lượt, nội trú là 1,3 triệu lượt. Thành phố đã chi 16.429 tỷ đồng bảo hiểm y tế, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2022 (tăng 2.200 tỷ đồng). Nguyên nhân tăng là do số ca bệnh nặng tăng, số lượt khám chữa bệnh ngoại tỉnh tăng cao do thông tuyến huyện…”, bà Nguyễn Thu Hằng thông tin.
Giữa đông đúc bệnh nhân ngồi chờ khám tại Bệnh viện Đại học Y dược thành phố Hồ Chí Minh, chúng tôi hỏi chuyện ông Lương Trung Kiên, ngụ tại Khu đô thị Chí Linh, thành phố Vũng Tàu lên khám bệnh. Ông nói: “Tôi bị run tay chân. Các bác sĩ phòng khám gần nhà và Bệnh viện thành phố Vũng Tàu nói cần khám và xét nghiệm chuyên sâu. Hoặc tôi chờ phiên khám của các bác sĩ thành phố Hồ Chí Minh về địa phương, hoặc lên thành phố khám bệnh. Do không muốn đợi lâu nên tôi đã lên đây. Đông một chút, nhưng có thể khám trong ngày”.
Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh cho biết, như thường lệ, các tháng cuối năm sẽ là giai đoạn nhiều sức ép với các cơ sở y tế tại thành phố vì lượng bệnh nhân ở tỉnh đẩy lên rất cao do nhiều nguyên nhân, nhưng các bệnh viện không được từ chối tiếp nhận. Khi khám ra bệnh, điều trị ổn, mới có thể đưa về địa phương tiếp tục theo dõi, điều trị…
Hiện thực hóa giải pháp
Theo Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh, để giảm tải bệnh viện tuyến cuối, chỉ có 2 cách: Tăng cường phối hợp với ngành Y tế các tỉnh trong quản lý bệnh nhân và tăng khả năng điều trị tuyến dưới.
Để hiện thực hóa các giải pháp này, ngày 3-11 vừa qua, lãnh đạo Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh và 5 tỉnh vùng Đông Nam Bộ (gồm Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh, Bình Phước) đã ký kết thỏa thuận hợp tác hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật chuyên khoa sâu, chia sẻ kinh nghiệm về phát triển y tế cơ sở, liên thông dữ liệu quản lý ngành.
Trọng tâm gồm: Hợp tác, hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật giữa các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến cuối trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh và các bệnh viện tuyến tỉnh thuộc vùng Đông Nam Bộ. Xây dựng mạng lưới các chuyên khoa từ các bệnh viện tuyến cuối tại thành phố Hồ Chí Minh đến các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện và tuyến y tế cơ sở, ưu tiên các chuyên khoa sản, nhi, ngoại thần kinh và ngoại chấn thương, đột quỵ, tim mạch, ung bướu…
Cùng với đó, Cơ quan kiểm soát bệnh tật (CDC) các địa phương cũng ký kết Bản ghi nhớ tăng cường hợp tác, nâng cao hiệu quả phòng, chống dịch. Trong đó có các nội dung hợp tác như: Thiết lập kênh chia sẻ thông tin về tình hình dịch bệnh, các sự kiện hoặc có vấn đề y tế công cộng tại địa phương; chia sẻ chuyên môn, kỹ thuật, mô hình hay và sáng tạo, hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch bệnh…
Trước đó, Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh cũng đã ký kết tăng cường hợp tác với Sở Y tế 13 tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long với 2 cấp độ. Một là hợp tác song phương giữa các cơ sở y tế trong chuyển giao kỹ thuật giữa bệnh viện tuyến cuối và bệnh viện địa phương.
Hai là hợp tác xây dựng và phát triển mạng lưới y tế chuyên sâu từ bệnh viện tuyến cuối đến tuyến y tế cơ sở, từ thành phố Hồ Chí Minh đến các tỉnh, thành miền Tây; ưu tiên các bệnh lý nguy hiểm có nguy cơ tử vong cao như ung thư, đột quỵ, tim mạch, ngoại chấn thương, sản khoa, nhi khoa.
Giám đốc Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh Tăng Chí Thượng cho biết, ngành Y tế các địa phương sẽ ưu tiên phối hợp xây dựng nền tảng ứng dụng kết nối, liên thông dữ liệu quản lý hành nghề khám, chữa bệnh...
"Cùng với đó, tham mưu các cấp chính quyền sớm có cơ chế chính sách hấp dẫn để phát triển thêm các phòng khám vệ tinh hoặc hình thành thêm cơ sở 2 của các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến cuối của thành phố Hồ Chí Minh đặt tại các tỉnh thành khu vực phía Nam, phục vụ khám chữa bệnh ngay tại cơ sở", ông Tăng Chí Thượng thông tin.