Phối hợp hành động để thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của Quốc hội
Sáng 6-11, trước phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày Báo cáo tổng hợp nội dung thẩm tra về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn và nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết kỳ họp thứ tư.
Tại kỳ họp thứ sáu, Quốc hội sẽ xem xét việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn. Trên cơ sở báo cáo thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội đã có báo cáo gồm 74 trang, tổng hợp nội dung thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội, gửi đến các đại biểu Quốc hội.
Tổng Thư ký Quốc hội cho biết, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ tiến hành giám sát việc thực hiện 10 nghị quyết trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến kỳ họp thứ tư về giám sát chuyên đề và chất vấn, liên quan tới 21 lĩnh vực, trong đó, có một số lĩnh vực được Quốc hội quan tâm, tiến hành giám sát nhiều lần.
Cụ thể, các lĩnh vực kế hoạch và đầu tư; tài chính; lao động, thương binh và xã hội; nội vụ: Có 2 nghị quyết chất vấn và 1 nghị quyết giám sát chuyên đề.
Lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội: Có 1 nghị quyết chất vấn và 2 nghị quyết giám sát chuyên đề.
Lĩnh vực tài nguyên và môi trường: Có 1 nghị quyết chất vấn và 1 nghị quyết giám sát chuyên đề.
Các lĩnh vực giáo dục và đào tạo; y tế; giao thông vận tải; nông nghiệp và phát triển nông thôn; xây dựng; ngân hàng; thông tin và truyền thông; thanh tra: Có 2 nghị quyết chất vấn.
Ngoài ra, có một số lĩnh vực được giám sát thông qua một trong các nghị quyết gồm: Công thương; văn hóa, thể thao và du lịch; khoa học và công nghệ; tư pháp; tòa án; kiểm sát; kiểm toán.
Qua tổng hợp các báo cáo thẩm tra, Tổng Thư ký Quốc hội nhận định, các báo cáo của Chính phủ, Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao và Kiểm toán Nhà nước đánh giá việc thực hiện đã bám sát các nội dung trong nghị quyết của Quốc hội, đã khái quát những kết quả đạt được, một số hạn chế, bất cập trong việc thực hiện các nghị quyết về giám sát chuyên đề và chất vấn, chỉ ra được nguyên nhân và xác định các giải pháp cụ thể để tiếp tục thực hiện trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, một số báo cáo gửi đến các cơ quan của Quốc hội để thẩm tra bổ sung còn chậm so với thời hạn yêu cầu, một số nội dung trong báo cáo chủ yếu liệt kê các công việc đã triển khai trong thời gian qua mà chưa có sự đánh giá, phân tích, so sánh về hiệu quả, cũng như đánh giá sự chuyển biến từ khi triển khai các yêu cầu, giải pháp nêu trong nghị quyết của Quốc hội.
Một số báo cáo cũng chưa nêu rõ những nhiệm vụ đã hoàn thành, những nhiệm vụ chưa hoàn thành, những nhiệm vụ đang trong quá trình triển khai thực hiện theo yêu cầu; một số tồn tại, hạn chế, nhiệm vụ, giải pháp còn chung chung, chưa gắn với quá trình tổ chức thực hiện; chưa làm rõ được trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan.
Báo cáo tóm tắt đã đánh giá rõ những kết quả đạt được cũng như những tồn tại, hạn chế đối với 21 lĩnh vực.
Về một số vấn đề đặt ra sau giám sát, Tổng Thư ký Quốc hội nhấn mạnh, công tác giám sát lại cần được tiếp tục triển khai để đảm bảo các nghị quyết của Quốc hội được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc; đánh giá được sự chuyển biến so với yêu cầu, mục tiêu, chỉ tiêu đặt ra trong các nghị quyết của Quốc hội.
Để thực hiện có hiệu quả công tác giám sát lại trong các giai đoạn tiếp theo, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội cần chủ động, tích cực tổ chức giám sát, khảo sát để phục vụ việc xây dựng báo cáo thẩm tra các báo cáo của Chính phủ, Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Kiểm toán Nhà nước về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn.
Chính phủ, Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Kiểm toán Nhà nước cần đề cao trách nhiệm cá nhân, công tác phối hợp hành động để thực hiện có hiệu quả hơn các nghị quyết của Quốc hội; chú trọng công tác ban hành văn bản kế hoạch triển khai, phân công thực hiện đối với từng nghị quyết, giao cơ quan chủ trì báo cáo, đầu mối phối hợp, theo dõi, đôn đốc việc thực hiện; những vấn đề cần phối hợp nhiều cơ quan, cần có lãnh đạo cấp trên trực tiếp theo dõi, chỉ đạo thực hiện sau khi có nghị quyết của Quốc hội.