Căng thẳng ngoại giao Belarus - Ba Lan leo thang: Nỗi lo bất ổn an ninh lan rộng
Căng thẳng ngoại giao giữa Belarus và Ba Lan có dấu hiệu ngày càng leo thang khi hai bên liên tục cáo buộc lẫn nhau vi phạm không phận. Trong bối cảnh cuộc xung đột Nga - Ukraine chưa thấy hồi kết, mâu thuẫn Belarus - Ba Lan gia tăng khiến dư luận lo ngại bất ổn an ninh tại châu Âu sẽ lan rộng. Lo ngại này có cơ sở khi Belarus là đồng minh của Nga, còn Ba Lan là thành viên Liên minh châu Âu (EU) - khối hậu thuẫn Ukraine suốt thời gian qua.
Trong động thái mới nhất, Bộ Ngoại giao Belarus đã triệu tập đại biện lâm thời Ba Lan tại thủ đô Minsk (Belarus) để yêu cầu phía Ba Lan giải thích thỏa đáng và tiến hành một cuộc điều tra kỹ lưỡng về việc máy bay trực thăng quân sự Mi-24 của Ba Lan đã vượt qua biên giới vào lãnh thổ Belarus và bay ở độ cao cực thấp, chỉ 1.200m. Vụ việc xảy ra tại vùng Grodno ở gần đường biên giới dài khoảng 400km giữa hai nước.
Biên phòng Belarus cũng đăng trên mạng xã hội X (trước đây là Twitter) một đoạn video quay cảnh chiếc trực thăng bay qua biên giới nước này. Đây là lần thứ 5, Belarus cáo buộc Ba Lan xâm phạm không phận kể từ đầu tháng 9-2023. Belarus yêu cầu Vacsava thực hiện các biện pháp hiệu quả để ngăn chặn những sự việc tương tự trong tương lai.
Cách đây 3 tháng, Ba Lan cũng cáo buộc về việc 2 máy bay trực thăng của Belarus vi phạm không phận. Bộ Quốc phòng nước này đã tuyên bố điều thêm 10.000 quân đến biên giới miền Đông, giáp với Belarus. Tuy nhiên, quân đội Belarus phủ nhận cáo buộc trên và cho rằng Ba Lan đang “tạo cớ” để biện minh cho việc tăng cường quân sự cũng như phương tiện đến biên giới.
Theo nhiều phân tích, nguyên nhân căng thẳng giữa hai nước bắt nguồn từ cuộc bầu cử Tổng thống Belarus năm 2020, thời điểm Ba Lan tích cực ủng hộ phe đối lập với đảng của ông Alexander Lukashenko - người giành thắng lợi trong cuộc bầu cử này. Sau đó, Belarus đã không ngần ngại lên tiếng chỉ trích Ba Lan và một số quốc gia EU đứng sau các cuộc biểu tình bạo lực tại hơn 30 thành phố để phản đối kết quả bầu cử tổng thống ở Belarus; đồng thời coi đây như một phiên bản của “cách mạng sắc màu” mới trong không gian hậu Xô Viết nhằm lật đổ nhà lãnh đạo lâu năm tại nước này.
Tiếp theo đó, vào năm 2021, đến lượt Ba Lan cáo buộc Belarus gây ra cuộc khủng hoảng tại biên giới khi đẩy hàng chục nghìn người di cư từ Trung Đông và châu Phi qua biên giới sang Ba Lan. Động thái này được cho là nằm trong kế hoạch gây bất ổn châu Âu. Để ngăn chặn dòng người di cư, Chính phủ Ba Lan đã cho xây dựng một bức tường trị giá 400.000 USD dọc theo biên giới giữa 2 nước.
Sau khi cuộc xung đột Nga - Ukraine bùng phát, “chiến tuyến” giữa Belarus và Ba Lan ngày càng được vạch rõ. Ba Lan - một quốc gia thành viên của EU và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hậu thuẫn Ukraine. Trong khi đó, Belarus là đồng minh của Nga. Không ít nhận định rằng, “Bức màn sắt” vốn ngăn giữa Đông Đức và Tây Đức trong thời kỳ chiến tranh Lạnh nay đã được dịch chuyển về khu vực biên giới giữa Belarus với Ba Lan và Litva, nơi chỉ cách Kaliningrad - lãnh thổ cực Tây của Nga khoảng 100km thông qua hành lang Suwalki Gap.
Vùng đất Kaliningrad chỉ có diện tích 15.000km2 của Nga rất nhỏ bé nhưng có giá trị đặc biệt về quân sự và chiến lược: Phía Bắc giáp Litva, phía Nam giáp Ba Lan, phía Tây là biển Baltic. Trong gần 2 năm qua, “tiền đồn” của Nga tại châu Âu này được ví như một pháo đài quân sự với sự hiện diện của hệ thống lá chắn tên lửa S-400 và tên lửa Iskander có tầm bắn đến 500km, có thể vươn tới Litva, một phần lớn lãnh thổ Ba Lan, Latvia và Estonia. Ngoài ra, Nga còn tăng cường phòng thủ bằng hệ thống tên lửa SSC-5 Bastion có tầm bắn đến 300km, và tên lửa SSC 1 Sepal, tầm bắn 450km. Tổng cộng quân số Nga được triển khai tại Kaliningrad ước tính lên đến 30.000 lính.
Các nước phương Tây lo ngại, trong trường hợp chiến tranh xảy ra, Nga sẽ kiểm soát hành lang Suwalki Gap, dải đất nối Belarus với Kaliningrad để cắt đường liên thông các nước vùng Baltic (gồm Litva, Latvia, Estonia) với phần còn lại của châu Âu. Việc Belarus là đồng minh của Nga càng khiến Ba Lan phải thận trọng nhất là khi chính quyền Tổng thống Alexander Lukashenko đã tiếp nhận khoảng 8.000 tay súng thuộc Tập đoàn quân sự Wagner từ Nga.
Theo nhiều nhà phân tích, 2 yếu tố nói trên mới là lý do chính để Ba Lan điều thêm quân tới biên giới với Belarus và không ngừng triển khai các động thái thăm dò. Điều này sẽ khiến quan hệ giữa Belarus và Ba Lan, vốn bị đóng băng trong nhiều năm, tiếp tục rơi xuống mức thấp hơn nữa.