Các chính sách tài khóa: "Trợ lực" hồi phục nền kinh tế
Trong bối cảnh đất nước bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, nhiều chính sách tài khóa hỗ trợ đã được ban hành và phát huy hiệu quả, giúp cộng đồng doanh nghiệp vượt qua khó khăn và hồi phục nền kinh tế. Dự báo, năm 2024, doanh nghiệp còn gặp không ít khó khăn nên nhiều chính sách hỗ trợ dự kiến tiếp tục được thực hiện.
Các chính sách hỗ trợ lớn chưa từng có
Theo Bộ Tài chính, đại dịch Covid-19 cùng sự biến đổi khí hậu, thiên tai, bão lũ, biến động chính trị, kinh tế thế giới... đã làm cho nền kinh tế trong nước phải đối mặt với khó khăn, thách thức lớn, rất gay gắt, nặng nề.
Trong bối cảnh đó, các chính sách tài khóa hỗ trợ doanh nghiệp, nền kinh tế đã được triển khai. Từ năm 2020 đến nay, tổng trị giá của các giải pháp miễn giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất đã lên đến khoảng 700 nghìn tỷ đồng. Riêng năm 2023 là khoảng 196 nghìn tỷ đồng. Như vậy, trong giai đoạn 2020-2023, các chính sách hỗ trợ cho nền kinh tế ở mức lớn chưa từng có.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Phan Đức Hiếu đánh giá, Nhà nước đã phản ứng chính sách nhanh, đưa ra các chương trình hỗ trợ kịp thời, đồng bộ. Các chính sách nhanh chóng đi vào cuộc sống, từ đó đã góp phần phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trong nước sau dịch Covid-19.
Từ góc độ doanh nghiệp, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Viglacera Tiên Sơn Trương Ngọc Minh chia sẻ, chính sách giãn thuế, giảm thuế rất thiết thực, giúp doanh nghiệp vượt qua những khó khăn, ổn định sản xuất, kinh doanh cả trong ngắn hạn cũng như trung hạn và dài hạn.
Đề xuất tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng
Sau thời gian dài chống chịu dịch Covid-19, nay tiếp tục đối mặt với tác động tiêu cực của kinh tế thế giới, cộng đồng doanh nghiệp vẫn đang gặp không ít khó khăn.
Trong khi đó, tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong năm 2023 gặp nhiều thách thức. Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2023 được dự báo chỉ ở mức trên 5%, là mức tương đối thấp trong nhiều thập niên qua (trừ 2 năm dịch Covid-19 là 2020 và 2021). Tình trạng khó khăn này được dự đoán sẽ tiếp tục trong giai đoạn đầu năm 2024 khi kinh tế thế giới chưa kịp phục hồi.
Bộ Tài chính cho biết, để kịp thời ứng phó với diễn biến tình hình kinh tế - xã hội, đồng thời cân nhắc, tính toán phù hợp với điều kiện thực tế, Bộ đã nghiên cứu, đề xuất một số giải pháp về giảm thuế, phí, lệ phí cho năm 2024 như: Tiếp tục xem xét giảm 2% thuế giá trị gia tăng và xem xét giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu như đã áp dụng của năm 2023; tiếp tục rà soát giảm mức thuế suất thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu để hỗ trợ sản xuất, kinh doanh trong nước; giảm mức thu một số khoản phí, lệ phí.
Riêng với thuế giá trị gia tăng, Bộ Tài chính kiến nghị tiếp tục xem xét thực hiện chính sách giảm 2% trong 6 tháng đầu năm 2024, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% (còn 8%), trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ sau: Viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, sản xuất kim loại và sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, ngành khai khoáng (không kể khai thác than), sản xuất than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất, các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng sau thời điểm 30-6-2024 nếu tình hình kinh tế và doanh nghiệp, người dân vẫn còn khó khăn, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.
Theo tính toán của Bộ Tài chính, việc giảm thuế giá trị gia tăng 2% trong 6 tháng đầu năm 2024 sẽ làm giảm thu ngân sách nhà nước khoảng 25 nghìn tỷ đồng (4.175 tỷ đồng/tháng). Trong đó, mức giảm thu nội địa mỗi tháng là khoảng 2.700 tỷ đồng; giảm thu từ nhập khẩu khoảng 1.475 tỷ đồng.
Phần hụt thu này, các bộ, ngành, địa phương tiết kiệm chi thường xuyên, triển khai giải pháp quản lý thuế, chống chuyển giá, trốn thuế... để bù đắp. Đổi lại, việc áp dụng chính sách giảm thuế giá trị gia tăng, cũng như một số loại thuế, phí, được đánh giá là rất cần thiết, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp lấy lại đà tăng trưởng, tạo việc làm cho người lao động, từ đó đóng góp ngân sách bền vững.
Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính):
Doanh nghiệp có thêm nguồn lực tài chính vượt qua khó khăn
Chính sách tài khóa có vai trò rất quan trọng trong việc hỗ trợ quá trình hồi phục và tăng trưởng của các doanh nghiệp. Thời gian qua, trong bối cảnh khó khăn của nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã đưa ra nhiều phản ứng chính sách kịp thời, trong đó không thể không kể đến chính sách gia hạn thuế và tiền thuê đất, miễn giảm thuế, phí... Doanh nghiệp có thêm nguồn lực tài chính vượt qua khó khăn, duy trì sản xuất, kinh doanh mà không phải đi vay và trả lãi vay.
Tôi nhận thấy, trong triển khai các chính sách tài khóa hỗ trợ doanh nghiệp, cần có đánh giá từng ngành nghề, lĩnh vực, chẳng hạn như xem sức hấp thụ của ngành đó đến đâu, để có phương pháp hỗ trợ phù hợp, cân đối giữa hỗ trợ ngắn hạn trước mắt và đầu tư phát triển lâu dài... Trong thời gian tới, nhiều chính sách hỗ trợ sẽ tiếp tục được triển khai. Với kinh nghiệm trong thời gian qua, tôi nghĩ việc áp dụng những chính sách này trong năm 2024 sẽ không gặp nhiều khó khăn.
Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội Mạc Quốc Anh:
Nên giảm thuế giá trị gia tăng với các loại hàng hóa
Các chính sách miễn, giảm thuế trong thời gian qua được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao. Thời điểm được miễn, giảm thuế cũng rất kịp thời, bởi sau một thời gian chống chọi với dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Cộng đồng doanh nghiệp rất vui mừng khi Bộ Tài chính đề xuất tiếp tục giảm 2% thuế giá trị gia tăng trong 6 tháng đầu năm 2024. Việc tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng sẽ hỗ trợ doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, tạo công ăn việc làm. Tuy nhiên, trên thực tế khi triển khai việc giảm thuế giá trị gia tăng trong 2 năm qua, doanh nghiệp gặp khó khăn, vướng mắc trong việc xác định hàng hóa nào được giảm, hàng hóa nào không được giảm thuế... Vì vậy, thay vì áp dụng với những nhóm hàng hóa nhất định, tôi mong muốn cơ quan soạn thảo xem xét phương án giảm thuế giá trị gia tăng đối với tất cả các loại hàng hóa, dịch vụ từ mức 10% xuống mức 8% trong 6 tháng đầu năm 2024 nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp khi triển khai.
Chị Nguyễn Trà My, quận Long Biên:
Kích cầu tiêu dùng nội địa
Thuế giá trị gia tăng là loại thuế gián thu, được cấu thành trong giá bán của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ. Thực tế cho thấy, khi giảm thuế giá trị gia tăng, người tiêu dùng mua được hàng hóa, dịch vụ với giá bán thấp hơn, từ đó, góp phần giảm trực tiếp chi phí tiêu dùng của người dân.
Vì vậy, là người tiêu dùng, tôi rất vui khi Bộ Tài chính đề xuất tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8%, bởi sẽ giúp người tiêu dùng tiết kiệm chi phí mỗi khi mua hàng hóa, đặc biệt trong bối cảnh thu nhập giảm. Điều này cũng hoàn toàn phù hợp với mong muốn của nhiều người tiêu dùng. Đây cũng là một trong những cách hỗ trợ thiết thực nhất cho người tiêu dùng.
Khi giảm thuế giá trị gia tăng, giá hàng hóa, dịch vụ giảm, từ đó giúp kích cầu tiêu dùng nội địa, doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh. Đây là giải pháp rất quan trọng khi mà đơn hàng xuất khẩu của doanh nghiệp sụt giảm, phải chú ý nhiều hơn đến thị trường trong nước. Qua đó cũng làm rõ sự đồng hành của cơ quan quản lý với doanh nghiệp, người dân
Thanh Hương ghi