Sách

Lịch sử thế giới từ góc nhìn ngôn ngữ

Vân Lam 06/11/2023 - 06:39

Có nhiều cách để kể lại lịch sử thế giới, qua sự phát triển của các nền văn minh, qua hệ thống và mô hình xã hội, các cuộc chiến tranh, bối cảnh địa kinh tế - địa chính trị, hay qua góc nhìn ngôn ngữ.

“Các đế chế ngôn từ” của tác giả Nicholas Ostler là một trong số ít công trình bàn về lịch sử bao quát của các ngôn ngữ trên thế giới, thông qua đó giúp chúng ta hình dung thêm về lịch sử loài người.

Khảo sát các ngôn ngữ lớn trên thế giới, “Các đế chế ngôn từ” vẽ ra một bản đồ của những ngôn ngữ đã và đang được sử dụng trên khắp thế giới, chỉ ra cội nguồn và mối quan hệ giữa chúng. Đó là các ngôn ngữ được truyền bá qua nhiều con đường khác nhau, như tiếng Ai Cập, tiếng Hán Phạn, tiếng Hy Lạp, tiếng Celt, tiếng La Mã, tiếng German, tiếng Slav..., hay tiếng Latin, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Bồ Đào Nha, tiếng Pháp, tiếng Nga, tiếng Anh...

Điểm thú vị của cuốn sách là ở chỗ, tác giả bàn luận về lịch sử ngôn ngữ của nhân loại dưới góc nhìn bao quát, gồm cả lịch sử của từng ngôn ngữ riêng lẻ và mối quan hệ giữa các ngôn ngữ với nhau, cũng như sự liên kết giữa ngôn ngữ và lịch sử loài người.

Ông cho rằng: “Lịch sử ngôn ngữ của thế giới có thể mô tả hùng hồn về đặc điểm thực của các dân tộc, những chuyển động và thay đổi trong quá khứ, đồng thời đưa ra nhiều gợi ý sâu rộng cho tương lai”, và “Ngôn ngữ vừa mang lại sự sống cho lịch sử chung của một cộng đồng, vừa giúp kể lại lịch sử đó”.

Bởi vậy, trong “Các đế chế ngôn từ”, tác giả không đi sâu vào các đặc điểm về ngữ pháp hay âm vị học của từng ngôn ngữ, mà so sánh các ngôn ngữ ở cấp độ vĩ mô. Ông khẳng định các đặc điểm ngôn ngữ thực sự tạo ra khác biệt, lý giải nguyên nhân khiến một ngôn ngữ trở nên quan trọng để có thể lan truyền xa và tồn tại lâu dài, đồng thời bàn về mối liên hệ giữa ngôn ngữ với chính trị, tôn giáo, thương mại, xã hội, văn hóa...

Chẳng hạn như, ông xem xét đến tiếng Akkad, tiếng Aramaic và tiếng Ả Rập, những ngôn ngữ Semitic Tây nối tiếp nhau trong các nền văn minh và đế chế ở Trung Đông; xem xét song song tiếng Trung Quốc và tiếng Ai Cập như phương tiện của các truyền thống văn hóa có uy tín lớn; bàn về tiếng Tây Ban Nha ở Tân Thế giới; về tiếng Bồ Đào Nha, tiếng Hà Lan, tiếng Pháp và tiếng Nga, như một sự tương phản với lịch sử của tiếng Anh.

Nội dung chính của cuốn sách được chia thành 4 phần, 14 chương, mở đầu về sự bất đồng của các ngôn ngữ, bản chất của lịch sử ngôn ngữ và khép lại với khảo sát về 20 ngôn ngữ hàng đầu, đồng thời tóm tắt về quá khứ, hiện tại và các yếu tố tiềm năng trong tương lai ảnh hưởng đến sự lan truyền của các ngôn ngữ.

Dày hơn 800 trang, “Các đế chế ngôn từ” được coi là “hơi thách thức sự đọc” nhưng nếu nhẩn nha nghiên cứu, cuốn sách thực sự thú vị, đặc biệt là với những độc giả muốn có cái nhìn tổng quan về lịch sử phát triển và thăng trầm của những ngôn ngữ lớn trên toàn thế giới, hay muốn biết về nguồn gốc xuất xứ - quan hệ "họ hàng" của những ngôn ngữ thông dụng như Anh - Trung - Tây Ban Nha.

Ra mắt công chúng lần đầu vào năm 2005 tại Anh, cuốn sách nhận được nhiều lời khen ngợi từ các tờ báo danh tiếng: “Đây là một cuốn sách hay. Sau khi đọc nó, bạn sẽ không bao giờ nghĩ về ngôn ngữ theo cùng một cách nữa, và bạn có thể nghĩ về thế giới và tương lai của nó theo một cách khá khác”. Tác giả của cuốn sách được vinh danh là đã “mở ra một con đường phân tích lịch sử mới, nơi "động lực ngôn ngữ" trở thành một công cụ để nghiên cứu xã hội”.

Cuốn sách “Các đế chế ngôn từ” do Omega Plus và NXB Thế giới liên kết xuất bản.