Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) Ngô Khải Hoàn: Thể chế hóa các chủ trương phát triển công nghiệp
Bộ Công Thương là cơ quan được giao nghiên cứu, xây dựng dự án Luật Công nghiệp trọng điểm nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển công nghiệp, đồng thời giải quyết những hạn chế, bất cập trong thực tiễn phát triển.
Xung quanh nội dung này, phóng viên Báo Hànộimới đã trao đổi với Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) Ngô Khải Hoàn.
Phù hợp với bối cảnh và định hướng
- Ông có thể cho biết vì sao đây là thời điểm thích hợp để cho ra đời dự án Luật Công nghiệp trọng điểm?
- Mặc dù Đảng đã đề ra chủ trương công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước qua nhiều kỳ đại hội (từ Đại hội lần thứ VIII), tuy nhiên, nhiều chỉ tiêu, tiêu chí trong mục tiêu phấn đấu để đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại chưa đạt được. Nguyên nhân chủ yếu là do chưa thể chế hóa một cách có hiệu lực, hiệu quả các chủ trương của Đảng, mà tiêu biểu là chưa có một hệ thống pháp luật thống nhất để cụ thể hóa các tiêu chí về công nghiệp hóa làm cơ sở để thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên.
Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra các mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong thời kỳ mới. Bộ Chính trị đã có Kết luận số 19-KL/TƯ ngày 14-10-2021 định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Trên cơ sở đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Kế hoạch số 81/UBTVQH15, trong đó đã giao Bộ Công Thương chủ trì nghiên cứu, xây dựng, trình một đạo luật về phát triển công nghiệp và đưa vào Chương trình xây dựng luật giai đoạn 2022-2023.
Mới nhất, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TƯ ngày 17-11-2022 về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, với quan điểm, định hướng: “Thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa cần có lộ trình và bước đi cụ thể, có trọng tâm, trọng điểm; ưu tiên nguồn lực, có các cơ chế, chính sách đột phá, phù hợp để phát triển các cực tăng trưởng, các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn, công nghiệp hỗ trợ” và “ưu tiên xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật chuyên ngành về phát triển công nghiệp quốc gia và các lĩnh vực công nghiệp đặc thù”. Do vậy, thời điểm này thích hợp để cho ra đời dự án Luật Công nghiệp trọng điểm.
- Những ngành công nghiệp trọng điểm nào dự kiến sẽ được quy định tại dự án luật này, thưa ông?
- Các ngành dự kiến được xác định trên cơ sở các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp mũi nhọn, ưu tiên theo Nghị quyết số 29-NQ/TƯ. Cụ thể là: Công nghiệp hỗ trợ cho các ngành dệt may, da - giày, điện tử, sản xuất lắp ráp ô tô, cơ khí chế tạo, công nghệ cao; công nghiệp vật liệu, luyện kim; công nghiệp cơ khí; công nghiệp điện tử; công nghiệp thực phẩm, sinh học; các ngành công nghiệp khác theo định hướng phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ do Chính phủ ban hành.
Các ngành công nghiệp năng lượng; công nghiệp quốc phòng, an ninh; công nghiệp công nghệ số, công nghệ thông tin; công nghiệp hóa chất do đã có các đạo luật chuyên ngành điều chỉnh nên sẽ không thuộc phạm vi điều chỉnh của dự án Luật Công nghiệp trọng điểm.
Thúc đẩy công nghiệp phát triển gắn với xu hướng chung
- Hiện nay, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp công nghiệp trong nước vẫn còn nhiều hạn chế, theo ông đâu là nguyên nhân?
- Năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp công nghiệp hiện còn rất thấp, nguyên nhân chủ yếu là dung lượng thị trường còn nhỏ, chưa đủ điều kiện để các doanh nghiệp tận dụng lợi thế kinh tế theo quy mô, sản xuất lớn để hạ giá thành và nâng cao năng lực cạnh tranh. Hầu hết các ngành công nghiệp có đặc thù cần nguồn vốn lớn, thời gian quay vòng vốn chậm, tỷ suất lợi nhuận không hấp dẫn so với nhiều ngành kinh tế khác. Do đó, việc tiếp cận nguồn vốn phù hợp là rất quan trọng.
Ngoài ra, năng suất của các doanh nghiệp còn thấp, chất lượng nguồn nhân lực chưa bảo đảm, trình độ công nghệ, quản trị của doanh nghiệp còn nhiều yếu kém.
- Vậy dự án Luật Công nghiệp trọng điểm đưa ra nội dung gì để khắc phục những hạn chế này, thưa ông?
- Các chính sách nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp công nghiệp sẽ khắc phục các hạn chế nêu trên. Thị trường cho các sản phẩm công nghiệp phát triển cả trong nước và xuất khẩu. Gia tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng với lãi suất phù hợp cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Hình thành các dịch vụ, hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp như: Cho thuê nhà xưởng, cho thuê tài chính trong lĩnh vực công nghiệp; thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp tiềm năng và doanh nghiệp dẫn đầu; thúc đẩy doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia chuỗi giá trị trong sản xuất công nghiệp…
Đồng thời, các giải pháp hỗ trợ nâng cao năng suất, chất lượng trong sản xuất của doanh nghiệp như: Phát triển nguồn nhân lực công nghiệp; nâng cao năng lực nghiên cứu và phát triển; hỗ trợ đổi mới quy trình sản xuất; ứng dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, nhà máy thông minh và công nghệ số…
- Nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm công nghiệp còn cần giải pháp về sản xuất xanh, phát triển bền vững. Theo ông, làm thế nào để thiết kế chính sách nhằm thúc đẩy các giải pháp này?
- Sản xuất xanh, phát triển bền vững là xu thế không thể đảo ngược của nền công nghiệp thế giới. Đặc biệt, sau đại dịch, người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến truy xuất nguồn gốc và trách nhiệm xã hội, ưu tiên lựa chọn các sản phẩm được sản xuất thân thiện với môi trường, sử dụng năng lượng xanh và bảo đảm lợi ích cho người lao động. Các doanh nghiệp đa quốc gia khi tìm kiếm địa điểm đầu tư cũng quan tâm nhiều hơn đến trách nhiệm của các doanh nghiệp nội địa đối với kinh tế tuần hoàn, bảo vệ môi trường.
Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp công nghiệp, đặc biệt là trong các ngành xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam cần đánh giá đúng và điều chỉnh hoạt động sản xuất cũng như chuỗi cung ứng để phù hợp với các tiêu chuẩn, quy tắc quốc tế. Việc xây dựng một thể chế phát triển công nghiệp theo hướng phát triển bền vững cũng sẽ thể hiện cam kết của Việt Nam đối với xu thế chung của quốc tế, tạo ra cơ hội thu hút đầu tư trong tương lai.
Dự án Luật Công nghiệp trọng điểm sẽ quy định các giải pháp thúc đẩy doanh nghiệp chủ động chuyển đổi từ mô hình sản xuất truyền thống sang mô hình tăng trưởng xanh. Cùng với đó, tạo cơ hội tiếp cận những chính sách ưu đãi, hỗ trợ đặc thù khi doanh nghiệp chuyển sang mô hình phát triển bền vững để mở rộng khả năng vươn ra chuỗi giá trị toàn cầu và thị trường quốc tế hiệu quả hơn. Thúc đẩy các mô hình sản xuất sạch hơn, kinh tế tuần hoàn, tăng cường trách nhiệm của doanh nghiệp đối với môi trường và xã hội.
- Xin ông cho biết tiến độ xây dựng dự án Luật Công nghiệp trọng điểm?
- Năm 2021, Bộ Công Thương đã báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội hồ sơ đề nghị xây dựng luật về phát triển công nghiệp, đề nghị bổ sung vào Chương trình xây dựng luật của Quốc hội trong nhiệm kỳ 2021-2025. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có ý kiến đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu dự án luật về phát triển công nghiệp, bảo đảm sự thống nhất trong hệ thống pháp luật quốc gia, đánh giá tác động đầy đủ các chính sách đối với kinh tế - xã hội để bảo đảm hiệu lực, hiệu quả trước khi trình Quốc hội.
Ngày 17-11-2022, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TƯ, xác định trong bối cảnh nguồn lực có hạn, cần ưu tiên phân bổ, sử dụng hợp lý nguồn lực cho một số ngành công nghiệp có tính chất nền tảng, mũi nhọn, ưu tiên (gọi chung là các ngành công nghiệp trọng điểm) để tạo tác động lan tỏa đến cả nền công nghiệp.
Thực hiện định hướng, chủ trương mới của Đảng; tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ Công Thương đã nghiên cứu, hoàn thiện, chỉnh lý hồ sơ Luật Công nghiệp trọng điểm, đang tổng hợp ý kiến các bộ, ngành, cơ quan liên quan để gửi Bộ Tư pháp thẩm định, báo cáo Chính phủ xem xét và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung vào Chương trình xây dựng luật của Quốc hội theo quy định.
- Trân trọng cảm ơn ông!