Đề xuất kỷ luật một số cán bộ cấp cao của EVN
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã thi hành kỷ luật khiển trách nhiều lãnh đạo cấp cao của đơn vị; đề xuất kỷ luật khiển trách với 1 nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn và thành viên Hội đồng thành viên kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn.
Chiều 4-11, tại họp báo Chính phủ thường kỳ, các cơ quan báo chí đề nghị Bộ Công Thương làm rõ về tình trạng cung ứng điện từ nay đến cuối năm, cách tính giá điện đã đúng, đủ và hợp lý chưa? Làm thế nào bảo đảm đủ nguồn điện để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội? Bên cạnh đó, liên quan đến kết luận thanh tra tại Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), đề xuất kiểm điểm lãnh đạo EVN thỏa đáng chưa?
Điều chỉnh giá điện theo lộ trình từng bước phù hợp
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân, để chủ động chuẩn bị các giải pháp bảo đảm cung ứng điện các tháng còn lại của năm 2023 và năm 2024, Bộ Công Thương đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp đảm bảo cung ứng điện.
Trong đó, tập trung vào các nhóm giải pháp như bảo đảm đầy đủ nguồn cung ứng nhiên liệu đầu vào (than, khí, dầu) cho sản xuất điện; đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các công trình nguồn - lưới điện trọng điểm, đặc biệt là đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối; đảm bảo vận hành an toàn, tin cậy các tổ máy phát điện; điều độ, vận hành hệ thống điện, huy động nguồn điện tối ưu kỹ thuật - kinh tế, bảo đảm chi phí hợp lý; đẩy mạnh tiết kiệm và sử dụng điện hiệu quả.
Về cách tính giá điện, ông Tân thông tin việc điều hành giá điện hiện được thực hiện theo Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg ngày 30-6-2017 của Thủ tướng Chính phủ. Đáng lưu ý, nếu thông số đầu vào biến động làm giá bán điện bình quân tăng từ 3% trở lên so với hiện hành thì được xem xét điều chỉnh tăng (nếu giảm thì điều chỉnh giảm tương ứng).
Vì điện là loại hàng hóa đặc biệt, việc điều chỉnh giá sẽ ảnh hưởng đến toàn xã hội nên Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg cũng quy định cần báo cáo Thủ tướng Chính phủ có ý kiến trong trường hợp ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô. Vì vậy, trong một số năm, giá điện đã được giữ ổn định để đảm bảo kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và đời sống người dân.
“Thực hiện chỉ đạo của Thường trực Chính phủ, Bộ Công Thương đang nghiên cứu sửa đổi Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg để xây dựng cơ chế điều chỉnh giá điện theo lộ trình từng bước phù hợp, vừa đảm bảo mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, vừa đảm bảo giá điện dần bám sát hơn với biến động của thị trường”, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân nhấn mạnh.
EVN đảm bảo đúng các kết luận thanh tra
Liên quan đến thanh tra nguồn cung ứng điện, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cho hay, Bộ Công Thương đã có kết luận thanh tra, được công bố vào tháng 7-2023, trong đó có nội dung quan trọng là công tác kiểm điểm.
Qua quá trình theo dõi, giám sát, Bộ Công Thương nhận thấy, về cơ bản các tập đoàn, tổng công ty, đặc biệt là EVN đã tổ chức thực hiện nghiêm túc, làm rõ trách nhiệm của các tập thể, cá nhân có liên quan được chỉ ra tại kết luận thanh tra.
Thông tin thêm, ông Hồ Sỹ Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cho hay, Kết luận thanh tra của Bộ Công Thương đã nêu 5 nhóm nội dung. Cụ thể: EVN và các đơn vị liên quan chậm đầu tư, hoàn thành một số nguồn và lưới điện; chậm khắc phục sự cố tổ máy của một số nhà máy nhiệt điện làm giảm khả năng cung cấp điện; không chấp hành nghiêm Chỉ thị số 29/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các quyết định, chỉ thị, văn bản chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công Thương về kế hoạch cung ứng điện, biểu đồ cung cấp nhiên liệu cho sản xuất điện, khiến bị động trong việc chuẩn bị nguồn điện, giảm dự phòng an ninh năng lượng.
Ngoài ra, điều độ, vận hành hệ thống điện mất cân đối trong nhiều thời điểm; vi phạm trong chỉ đạo, điều hành, lập lịch, điều độ vận hành hệ thống điện quốc gia mùa khô năm 2023 và cuối cùng là để gián đoạn nguồn cung ứng điện trên diện rộng, đặc biệt khu vực miền Bắc từ nửa cuối tháng 5 đến trung tuần tháng 6-2023, cắt điện đột ngột, không báo trước, gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng đến đời sống của người dân, hoạt động sản xuất - kinh doanh và môi trường đầu tư.
Từ kết luận thanh tra nêu trên, theo ông Hồ Sỹ Hùng, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước đã chỉ đạo EVN thực hiện kiểm điểm, căn cứ theo Nghị định của Chính phủ về cách thức thực hiện kiểm điểm và mức độ kỷ luật để rà soát, trên cơ sở đó, sau khi kiểm điểm thì lập Hội đồng kỷ luật đưa ra mức kỷ luật.
Về phía EVN, ông Hùng cho biết đã thực hiện kiểm điểm nghiêm túc và kiểm điểm rõ các vấn đề phát sinh, kể cả các giải pháp khắc phục, trên cơ sở đó báo cáo cơ quan chức năng, xin ý kiến Thanh tra Bộ Công Thương liên quan đến việc kiểm điểm đúng tồn tại mà kết luận nêu ra và quá trình đó đã xin ý kiến các bên liên quan.
Sau khi hoàn tất các thủ tục, EVN đã đề xuất và ra quyết định thi hành kỷ luật khiển trách lãnh đạo Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia A0 (Giám đốc và Phó Giám đốc); thực hiện kiểm điểm và ra quyết định khiển trách 1 Phó Tổng Giám đốc tập đoàn phụ trách Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia; đề xuất lên Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước báo cáo cấp có thẩm quyền kỷ luật một nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn và thành viên Hội đồng thành viên kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn
Tại họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn thông tin thêm, Thường trực Chính phủ đã họp về các giải pháp đảm bảo đủ điện cho sản xuất - kinh doanh và sinh hoạt của người dân những tháng cuối năm 2023 và năm 2024.