Y tế

Gia tăng vi khuẩn kháng thuốc sau đại dịch Covid-19

Thu Trang 04/11/2023 - 15:45

Sau đại dịch Covid-19, độ nhạy của nhiều vi khuẩn với kháng sinh có xu hướng giảm, thậm chí đề kháng ở mức cao, trong đó có nhóm kháng sinh mới, vốn được ưu tiên điều trị các nhiễm khuẩn hô hấp.

Thông tin trên được các chuyên gia chia sẻ tại hội nghị khoa học Hội Hô hấp Việt Nam - Hội Phổi Pháp Việt diễn ra ngày 4-11 nhân kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Việt - Pháp và 30 năm hợp tác y tế Pháp - Việt.

Tại hội nghị, hơn 1.000 chuyên gia, bác sĩ từ Việt Nam, Pháp, Australia, Mỹ đã cùng bàn các giải pháp quản lý kháng kháng sinh và các tổn thương phổi sau Covid-19.

img_6207.jpg
GS.TS Ngô Quý Châu phát biểu tại hội nghị.

Tại hội nghị, GS.TS Ngô Quý Châu, Chủ tịch Hội Hô hấp Việt Nam, Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội nhận định, Việt Nam là một trong các quốc gia gia tăng tình trạng kháng kháng sinh. Nguyên nhân do sử dụng kháng sinh không hợp lý tại các cấp của hệ thống chăm sóc sức khỏe như kê đơn không hợp lý; kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện chưa tốt; sử dụng kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi và trong cộng đồng… Đặc biệt, việc người dân tự ý sử dụng thuốc kháng sinh, tự ý tăng giảm hoặc bỏ liều cũng làm tăng nguy cơ kháng kháng sinh.

Còn theo PGS.TS Chu Thị Hạnh, Phó Chủ tịch Hội Hô hấp Việt Nam, Trưởng khoa Hô hấp Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, những kháng sinh đầu tay ưu tiên được lựa chọn cho điều trị nhiễm khuẩn hô hấp cộng đồng có 3 loại chính là nhóm penicilin, nhóm cephalosporin và nhóm macrolid. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu của nhiều công trình đã công bố tại Việt Nam và thế giới cho thấy, hiện nay, độ nhạy cảm của vi khuẩn đối với các kháng sinh này có xu hướng giảm dần, thậm chí mức độ đề kháng đang ở mức cao, đáng báo động.

Báo cáo tại hội nghị, theo GS.TS Hans Liu, Bệnh viện Bryn Mawr, Mỹ, hiện nay thế giới đang thiếu các phát minh về nhóm kháng sinh mới. Hơn 10 năm trở lại đây không có phát minh về kháng sinh mới, trong khi số lượng vi khuẩn kháng kháng sinh gia tăng mạnh, đặc biệt là sau đại dịch Covid-19.

“Dùng kháng sinh tốt nhất cho chỉ định, ngừng dùng kháng sinh khi không còn cần thiết với liệu trình ngắn hơn để giảm đề kháng kháng sinh”, GS.TS Hans Liu nói.

dai-bieu-du-hoi-nghi-anh-2.jpg
Quang cảnh hội nghị.

Trong khuôn khổ hội nghị, các chuyên gia còn bàn luận sâu về thực trạng tổn thương trên phổi ở người mắc Covid-19 kéo dài. Theo PGS.TS Chu Thị Hạnh, thời gian của Covid-19 kéo dài không chỉ là vài tháng như nhiều người bệnh vẫn nghĩ. Trên thực tế, không ít trường hợp 1-2 năm vẫn còn tổn thương phổi do Covid-19 để lại.

Di chứng trên phổi ở bệnh nhân Covid-19 kéo dài biểu hiện ở mức độ nghiêm trọng khác nhau, từ khó thở cho đến tổn thương phổi nặng, phải phụ thuộc vào máy thở. Một số triệu chứng kéo dài dai dẳng thường gặp nhất là khó thở, giảm khả năng vận động và giảm oxy máu, ho kéo dài, đau ngực. Ở người bệnh Covid-19 nặng, sau khi khỏi còn có thể gặp di chứng xơ phổi.

PGS.TS Nguyễn Thị Xuyên, Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam nêu thực trạng, hiện nay bệnh lý hô hấp ngày càng phức tạp. Ngoài các bệnh kinh điển còn xuất hiện những bệnh mới nổi chưa từng có trước đây. Thêm vào đó, diễn biến phức tạp khó lường của các bệnh hô hấp nhiễm trùng, tình trạng đề kháng kháng sinh của vi khuẩn cũng làm cho công tác chẩn đoán và điều trị gặp nhiều khó khăn...