Điểm đến

Sibu - thành phố của sự tận hưởng

Thịnh Quang 04/11/2023 - 10:41

Không chỉ du khách nước ngoài mà ngay cả người Malaysia cũng ít biết về thị trấn Sibu trên đảo Sarawak (Malaysia), trừ những ai thường qua lại trên dòng sông Rejang.

Vậy nhưng thị trấn ven sông này lại đang trên đường trở thành điểm đến “hot” nhờ bản sắc văn hóa và nền ẩm thực đậm chất Trung Hoa.

sibu.jpg
Một góc Sibu.

Một góc Trung Hoa trong lòng Malaysia

Thị trấn Sibu được lập ra vào năm 1862 bởi nhà thám hiểm và raj (vua) đảo Sarawak người Anh James Brooke. Sau khi cuộc khởi nghĩa Nghĩa Hòa Đoàn ở Trung Quốc thất bại, hơn 1.000 người Phúc Châu theo Công giáo di cư đến Sibu. Ngày nay, cộng đồng người Hoa vẫn chiếm số lượng đông nhất ở Sibu, đến mức thị trấn còn có biệt danh “Tân Phúc Châu”.

Trong hành trình khám phá Sibu, du khách nên dậy sớm để ngắm bình minh ở công viên Bukit Aup Jubilee. Công viên này được xây quanh một số ngọn đồi nhỏ và là nơi tuyệt vời để ngắm nhìn Sibu. Đây cũng là một điểm đến văn hóa nhờ những ngôi nhà sàn dài của người dân tộc thiểu số Iban.

Còn có hẳn một truyền thuyết Iban gắn liền với ngọn đồi Bukit Aup: Tương truyền rằng, có một công chúa người Iban tên là Naga Bari khi chết đã hóa thần ngự trị trên đỉnh cao nhất của đồi Bukit Aup. Người Iban vẫn lên đỉnh đồi đó làm lễ để cầu xin sự giúp đỡ của nữ thần. Ở giữa lưng chừng ngọn đồi còn có hồ Naga Bari - nơi nữ thần từng tắm ở đây. Tương truyền, bất kỳ cặp đôi nào hiếm muộn chỉ cần trầm mình xuống hồ là sẽ có con.

Đền Đại Bá Công (tiếng Malaysia là Tua Pek Kong) là điểm đến du lịch nổi tiếng nhất ở Sibu. Đại Bá Công là một nhân vật nửa lịch sử, nửa truyền thuyết quan trọng đối với người Hoa ở Malaysia và Singapore.

Theo truyền thuyết, Đại Bá Công di cư từ Trung Quốc đến đảo Penang. Ông đã xây dựng cộng đồng người Hoa ở Penang và được người dân lập đền thờ sau khi chết. Đền Đại Bá Công được xây dựng vào thập niên 1850 và trùng tu vào năm 1897. Ngôi đền 7 tầng được xây theo lối kiến trúc của những công trình Đạo giáo điển hình và được trang trí vô cùng công phu. Nhiều du khách ghé thăm đền Đại Bá Công để cầu mong cho việc kinh doanh của mình, vừa để chụp ảnh công trình vô cùng bắt mắt.

Đền Đại Bá Công chỉ cách chợ trung tâm Sibu khoảng 200m. Đây là khu chợ trong nhà lớn nhất Malaysia. Chợ có ba tầng, bán đủ mọi thứ, từ nông sản địa phương đến đồ kim hoàn thủ công. Người Hoa bán hàng sòng phẳng nhưng lại là những tay thương thuyết “khó nhằn”, thế nên du khách nếu muốn mặc cả thì tốt nhất là đi cùng một người bạn địa phương.

Tầng một chợ trung tâm Sibu có rất nhiều ki ốt bán đồ ăn. Du khách có thể tìm cho mình một món ăn vặt rồi ra ngoài chợ để vừa ăn, vừa thưởng thức cảnh quan của quảng trường Sibu - quảng trường lớn nhất Malaysia, được xây ngay bên cạnh nơi hai dòng sông Rajang và Igan hợp lưu, là điểm hóng gió ưa thích của dân địa phương lẫn khách du lịch. Quảng trường đông hơn vào buổi tối, các hàng quán bán đồ ăn nối nhau chạy từ chợ trung tâm đến quảng trường.

Đối diện với chợ trung tâm ở phía bên kia quảng trường là nhà thuốc Dương Quan Hồng (Poh Guan Hong). Từ chỗ chỉ là một nhà thuốc bắc nhỏ mở vào năm 1940, ngày nay Dương Quan Hồng đã trở thành một công ty dược phẩm lớn. Khách ghé thăm Dương Quang Hồng thường mua vài lọ thuốc Cap Rusa Sing Kong Chui nổi tiếng chuyên trị các chứng đau bụng, trào ngược dạ dày. Họ làm thế đề phòng trường hợp không kiểm soát được bản thân trước vô số món ngon Sibu.

Hương vị Sibu

Sibu không thiếu lựa chọn ẩm thực dành cho du khách, chẳng hạn như món gà nấu rượu đỏ. Người Phúc Châu nổi tiếng vì loại rượu nấu từ gạo đỏ (gạo nếp lên men bởi một loại nấm màu đỏ). Họ dùng thứ rượu này cùng với bã để nấu các món hầm khác nhau, đặc biệt là gà hầm ăn với mỳ hoặc miến. Người Sibu ăn sáng và tối bằng món gà nấu rượu đỏ vì món này vừa ngon vừa bổ. Phụ nữ mới sinh con ăn món này sẽ nhanh hồi phục sức khỏe.

Người Hoa đem cái chảo wok đi muôn nơi trên thế giới, vậy nên không có gì lạ khi nhiều món ngon Sibu được chế biến bằng chảo wok. Có thể kể đến kampua mieng - món mỳ xào thịt lợn, hay diang bang hu - món ăn nửa giống bánh tráng, nửa giống mỳ.

Nếu thực khách cảm thấy ngán thịt mỡ thì hãy thử món chai pau - há cảo khoai lang nhân củ đậu và cà rốt. Các đầu bếp sẽ đun khoai lang đến khi mềm rồi trộn với bột mỳ để làm vỏ bánh. Sau đó họ xào củ đậu và cà rốt thái sợi để làm nhân bánh, rồi đem bánh hấp trên lá chuối. Một miếng bánh chai pau ngọt lừ mà không ngán, ăn nóng hay lạnh đều ngon.

Người Sarawak thường uống cà phê hay trà với mấy thìa đường và vài giọt sữa dừa hoặc mật ong theo kiểu người châu Âu. Nếu thực khách không thích ngọt thì hãy nói với người pha theo kiểu “kosong” (nghĩa là “để nhạt”). Nhưng chắc chắn bạn không thể bỏ qua món bánh kong piang (còn gọi là kompyang) ăn kèm.

Kong piang là thứ bánh quy làm từ bột mỳ, hành, dầu dừa và hạt mè. Sau khi nhào bánh, đầu bếp sẽ dính bánh vào thành trong của bếp lò gốm trông giống như cái niêu to. Khi mặt bánh đã vàng ửng, đầu bếp dùng hai cây đũa to lấy bánh ra. Thưởng thức một ly cà phê hay trà cùng với bánh kong piang đủ để khiến du khách sống chậm và thưởng thức những niềm vui nhỏ nhoi.