Vì sao bệnh tim mạch tăng nhanh và trẻ hóa?
Đại hội khoa học Tim mạch Đông Nam Á lần thứ 27 diễn ra từ ngày 2 đến 5-11 với chủ đề “Giao thoa tim mạch: Thách thức và Cơ hội” đưa ra thông tin, bệnh tim mạch đang tăng nhanh và trẻ hóa tại nước ta.
Thậm chí, người Việt tử vong vì bệnh lý tim mạch còn cao hơn cả ung thư. Đại hội do Hội Tim mạch học Việt Nam tổ chức lần này nhằm góp phần lan tỏa những kiến thức về bảo vệ sức khỏe tim mạch đến người dân.
Tử vong vì tim mạch cao hơn ung thư
Theo báo cáo về gánh nặng bệnh tật toàn cầu năm 2022, bệnh tim mạch trở thành nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trên toàn thế giới. Mỗi năm, bệnh lý này cướp đi 19,5 triệu sinh mạng, chiếm khoảng 1/3 tử vong do mọi nguyên nhân. Một thực tế đáng lo ngại là tỷ lệ mắc và tử vong do bệnh tim mạch đang gia tăng nhanh chóng ở các nước có thu nhập thấp và trung bình thấp (chiếm 75% tổng số tử vong), trong đó có các quốc gia khu vực Đông Nam Á (ASEAN) và Việt Nam.
Số liệu báo cáo của Liên đoàn Tim mạch thế giới cho biết, ước tính mỗi năm toàn khu vực ASEAN có khoảng 4 triệu người chết vì bệnh tim mạch. Chỉ riêng tại Việt Nam, theo thống kê của Bộ Y tế, mỗi năm có khoảng 200.000 người Việt tử vong vì bệnh tim mạch, chiếm 33% ca tử vong, cao hơn cả số ca tử vong vì ung thư hằng năm (khoảng 115.000 người). Đáng bàn là hiện có khoảng 25% người Việt trưởng thành đang mắc bệnh tim mạch và có xu hướng ngày càng trẻ hóa.
10 năm trước, mỗi năm Bệnh viện Tim Hà Nội làm thủ thuật tim mạch can thiệp cho khoảng 5.000 bệnh nhân thì nay tăng trung bình 15%/năm. Đặc biệt, những năm gần đây, số lượng bệnh nhân trẻ từ 25 đến 40 tuổi khám và điều trị ngày càng tăng. PGS.TS Nguyễn Sinh Hiền, Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội cho rằng, trước đây, những người từ 50 tuổi trở lên mới có nguy cơ mắc tăng huyết áp, bệnh mạch vành, tai biến mạch máu não…, thì nay đã xuất hiện ở những người 30-40 tuổi, thậm chí có những ca bệnh dưới 30 tuổi.
Lý giải về nguyên nhân trẻ hóa bệnh lý tim mạch, theo PGS.TS Nguyễn Sinh Hiền là do lối sống công nghiệp hóa khiến con người lười vận động thể lực, lạm dụng rượu bia, hút thuốc lá, tiêu thụ nhiều thức ăn nhanh, dùng nhiều đạm động vật hơn đạm thực vật. Bên cạnh đó, tình trạng thường xuyên căng thẳng, bị áp lực trong cuộc sống cũng dẫn đến nguy cơ mắc các bệnh tim mạch.
Cũng theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tổng hợp từ các nghiên cứu gần đây, không khí ô nhiễm có mối liên quan đến khoảng 1/4 các trường hợp tử vong do bệnh lý tim mạch và đột quỵ. Việc phải tiếp xúc với những vật chất nhỏ như giọt bắn hay bụi mịn trong khí thải từ ô tô, xe máy, nhà máy điện, công trường xây dựng và các nguồn ô nhiễm khác thường xuyên và lâu dài, sẽ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch và đột quỵ khoảng 10-20%.
Đồng tình với ý kiến trên, GS.TS Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hội Tim mạch học Việt Nam thông tin thêm, các yếu tố môi trường như: Bụi, tiếng ồn, stress hay hậu Covid-19 cũng được tính là yếu tố nguy cơ mới xuất hiện ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch. Thế nhưng, kiến thức chung để chủ động phòng, chống bệnh tim mạch của đa số người dân còn thiếu. Hơn nữa, nhiều người chưa hiểu rõ các yếu tố nguy cơ gây bệnh là gì, không chủ động điều chỉnh lối sống (ăn uống, sinh hoạt, nghỉ ngơi, tập luyện). Thêm vào đó, việc khám sức khỏe định kỳ cũng chưa được chú ý.
8 lời khuyên cho một trái tim khỏe
Tại đại hội, GS.TS Nguyễn Lân Việt, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Tim mạch học Việt Nam đánh giá, trước đây, nhiều bệnh nhân tim mạch nước ta phải ra nước ngoài chữa bệnh. Thế nhưng, đến nay, Việt Nam đã làm chủ được hầu hết các kỹ thuật tiên tiến về bệnh lý tim mạch, tương đương các nước trong khu vực và thế giới. Do đó, người dân đã có cơ hội tiếp cận các thành tựu khoa học tiên tiến ngay trong nước mà không còn phải ra nước ngoài.
“Với nhiều bệnh nhân bị rối loạn nhịp tim, trước đây họ đều phải ra nước ngoài điều trị với chi phí cao. Nhưng đầu tuần qua, Viện Tim mạch Việt Nam đã trở thành cơ sở y tế đầu tiên ở nước ta điều trị thành công ca bệnh rung nhĩ phức tạp bằng công nghệ rất mới là bóng áp lạnh. Kỹ thuật này nhằm ngăn ngừa cơn rối loạn nhịp tái phát và vãn hồi chức năng tim bị suy giảm, giúp bệnh nhân có cuộc sống và sinh hoạt bình thường trở lại”, GS.TS Nguyễn Lân Việt dẫn chứng.
Cùng với việc cập nhật các kỹ thuật tiên tiến trong điều trị bệnh lý tim mạch, các chuyên gia tim mạch cũng đề cao công tác phòng bệnh. Theo kinh nghiệm của các nước phát triển cũng như các thành tựu khoa học, hầu hết các bệnh tim mạch có thể phòng ngừa và có thể can thiệp giảm nguy cơ mắc, giảm mức độ nặng một cách chủ động thông qua việc nâng cao nhận thức của người dân, duy trì thói quen tốt, khám sàng lọc, theo dõi sức khỏe thường xuyên. Với những hành động tưởng chừng như rất đơn giản như tuyên truyền, hướng dẫn mọi người không hút thuốc lá, giảm ăn mặn, không ăn nhiều mỡ động vật, hạn chế uống rượu bia, tập vận động thể lực mỗi ngày… có thể giúp tránh được ít nhất 80% các ca tử vong sớm do bệnh tim mạch.
Hướng mới mà Hội Tim mạch học Việt Nam nhắm đến, đó là phát triển các bảng kiểm đánh giá nguy cơ tim mạch. Bằng cách trả lời các câu hỏi trong chưa đầy 5 phút, người dùng có thể tự đánh giá mức độ nguy cơ tim mạch thấp - trung bình - cao trong 5-10 năm tới, từ đó hướng đến sự tư vấn của các thầy thuốc tim mạch.
Các chuyên gia tim mạch đưa ra 8 lời khuyên cho một trái tim khỏe, đó là kiểm soát cân nặng; không hút thuốc lá, thuốc lào; không ăn nhiều mỡ động vật; không ăn mặn; đi bộ 10.000 bước chân mỗi ngày; hạn chế uống rượu bia; tránh lo âu, căng thẳng; kiểm tra thường xuyên huyết áp, rối loạn đường huyết, rối loạn lipid máu…