Khẳng định sự hiện diện của Pháp ở Trung Á
Như Báo Hànộimới đã đưa tin, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vừa có chuyến thăm từ ngày 1 đến 2-11 tới Kazakhstan và Uzbekistan nhằm tăng cường sự hiện diện của Pháp tại Trung Á.
Chuyến công du của ông chủ Điện Elysee diễn ra trong bối cảnh các quốc gia châu Âu đang tranh giành ảnh hưởng ở khu vực giàu tài nguyên, nơi Nga, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và Liên minh châu Âu (EU) đều có lợi ích kinh tế.
Đến Kazakhstan và Uzbekistan, hai nước được xem là có vai trò quan trọng trong dự án “Những con đường tơ lụa mới” của Trung Quốc, Tổng thống Pháp hy vọng sẽ tìm thêm đồng minh và nhất là tìm thêm nguồn cung cấp uranium cho ngành điện hạt nhân. Ngành này hiện vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng sản lượng điện của Pháp.
Theo Hãng tin Bloomberg, Kazakhstan hiện là nước sản xuất uranium hàng đầu thế giới, chiếm tới 43% tổng sản lượng toàn cầu. Pháp đã đầu tư rất nhiều vào lĩnh vực này ở quốc gia Trung Á. Cụ thể, Tập đoàn Năng lượng hạt nhân Orano đang khai thác các mỏ uranium ở Kazakhstan trong khuôn khổ một liên doanh với Công ty nhà nước Kazatomprom. Công ty Điện lực Pháp (EDF) đang nỗ lực xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên tại nước này và dự án sẽ được quyết định trong một cuộc trưng cầu dân ý thời gian tới. Các khoáng sản quan trọng đối với công nghệ năng lượng sạch mà Trung Á đang sở hữu cũng là một phần của các cuộc đàm phán.
Tổng thống Emmanuel Macron mong muốn tăng cường an ninh năng lượng cho Paris cũng như đặt dấu ấn chính trị và kinh tế của mình lên khu vực Trung Á. Những kỳ vọng này phù hợp với bối cảnh châu Âu đang tìm cách đa dạng hóa nguồn năng lượng, giảm phụ thuộc vào nhiên liệu từ Nga. Pháp hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ năm ở Kazakhstan. Kim ngạch thương mại giữa hai nước đạt 5,3 tỷ euro (5,6 tỷ USD) vào năm 2022 và Kazakhstan cung cấp khoảng 40% nhu cầu uranium của Pháp.
Theo số liệu từ Bộ Kinh tế Pháp, ngoài việc là nhà cung cấp uranium lớn nhất, năm ngoái Kazakhstan còn là nguồn cung cấp dầu thô lớn thứ hai cho nước này. Michael Levystone, nhà nghiên cứu tại Viện Quan hệ quốc tế Pháp, có trụ sở tại Paris, cho biết: “Kazakhstan là chìa khóa cho an ninh năng lượng của Pháp. Chuyến thăm của Tổng thống Emmanuel Macron sẽ đóng vai trò như một lời nhắc nhở rằng, Paris sẵn sàng tăng cường hợp tác với Kazakhstan...”.
Sau cuộc gặp với Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev ở thủ đô Astana hôm 1-11, người đồng cấp Emmanuel Macron cho biết, để “tăng tốc hợp tác” trong các lĩnh vực then chốt, hai nhà lãnh đạo đã ký một số thỏa thuận quan trọng trong lĩnh vực kinh tế, công nghệ năng lượng sạch, dược phẩm và hàng không vũ trụ. Tổng thống Kazakhstan Kassym - Jomart Tokayev gọi Pháp là “đối tác quan trọng và đáng tin cậy” trong EU, đồng thời khẳng định sẽ tìm cách tạo thêm “động lực” cho mối quan hệ đối tác này.
Chặng dừng chân thứ hai của ông Emmanuel Macron tại Uzbekistan cũng trở thành chuyến công du đầu tiên của một Tổng thống Pháp tới đất nước này sau gần 30 năm. Nhà lãnh đạo Pháp đã tận dụng chuyến đi để ủng hộ chính sách mở cửa thương mại và đầu tư quốc tế của Uzbekistan. "Uzbekistan đang chuyển đổi. Chúng tôi phải có mặt ở đó", Tổng thống Emmanuel Macron phát biểu tại lễ khai mạc Diễn đàn Doanh nghiệp Pháp - Uzbek ở thành phố Samarkand.
Sau nhiều thập kỷ bị cô lập, Tổng thống Uzbekistan Shavkat Mirziyoyev đang cố gắng thu hút đầu tư toàn cầu và cải thiện hình ảnh của đất nước thuộc Liên Xô cũ. Ông Shavkat Mirziyoyev nêu rõ, chuyến thăm của Tổng thống Pháp có “ý nghĩa lịch sử” và hai nhà lãnh đạo đã “đồng ý thúc đẩy quan hệ song phương lên cấp độ đối tác chiến lược”. Khoảng 60 lãnh đạo doanh nghiệp Pháp đã tháp tùng ông Macron trong chuyến đi. Một số thỏa thuận ở các lĩnh vực năng lượng, khoáng sản và giao thông đã được ký kết. Tập đoàn Năng lượng hạt nhân Orano cho biết đã khai thác 350kg uranium trong một dự án thí điểm và có ý định tăng cường sự hiện diện ở nước này.
Trung Á từ lâu đã chịu ảnh hưởng của Nga đang nhận được sự chú ý ngày càng tăng từ các cường quốc khác khi Nga đang bận rộn với cuộc chiến ở Ukraine. Trung Quốc đang mở rộng tầm ảnh hưởng thông qua các dự án cơ sở hạ tầng Vành đai và Con đường. Mỹ đang tìm cách tăng cường sự hiện diện chính trị, trong khi EU đang nỗ lực kết nối khu vực này tạo thành hành lang thương mại và năng lượng chạy qua vùng Caucasus tới châu Âu.
Tổng thống Emmanuel Macron sẽ không phải là lãnh đạo phương Tây duy nhất gặp các lãnh đạo vùng Trung Á trong thời gian gần đây. Thủ tướng Hungary Viktor Orban và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cũng đến thăm Astana vào cuối tuần này. Tất cả càng cho thấy, Kazakhstan và Uzbekistan đều hướng tới sự cởi mở kinh tế và ngoại giao theo hướng cân bằng hơn, mặc dù Nga vẫn là đối tác chính của họ.