Không để khoảng trống giữa các cấp quy hoạch sử dụng đất
Đại biểu đề nghị rà soát, phân định rõ ranh giới giữa các cấp quy hoạch sử dụng đất để bảo đảm có sự khớp nối liên tục trong một chỉnh thể thống nhất, không để khoảng trống.
Ngày 3-11, tiếp tục kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV, thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm về nguyên tắc phê duyệt quy hoạch sử dụng đất, được quy định tại khoản 9, Điều 60 dự thảo Luật.
Về nội dung này, dự thảo Luật đưa ra 3 phương án:
Phương án 1: Cho phép các quy hoạch sử dụng đất được lập đồng thời nhưng quy hoạch cấp cao hơn phải được phê duyệt, quyết định trước quy hoạch thấp hơn. Khi kết thúc thời kỳ quy hoạch sử dụng đất mà quy hoạch thời kỳ mới chưa được cấp có thẩm quyền quyết định, phê duyệt thì tiếp tục thực hiện các chỉ tiêu chưa thực hiện đến khi quy hoạch sử dụng đất thời kỳ tiếp theo được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định, phê duyệt.
Phương án 2: Các quy hoạch sử dụng đất được lập đồng thời; quy hoạch được lập, thẩm định xong trước được quyết định hoặc phê duyệt trước. Sau khi quy hoạch được quyết định hoặc phê duyệt, nếu có mâu thuẫn thì quy hoạch thấp hơn phải điều chỉnh phù hợp quy hoạch cao hơn. Chính phủ đề xuất theo hướng này tại Báo cáo số 598/BC-CP.
Phương án 3: Quy hoạch sử dụng đất các cấp được lập, quyết định, phê duyệt theo quy định của pháp luật về quy hoạch.
Với 3 phương án trên, đa số ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với phương án 1 và xin ý kiến Quốc hội về nội dung này.
Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà (Đoàn Bắc Giang) cho rằng, để bảo đảm thống nhất với Luật Quy hoạch, luật hóa những quy định còn phù hợp, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, có thể nghiên cứu thêm một phương án theo hướng kết hợp cả hai phương án do Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ trình, như sau: Các quy hoạch sử dụng đất được lập đồng thời, quy hoạch sử dụng đất cấp cao hơn phải được phê duyệt quyết định trước.
Trường hợp quy hoạch cấp cao hơn chưa được phê duyệt thì cấp có thẩm quyền được phê duyệt quy hoạch cấp thấp hơn để thực hiện. Sau khi quy hoạch cấp cao hơn được phê duyệt, nếu quy hoạch cấp thấp hơn đã được phê duyệt không còn phù hợp với quy hoạch cấp cao hơn thì điều chỉnh quy hoạch cấp thấp hơn cho phù hợp với quy hoạch cấp cao hơn.
Khi kết thúc thời kỳ quy hoạch sử dụng đất mà quy hoạch thời kỳ mới chưa được cấp có thẩm quyền quyết định phê duyệt thì tiếp tục thực hiện các chỉ tiêu mà chưa thực hiện đến khi quy hoạch sử dụng đất thời kỳ tiếp theo được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định phê duyệt.
Đồng thời, có thể bổ sung quy định giao Chính phủ quy định chi tiết trường hợp quy định cấp cao hơn chưa được phê duyệt thì cấp có thẩm quyền được phê duyệt quy hoạch cấp thấp hơn để thực hiện nhằm đảm bảo tính thống nhất trong quá trình thực thi, nếu quy định theo phương án này.
Đại biểu Nguyễn Quốc Luận (Đoàn Yên Bái) quan tâm tới Điều 75 dự thảo Luật quy định chậm nhất là 10 ngày kể từ ngày quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định phê duyệt phải thực hiện việc công bố công khai. Đại biểu cho rằng, việc quy định như vậy là rất khó khăn cho các địa phương trong thực hiện, đặc biệt là đối với các địa phương miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Do vậy, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét sửa đổi thời điểm thực hiện công bố công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất từ chậm nhất là 15 ngày để đảm bảo tính khả thi trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện, đồng thời phù hợp với thời gian quy định trong Luật Quy hoạch hiện hành.
Do các nội dung về quy hoạch sử dụng đất hiện đang được quy định tại cả dự thảo Luật đất đai sửa đổi và Luật Quy hoạch, đại biểu Trần Thị Vân (Bắc Ninh) cho rằng, nếu giữ nguyên như dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) thì sau khi ban hành, việc triển khai thực hiện các quy định pháp luật sẽ bị xé lẻ, manh mún.
“Đặt cương vị là đơn vị lập quy hoạch sử dụng đất thì chúng ta phải sử dụng cùng một lúc hai luật bởi nội dung nằm trong quy hoạch thuộc Luật Quy hoạch nhưng căn cứ thì lại thuộc Luật Đất đai. Do đó, đề nghị các quy định về quy hoạch sử dụng đất thì cần được sửa đổi, bổ sung vào ngay Chương 5 của Luật của dự thảo Luật Đất đai và đồng thời thì bãi bỏ các cái quy định về nội dung cũng như là quy trình đang bị chồng chéo tại Luật Quy hoạch”, đại biểu kiến nghị.
Đại biểu Cầm Hà Chung (Đoàn Phú Thọ) bày tỏ đồng tình cao với việc quy hoạch sử dụng đất cấp quốc gia chỉ xác định các tiêu chí cơ bản như quy định tại dự thảo Luật. Các chỉ tiêu khác giao địa phương xác định cho phù hợp với đặc điểm của từng địa phương.
Tuy nhiên, đại biểu đề nghị rà soát, phân định rõ ranh giới về nội dung giữa các quy hoạch, quy hoạch sử dụng đất cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, quy hoạch sử dụng đất cấp huyện, quy hoạch lâm nghiệp quốc gia để bảo đảm có sự khớp nối liên tục trong một chỉnh thể thống nhất giữa các quy hoạch, không để khoảng trống.